GDCD 6 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam Giáo dục công dân lớp 6 trang 39 sách Chân trời sáng tạo
Giải Giáo dục công dân 6 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam giúp các em học sinh lớp 6 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Giáo dục công dân 6 sách Chân trời sáng tạo trang 39, 40, 41, 42, 43.
Nhờ đó, các em nêu được khái niệm, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước CHXHCN Việt Nam. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án GDCD 6 Bài 10 CTST theo sách mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Giáo dục công dân lớp 6 bài 10: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam
I. Khởi động GDCD 6 trang 39
❓Em hãy quan sát các hình ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi:
1. Dựa vào trang phục của công dân trong các hình ảnh trên, em hãy xác định tên các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
2. Theo em, công dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau trên đất nước ta có quyền và nghĩa vụ như nhau không?
Trả lời:
1. Trong hình trên gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Tày, Ê đê, Khơ me.
2. Theo em, công dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau trên đất nước ta có quyền và nghĩa vụ như nhau.
II. Khám phá GDCD 6 trang 40, 41, 42
Thông tin 1
Tốt nghiệp đại học, chị Thanh sang Nhật Bản du học một năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trở về nước, chị được một công ty nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam mời làm việc, trả lương rất cao.
Sau hai năm làm việc, chị xin nghỉ làm và bắt đầu một công việc mới mà chị ấp ủ từ lâu, đó là trồng rau sạch theo mô hình nông nghiệp hiện đại. Chị quyết định trở về quê, nơi mình sinh ra và lớn lên, để bắt đầu khởi nghiệp.
Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm công việc mới, như bao người khác, chị cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với ý thức về trách nhiệm của mỗi công dân, với lòng đam mê cháy bỏng, khát khao xây dựng quê hương đất nước, chị Thanh đã vượt qua những trở ngại để thực hiện các kế hoạch đề ra.
Giờ đây, mảnh đất khô cằn ở quê chị thay thế bằng màu xanh mát mắt, trải dài tít tắp của những luống rau, vườn hành, vườn dưa... Thành quả của chị được bắt nguồn từ một trái tim tha thiết yêu mảnh đất quê mình, muốn cống hiến một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển giàu đẹp của quê hương, đất nước.
❓Theo em, chị Thanh đã thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản nào của công dân nước CHXHCN Việt Nam?
Trả lời:
Theo em chị Thanh đã thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản Công dân, chị Thanh có quyền học bất cứ ngành nghề nào tùy theo khả năng của chị, có quyền lựa chọn ngành nghề phù hợp, có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thông tin 2
Trích các điều 22, 23, 25, 44, 45, 46 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013
- Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
- Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về nước.
- Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
- Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
- Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.
- Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
- Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến Pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt cộng đồng.
❓Em hiểu thế nào là quyền cơ bản, thế nào là nghĩa vụ cơ bản của công dân?
Trả lời:
Quyền cơ bản, nghĩa vụ của công dân là:
- Quyền cơ bản của công dân là lợi ích cơ bản mà người công dân được hưởng và được luật pháp bảo vệ.
- Nghĩa vụ công dân là yêu cầu bắt buộc của nhà nước mà công dân phải thực hiện nhằm đáp ứng lợi ích của nhà nước và xã hội theo quy định pháp luật.
❓Em hãy quan sát các hình sau và trả lời câu hỏi:
- Những hình ảnh trên đề cập đến quyền nào của công dân?
- Hãy thảo luận với bạn về nội dung một số quyền và nghĩa vụ khác của công dân mà em biết?
Lời giải:
- Những hình ảnh trên đề cập đến quyền của công dân:
- Hình 1: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
- Hình 2: Quyền được bảo vệ
- Hình 3: Quyền được bầu cử.
- Hình 4: Quyền riêng tư.
- Một số quyền và nghĩa vụ khác của công dân mà em biết:
1. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
2. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Điều 36
1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Điều 37
1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
2. Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
3. Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 38
1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
III. Luyện tập GDCD 6 trang 42, 43
Câu 1
❓Em có đồng ý với ý kiến của nhóm bạn nào trong tình huống dưới đây? Vì sao?
Tình huống: Khi tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của công dân, lớp 6A có những ý kiến tranh luận trái ngược nhau. Nhóm bạn H cho rằng: “Quyền và nghĩa vụ của công dân luôn đi liền với nhau, không tách rời nhau. Mọi công dân muốn được hưởng quyền thì phải thực hiện nghĩa vụ của công dân.” Còn nhóm của bạn A lại cho rẳng: “Mọi công dân đều được hưởng quyền những chỉ có người lớn mới cần thực hiện nghĩa vụ, học sinh còn nhỏ nên chưa phải thực hiện nghĩa vụ.”.
Trả lời:
Em đồng ý với ý kiến nhóm bạn H trong tình huống trên. Vì quyền và nghĩa vụ luôn đi liền với nhau góp phần hình thành trách nhiệm của mỗi người công dân Việt Nam.
Câu 2
❓Em hãy chọn và xử lí một trong các tình huống sau:
Tình huống 1: Trong giờ ra chơi, em và bạn Nam nhặt được một số quyền sổ lưu bút của một bạn nào đó đánh rơi. Nam rất tò mò, muốn mở ra xem trong đó viết gì.
- Em sẽ ứng xử như thế nào trong trường hợp này?
- Tình huống trên liên quan đến quyền nào của công dân Việt Nam?
Tình huống 2: Trong mùa dịch Covid 19 năm 2020, một số người đưa thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội. Điều này làm cho không ít người lo lắng, hoang mang.
- Theo em, các cá nhân trên đã có những hành vi nào chưa phù hợp với quyền của công dân?
- Nếu bạn em có hành vi như thế thì em sẽ ứng xử như thế nào?
Trả lời:
Em sẽ ứng xử trong các trường hợp:
- Tình huống 1: Em sẽ khuyên Nam trả lại cho người ta, không nên mở ra xem vì như vậy sẽ vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Tình huống trên liên quan đến quyền riêng tư của công dân.
- Tình huống 2: Theo em, cá nhân trên có hành vi đã thông tin sai sự thật chưa phù hợp với quyền công dân.
Nếu bạn em có hành vi như thế em sẽ khuyên bạn không nên làm như vậy vì nó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần mọi người xung quanh, khiến họ lo lắng, hoang mang.
IV. Vận dụng GDCD 6 trang 43
1. Em hãy quan sát xung quanh nơi em ở để tìm hiểu xem quyền cơ bản của công dân được thực hiện như thế nào?
2. Em hãy tự đánh giá hành vi bảo vệ môi trường của bản thân trong một tháng qua. Em sẽ làm gì để khuyến khích, động viên đang cùng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường?
3. Em hãy thiết kế sản phẩm thể hiện về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và thuyết minh về sản phẩm làm được.
Gợi ý: Sản phẩm có thể dưới các hình thức như: vẽ tranh, sáng tác thơ, viết bài, làm khẩu hiệu,...
Trả lời:
1. Tại nơi em đang sinh sống quyền công dân dược được thể hiện như: công dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận... học sinh được đến trường, bố mẹ không được xâm phạm tới quyền riêng tư của con; không ai được xâm phạm đến thân thể của người khác; không được bôi nhọ danh dự và tung tin đồn sai sự thật về người khác...
2. Trong 1 tháng qua em đã làm những việc sau để bảo vệ môi trường: không vứt rác bừa bãi; tiết kiệm điện và nước; trồng cây tại ban công...
Em sẽ kêu gọi bố mẹ, những cô chú trong khu dân cư em đang sinh sống vứt rác đúng nơi quy định, trồng cây xanh hai bên đường đi, trồng cây tại nhà mình...
3. Thiết kế sản phẩm thể hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và thuyết minh sản phẩm làm được. (HS tự liên hệ bản thân)
Gợi ý: Sản phẩm có thể dưới các hình thức như: vẽ tranh, sáng tác thơ, viết bài, làm khẩu hiệu.
Lý thuyết Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam
1. Thế nào là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân?
- Quyền cơ bản của công dân là những lợi ích cơ bản mà người công dân được hưởng và được luật pháp bảo vệ.
- Nghĩa vụ cơ bản của công dân là yêu cầu bắt buộc của nhà nước mà mọi công dân phải thực hiện nhằm đáp ứng lợi ích của nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Công dân Việt Nam có quyền và phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam theo Hiến pháp 2013
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định:
- Công dân Việt Nam đều được hưởng các quyền cơ bản như:
- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể;
- Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình;
- Quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lí nhà nước và xã hội;
- Quyền bình đẳng;
- Quyền tự do ngôn luận;
- Quyền tự do đi lại.
- Quyền tự do kinh doanh;...
- Công dân Việt Nam cần thực hiện các nghĩa vụ cơ bản như:
- Trung thành với Tổ quốc;
- Tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam;
- Bảo vệ Tổ quốc;
- Bảo vệ môi trường;
- Nộp thuế.