Đoạn văn phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương Viết đoạn văn nói về chi tiết cái bóng hay nhất
Viết đoạn văn phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương gồm 2 mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu sâu sắc hơn, dễ dàng lý giải ý nghĩa chiếc bóng trên tường trong Chuyện người con gái Nam Xương.
Chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương là nguyên nhân gây ra nỗi oan khuất của Vũ Nương, mà cũng chính là nút thắt quan trọng để gỡ bỏ nỗi oan khuất cho nàng. Với 2 đoạn văn dưới đây của Eballsviet.com các em sẽ có thêm nhiều vốn từ, để viết đoạn văn thật hay.
Viết đoạn văn phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương
Đoạn văn phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương
"Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ là tác phẩm khá hay và đặc sắc. Trong đó có chi tiết cái bóng vừa là nút thắt, vừa là nút mở của câu chuyện. Vũ Nương - nhân vật chính của tác phẩm, mang thai trong lúc người chồng phải đi lính. Sau khi sinh đứa con trai Đản, Vũ Nương thường chỉ chiếc bóng của mình ở trên tường và nói rằng đó là cha Đản. Đây là lần đầu tiên chi tiết chiếc bóng xuất hiện. Đối với Vũ Nương, hành động đó nhằm thỏa nỗi nhớ nhung dành cho chồng. Cho tiết này cũng thể hiện lòng thủy chung và nỗi lo lắng đứa con sẽ thiếu hơi cha của nàng. Thế nhưng, nàng chẳng biết được việc này đã trở thành tai họa về sau. Đến khi chồng nàng là Trường Sinh đi lính trở về, chiếc bóng xuất hiện lần thứ hai qua lời của bé Đản. Trương Sinh nghe theo lời nói còn non dại của người con mà nghi ngờ là vợ thất tiết. Hắn ta bèn đuổi đánh vợ, mặc cho nàng có khóc lóc kêu oan. Chỉ vì một chiếc bóng mà câu chuyện được đẩy lên cao trào bằng việc Vũ Nương tự vẫn. Khi Trương Sinh cùng con ngồi dưới ngọn đèn khuya, cái bóng xuất hiện lần thứ ba. Đứa con trai chỉ bóng chàng trên vách bảo "Cha Đản lại đến kia kìa", Trương Sinh lúc này mới vỡ lẽ là đã trách nhầm vợ mình. Đây cũng là chi tiết mở nút cho câu chuyện. Từ chi tiết chiếc bóng, ta đã thấy rõ được phẩm chất của các nhân vật trong truyện. Vũ Nương thủy chung, thương con, yêu chồng. Bé Đản ngây thơ. Còn người chồng lại quá nghi ngờ, ghen tuông, là hiện thân của xã hội phong kiến "nam quyền" đầy bất công.
Đoạn văn về chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương
Chiếc bóng được coi là chi tiết đặc sắc nhất trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Chi tiết này được mở ra khi nàng Vũ Nương có chồng đi lính xa nhà, chơi cùng con nhỏ, nàng "hay đùa con", "trỏ bóng mình trên vách mà bảo là cha Đản". Hành động đó xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ hiền lo con trai thiếu vắng tình thương của cha những năm tháng đầu đời. Đó là hành động vô cùng cao đẹp, một lời nói đói hết sức ý nghĩa. Với bé Đản cũng vậy, cái bóng trên vách mẹ em vẫn chỉ là người cha em vẫn hay nhắc tới, là đại diện cho người cha lúc nào cũng ở bên mẹ con em, che chở cho em. Thế nhưng chính cái bóng ấy lại là nguồn cơn gây nên bi kịch đau đớn cho Vũ Nương, khiến nàng phải dùng cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của mình. Khi Trương Sinh - chồng nàng trở về nhà, nghe lời con trai rằng đêm nào cũng có một người đàn ông tới "mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi", vốn tình ghen tuông, đa nghi, chàng đã một mực "đinh ninh là vợ hư" nên đã "mắng nhiếc, đánh đuổi" Vũ Nương đi mặc cho nàng biện bạch, giải thích. Đến khi nàng "gieo mình xuống sông mà chết", chàng vẫn luôn giữ lòng mối nghi ngờ đó. Và một lần nữa, chi tiết cái bóng lại xuất hiện, trở thành nút mở hoá giải mọi ân oán, nghi ngờ. Đó là khi chàng cùng con ngồi trong phòng vắng, "dưới ngọn đèn khuya", đứa con lại ngây ngô "chỉ bóng chàng trên vách mà bảo rằng: Cha Đản lại đến kia kìa". Bấy giờ chàng mới "thấu nỗi oan của vợ". Thông qua chi tiết cái bóng, Nguyễn Dữ đã chỉ ra một xã hội nam quyền, "trọng nam khinh nữ", chỉ vì một sự việc không rõ ràng mà tạo nên bi kịch cho người phụ nữ. Ông lên tiếng đanh thép tố cáo xã hội ấy và tỏ lòng thương cảm tới số phận của những người phụ nữ đau khổ như Vũ Nương.