Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống (3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Eballsviet.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống, giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc Gia sắp tới.
Tài liệu gồm 3 đoạn văn mẫu, dành cho học sinh lớp 12. Mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống
Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống - Mẫu 1
Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống” - đó lời khuyên quý giá về sự khiêm nhường trong cuộc sống. Trước hết, hành động “cúi xuống” đã thể hiện thái độ biết khiêm nhường của một người có đạo đức, văn hóa. Còn “lớn hơn” không phải để biểu thị sự thay đổi to lớn về kích thước mà đang nói đến mức độ trưởng thành của một con người. Khi con người biết khiêm tốn cũng là khi giá trị của con người đã cao hơn một bậc. Cuộc sống là một hành trình vô tận, thành công của hôm nay có thể là thất bại của tương lai. Con người dù có tài năng, hiểu biết thế nào vẫn không phải là người giỏi nhất. Chính vì vậy khi biết “cúi xuống” có nghĩa là con người đã ý thức được bản thân đang đứng ở vị trí nào. Từ đó, chúng ta cố gắng học hỏi và tích lũy thêm những kiến thức kĩ năng với một thái độ cầu thị. Khi biết sống khiêm tốn chúng ta sẽ nhận được sự yêu mến, kính trọng của người khác. Không chỉ vậy, sự giúp đỡ và chỉ bảo dành cho chúng ta cũng sẽ xuất phát từ một tấm lòng chân thành để truyền đạt hết những kinh nghiệm, kiến thức mà họ biết. Tuy nhiên, biết khiêm tốn là tốt nhưng đôi khi không nên quá tự ti. Người có thái độ tự ti sẽ cảm thấy mặc cảm về bản thân, từ đó không có động lực để cố gắng và càng thụt lùi về phía sau. Đặc biệt với một học sinh, thái độ khiêm tốn là vô cùng cần thiết. Như vậy, câu nói trên đã giúp mỗi người có thêm bài học quý giá.
Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống - Mẫu 2
Trong cuộc sống hôm nay, đức tính khiêm nhường là một điều vô cùng cần thiết, bởi vậy mới có lời khuyên: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”. “Cúi đầu” hay “cúi xuống” trước hết là một hành động mà con người thường làm trong cuộc sống khi đối diện với những có vai vế, quyền lực hơn mình. Nhưng trong câu nói này, đó không phải là một hành động đơn thuần như chúng ta vẫn biết. Mà đó là biểu hiện của một thái độ sống khiêm tốn, khiêm nhường và giản dị. Khi con người biết sống khiêm tốn có nghĩa là họ trưởng thành hơn về mặt nhận thức vì đã ý thức được vị trí và giá trị của bản thân trong cuộc sống này. Trong đường đời dài vô tận, chắc chắn mỗi người không ít lần vấp ngã hay mắc phải những sai lầm. Hãy biết “cúi xuống” nhìn nhận lại những sai lầm để vượt qua và thay đổi. Khi chúng ta giải sai một bài toàn, điều cần làm là tìm ra hướng giải đúng đắn. Chứ không phải nóng vội hay tức giận xé bỏ bài giải chúng ta vừa làm xong. Học cách “cúi xuống” trước sai lầm không thể hiện bạn là người thua kém. Điều ấy chỉ khiến cho mọi người nể phục bạn hơn mà thôi. Ngay cả khi đạt được một vài thành công nhất định, chúng ta cũng cần phải học cách khiêm tốn, tránh tự kiêu về bản thân để rồi dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Người biết khiêm tốn trước thành công của bản thân cũng sẽ nhận được sự ngưỡng mộ, yêu mến của những người xung quanh. Chính vì vậy, lời khuyên đến từ câu nói đã để lại bài học sâu sắc cho mỗi người.
Đoạn văn nghị luận Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống - Mẫu 3
“Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống” - đó là một lời khuyên sâu sắc dành cho mỗi người. Trước hết, hành động “cúi xuống” thể hiện được một thái độ khiêm nhường, khiêm tốn của con người đối với những người xung quanh. Còn “lớn hơn” thể hiện được sự trưởng thành về mặt nhận thức hiểu biết của con người. Tóm lại, câu nói trên muốn khẳng định vai trò quan trọng của đức tính khiêm tốn. Kiến thức giống như một đại dương mênh mông còn những gì mỗi người học được, biết được và hiểu được lại như một giọt nước nhỏ bé giữa đại dương ấy. Không có một nhà bác học thực sự am hiểu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chính vì vậy, ngay cả những nhà bác học vĩ đại nhất cũng phải biết khiêm nhường. Lênin từng có lời khuyên cho thanh niên: “Nếu tôi biết tôi biết ít tôi sẽ tìm cách để hiểu biết hơn”. Đó chính là một thái độ sống đúng đắn của một nhà cách mạng vĩ đại mà chúng ta nên học tập. Abraham Lincoln đã trải qua nhiều lần thất bại trong suốt 28 năm. Thậm chí năm 1833, ông bị mắc chứng suy nhược thần kinh và thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên. Năm 1848, ông tiếp tục thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm 1860 ông đắc cử Tổng thống. Nếu như ông không biết “cúi xuống” nhìn nhận lại bản thân đâu là lý do của những thất bại ấy và tiếp tục nỗ lực rèn luyện không ngừng. Có lẽ, ngày hôm nay, chúng ta đã không biết đến một vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Đối với một học sinh cuối cấp, tôi luôn ý thức rằng cần phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt. Thắng không kiêu, bại không nản - khiêm tốn trước những thành quả mình đạt được để tiếp tục cố gắng chinh phục ước mơ, mục tiêu quan trọng nhất. Sự khiêm tốn là một điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người.