Địa lí 11 Bài 30: Kinh tế Cộng hòa Nam Phi Soạn Địa 11 Cánh diều trang 143, 144, 145, ..., 150
Giải bài tập SGK Địa lí 11 trang 143, 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150 sách Cánh diều giúp các em học sinh lớp 11 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 30: Kinh tế Cộng hòa Nam Phi thuộc phần hai: Địa lý khu vực và quốc gia.
Soạn Địa lí 11 Bài 30 Cánh diều giúp các em học sinh hiểu được kiến thức về tình hình phát triển Kinh tế Cộng hòa Nam Phi. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án nhanh chóng hơn. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài Giải SGK Địa lí 11 Bài 30 Cánh diều, mời các bạn cùng đón đọc.
Địa lí 11 Bài 30: Kinh tế Cộng hòa Nam Phi
Giải Luyện tập, vận dụng Địa lí 11 Bài 30
Luyện tập 1
Chọn một ngành kinh tế của Cộng hòa Nam Phi và giới thiệu về những đặc điểm nổi bật của ngành này.
Gợi ý đáp án
(*) Lựa chọn trình bày: Ngành nông nghiệp của Cộng hòa Nam Phi:
- Nông nghiệp phát triển mạnh, là nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là: ngô, lạc, thuốc lá, hoa quả. Hình thức sản xuất chủ yếu là trang trại.
+ Trồng trọt: chiếm hơn 60% diện tích, đóng góp hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngô là cây trồng quan trọng hàng đầu, cung cấp lương thực, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Hoạt động trồng trọt tập trung ở các đồng bằng ven biển và vùng đồi thấp.
+ Chăn nuôi: có vai trò quan trọng trong cung cấp thịt, sữa cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sử dụng trên 21% lao động trong nông nghiệp. Vật nuôi chính là cừu, bò sữa, lợn và gia cầm. Quốc gia này nổi tiếng về nuôi cừu (đứng trong top 10 nước xuất khẩu len lớn nhất thế giới). Hoạt động chăn nuôi phân bố rộng khắp, tập trung chủ yếu ở cao nguyên trung tâm.
- Lâm nghiệp:
+ Là ngành có ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn hàng xuất khẩu.
+ Hàng năm xuất khẩu trên 10 triệu tấn bột gỗ, trên 5 triệu m3 gỗ tròn hoặc gỗ xể, trên 500 ngàn tấn gỗ hầm mỏ.
- Thủy sản:
+ Ngành đánh bắt hải sản được chú trọng phát triển, sản lượng hàng năm đạt từ 500 - 700 nghìn tấn, nhiều loài có giá trị cao như: cá he, cá thu, cá ngừ, cá tuyết, cá hồi, mực, tôm hùm,… 80% sản lượng đánh bắt dùng để xuất khẩu.
+ Sản lượng nuôi trồng còn nhỏ nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Luyện tập 2
Dựa vào bảng 30.4, hãy vẽ biểu đồ đường thể hiện trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Cộng hòa Nam Phi giai đoạn 2000 - 2020. Rút ra nhận xét.
Gợi ý đáp án
- Vẽ biểu đồ:
- Nhận xét: Nhìn chung, trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Cộng hòa Nam Phi giai đoạn 2000 - 2020 có sự biến động và xu hướng giảm, cán cân xuất nhập khẩu thay đổi liên tục, cụ thể:
+ Xuất khẩu: năm 2000 đạt 37 tỉ USD, tăng đều qua giai đoạn 2005 đến 2010 đạt 107,6 tỉ USD, sau giai đoạn tăng đều là suy giảm. Năm 2015 giá trị xuất khẩu chỉ đạt 96,1 tỉ USD và giảm xuống chỉ còn 93,2 tỉ USD năm 2020. Các năm xuất siêu là năm 2000, 2010 và 2020.
+ Nhập khẩu: năm 2000 đạt 33,1 tỉ USD, tăng đều qua giai đoạn 2005 đến 2010 đạt 102,8 tỉ USD, sau giai đoạn này đến năm 2015 giá trị nhập khẩu giảm xuống còn 100,6 tỉ USD và giảm mạnh xuống 78,3 tỉ USD năm 2020. Các năm nhập siêu là năm 2005, 2015.
Vận dụng 3
Hãy tìm hiểu và giới thiệu về một địa điểm du lịch ở Cộng hòa Nam Phi.
Gợi ý đáp án
(*) Tham khảo: Núi bàn
- Được biết đến là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và là biểu tượng du lịch Nam Phi, núi Bàn - một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất hành tinh, tọa lạc tại thành phố Cape Town, Cộng hòa Nam Phi thực chất là một cao nguyên có chiều dài 3km, xung quanh là các vách đá dốc cùng thảm thực vật và động vật phong phú. Điểm đặc biệt của núi Bàn là có đỉnh bằng phẳng, tạo nên điểm nhấn nổi bật và đã trở thành biểu tượng trên cờ của thành phố Cape Town.
- Núi Bàn có độ cao hơn 1000m. Ngọn núi bằng phẳng, có hình dáng như mặt bàn do chịu tác động xói mòn qua hơn 6 triệu năm. Núi Bàn còn tự hào là nơi có hệ động vật hết sức đa dạng với nhiều loài vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng sinh sống tại đây. Đứng trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ thành phố Cape Town, khu bến cảng Victoria và Alfred, trung tâm thương mại, sân vận động Green Point, tòa nhà Quốc hội,...
- Núi Bàn là một trong những địa điểm yêu thích của người ưa du lịch mạo hiểm hay khám phá thiên nhiên. Du khách thường lên núi Bàn bằng cáp treo hoặc đi bộ. Hệ thống cáp treo được xây dựng và đưa vào hoạt động lần đầu tiên tại đây vào năm 1929, sau 68 năm hoạt động, đến năm 1997, cáp treo được nâng cấp để phục vụ nhiều du khách hơn. Các cabin có hình dáng tròn, có thể trở nhiều người và xoay 360 độ cho du khách tha hồ ngắm cảnh.
- Điểm cao nhất của núi Bàn là điểm cực Đông, gọi là Cột mốc, có độ cao tới 1086m. Ở độ cao này, khí hậu trên núi rất lạnh, thường có mây sương mù che phủ. Từ đây, ngắm nhìn khung cảnh bình minh hay hoàng hôn buông xuống vô cùng tuyệt đẹp.
- Vào buổi chiều, đỉnh núi Bàn thường được bao phủ bởi lớp sương mờ, mây phủ lãng đãng, tạo nên khung cảnh như mơ. Du khách bước vào thế giới hư ảo, nửa thực nửa mơ, đặc biệt khi mặt trời dần lặn, ánh nắng phản chiếu xuống đường chân trời biển tạo nên ánh màu cam, vàng huyền diệu.
- Núi Bàn nằm ngay bên cạnh vườn quốc gia Kirstenbosch, rộng 510ha với hơn 6000 loài động vật và thực vật. Vườn quốc gia này cũng đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới vào năm 1999 và là điểm đến du lịch không thể bỏ qua trong hành trình chinh phục núi Bàn của nhiều du khách khi đến Nam Phi.
- Thực vật tại núi Bàn chủ yếu là các loại cây bụi rậm. Tại núi Bàn hiện có hơn 2200 loài thực vật được tìm thấy. Riêng dưới chân núi Bàn, có hơn 1500 loài hoa, thi nhau ra hoa suốt bốn mùa trong năm, tạo nên khung cảnh thơ mộng và vô cùng đẹp.
- Núi Bàn còn là nơi lưu trú của rất nhiều loài động vật hoang dã như nhím, hươu, báo, sư tử, mèo châu Phi, nhím,... Trong đó, loài phổ biến nhất là chuột Dassie, du khách có thể bắt gặp chúng tại các trạm cáp treo hay nơi ăn uống của khách du lịch. Núi Bàn có hệ động thực vật vô cùng phong phú.