Đáp án tự luận tập huấn Âm nhạc 6 sách Chân trời sáng tạo Đáp án 10 câu tự luận tập huấn SGK Âm nhạc 6
Đáp án tự luận tập huấn Âm nhạc 6 sách Chân trời sáng tạo giúp thầy cô tham khảo, nhanh chóng trả lời 10 câu hỏi tự luận môn Âm nhạc 6 trong chương trình tập huấn sách giáo khoa lớp 6 mới.
Ngoài ra, thầy cô có thể tham khảo thêm câu hỏi trắc nghiệm SGK 6 sách Chân trời sáng tạo, cùng hướng dẫn xem bộ sách giáo khoa lớp 6 mới để tìm hiểu trước về các bộ sách mới. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Đáp án tự luận tập huấn Âm nhạc 6 sách Chân trời sáng tạo
Câu 1. SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo được biên soạn theo quan điểm nào?
- SGK bảo đảm các quan điểm tiến bộ mà Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- SGK tuân thủ các quy định về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn Âm nhạc 2018. Ngoài việc cung cấp kiến thức và kĩ năng âm nhạc, SGK còn là tài liệu giúp HỌC SINH có thể tự học, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thẩm mĩ và sáng tạo trong âm nhạc.
- Nội dung SGK được xây dựng có tính liên thông từ cấp Tiểu học và theo hướng kết hợp giữa đồng tâm với tuyến tính, là tiền đề cho cấp học sau. Nội dung SGK vừa đảm bảo tính cốt lõi, vừa có tính mở để phù hợp với sự đa dạng về điều kiện và khả năng học tập của HỌC SINH các vùng miền.
- Kế thừa những ưu điểm của SGK hiện hành, đồng thời tiếp thu tinh hoa của một số nền giáo dục tiên tiến; đặc biệt là sự tiến bộ của giáo dục Âm nhạc của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Câu 2. SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo hình thành những phẩm chất, năng lực nào cho HỌC SINH?
- SGK đảm bảo các nguyên tắc giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể SGK góp phần phát triển các phẩm chất chủ yếu cho học sinh, bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
- SGK giáo dục phẩm chất HỌC SINH thể hiện qua các nội dung của từng chủ đề, nội dung lời ca trong sự hoà quyện với các yếu tố thẩm mĩ âm nhạc của các ca khúc; các bài học thường thức âm nhạc như tấm gương về đời sống và tinh thần làm việc cống hiến cho nghệ thuật của các tác giả và các tác phẩm của họ; từ các bài học về văn hoá và đời sống văn hoá cộng đồng, di sản văn hoá các dân tộc Việt Nam và thế giới; từ hình ảnh về đất nước, con người, trang phục đậm nét văn hoá các dân tộc Việt Nam được sử dụng trong thiết kế mĩ thuật chung ở các trang đầu sách, các tranh chủ đề, hay gắn kết vào các nội dung bài học ở từng chủ đề.
- SGK giáo dục các năng lực chung năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh thông qua sự đa dạng trong hình thức tổ chức hoạt động dạy học.
- SGK giáo dục trọng tâm vào việc phát triển các năng lực âm nhạc quy định trong Chương trình môn Âm nhạc 2018, bao gồm: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Học sinh được tạo điều kiện để khám phá, tự nhận thức các kiến thức; trải nghiệm các hoạt động âm nhạc sự đa dạng về hình thức học tập như trò chơi, vận động; thực hành để phát triển các kĩ năng hát, đọc nhạc, nghe nhạc, chơi nhạc cụ,…Trong mọi hoạt động học tập, học sinh luôn được tạo điều kiện để phản ứng với âm nhạc, ứng tấu, và sáng tạo âm nhạc.
Câu 3. SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo gồm mấy chủ đề, mấy bài? Đó là những chủ đề nào?
SGK gồm 8 chủ đề:
- Chủ đề 1: Vui bước đến trường
- Chủ đề 2: Bài ca hoà bình
- Chủ đề 3: Uống nước nhớ nguồn
- Chủ đề 4: Khúc nhạc quê hương
- Chủ đề 5: Bài ca lao động
- Chủ đề 6: Cùng vui hoà ca
- Chủ đề 7: Giai điệu năm châu
- Chủ đề 8: Khúc ca tình bạn
Câu 4. Cho biết mô hình bài học của SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo. Cách thực hiện của từng hoạt động như thế nào?
Mô hình bài học của SGK Âm nhạc 6 bao gồm 4 hoạt động nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh:
- Khám phá: Bài học có thể được bắt đầu bằng cách: quan sát tranh, ảnh, sản phẩm âm nhạc hay trải nghiệm các mẫu tiết tấu, giai điệu, các nội dung cốt lõi mà chủ đề phản ảnh.
- Kiến tạo kiến thức – kĩ năng: Quan sát, trải nghiệm và tìm hiểu cách thực hiện để rút ra kiến thức, kĩ năng.
- Luyện tập – thực hành; hát các bài hát, xướng âm các bài đọc nhạc, chơi các bài gõ đệm bằng nhạc cụ tiết tấu, vận động cơ thể, các bài tập cho nhạc cụ giai điệu như recorder, melodica, nghe nhạc và vận động,…
- Vận dụng – sáng tạo: tạo nên các vận động minh họa cho các bài hát, bài đọc nhạc; Tạo ra các mẫu gõ đệm bằng nhạc cụ tiết tấu, vận động cơ thể; các cử chỉ, động tác vận động khi nghe và cảm thụ âm nhạc,…
Câu 5. Điểm mới nổi bật của SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo là gì?
- Thể hiện rõ sự gắn kết nội dung âm nhạc giữa các phân môn trong mỗi chủ đề.
- Đề cao nguyên tắc coi trọng hoạt động trải nghiệm, thực hành âm nhạc; đa dạng hoá hoạt động của học sinh.
- Xây dựng các bài học đặt trọng tâm giáo dục tích hợp và phân hoá.
- Chú trọng đặc điểm nhận thức và hứng thú âm nhạc của học sinh: bài hát, bài nghe
nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ phải được lựa chọn sao cho phù hợp lứa tuổi học sinh lớp 6, giai điệu hay, nhịp điệu đa dạng,...; các hoạt động âm nhạc luôn chú trọng đến việc tạo sự sôi nổi và tích cực tham gia của học sinh.
Câu 6. Tổ chuyên môn có thể linh hoạt như thế nào khi thực hiện xây dựng Kế hoạch giáo dục môn Âm nhạc theo SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo?
- Các chủ đề được soạn theo hệ thống các mạch nội dung và hoạt động âm nhạc như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Trong đó, hàm lượng kiến thức và kĩ năng âm nhạc bám sát các chỉ báo của yêu cầu cần đạt từ Chương trình môn Âm nhạc dành cho lớp 6. Tuy nhiên, việc tổ chức các nội dung hay đơn vị của từng nội dung là sự linh hoạt của mỗi giáo viên và của các tổ chuyên môn ở từng trường, từng địa phương. Miễn sao, sau các thời lượng tạm quy ước thì học sinh đạt được mục tiêu bài học thông qua các biểu hiện của các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung và năng lực âm nhạc.
- Mỗi chủ đề còn có các trang đầu (khám phá chủ đề) và trang tổng hợp (góc âm nhạc) để giáo viên cho học sinh khởi động trải nghiệm về các trọng tâm kiến thức và kĩ năng âm nhạc sẽ học và được học qua chủ đề. Tuy nhiên, giáo viên âm nhạc có thể vận dụng như các bài tập phát triển, các bài đánh giá quá trình trong học tập của học sinh.
Câu 7. Học sinh tự học, tự giải quyết vấn đề và phát triển sáng tạo trong quá trình học SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo như thế nào?
Học sinh có thể tự học và tự giải quyết các vấn đề về chuyên môn âm nhạc mà mỗi bài học của từng nội dung âm nhạc như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc và thường thức âm nhạc thông qua các giải pháp trên SGK như sau:
- Mô tả đầy đủ bằng kênh chữ và kênh hình cho từng nội dung để học sinh có thể học các kiến thức và kĩ năng âm nhạc qua các hoạt động học cụ thể.
- Các câu lệnh rất mạch lạc, đơn giản hạn chế các mệnh lệnh kép hay phức để học sinh dễ hiểu và tự học. Các câu lệnh luôn thống nhất trong phạm vi một chủ đề và các chủ đề của toàn bộ của sách để tránh các nhầm lẫn trong hoạt động của học sinh.
- Các nội dung và các hoạt động trong từng nội dung đều hàm chứa 4 bước theo định hướng dạy học phát triển năng lực học sinh: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập – thực hành, vận dụng – sáng tạo. Các nội dung cần có nguồn học liệu phụ như file tiếng, hình, hay link Internet đều có các đường dẫn nguồn hỗ trợ học sinh tự học.
- Ở mỗi nội dung dạy đều có những gợi ý để học sinh sáng tạo như ứng tấu (improvisation); sáng tạo các mẫu âm nhạc để gõ đệm, vận động, chơi nhạc cụ để phát huy các tiềm năng âm nhạc trong mỗi học sinh.
Câu 8. Giáo viên lưu ý gì khi Lập kế hoạch bài dạy theo SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo?
- Trong xu thế đổi mới giáo dục trên quan điểm “Lấy học sinh làm trung tâm” và “Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Âm nhạc, giáo viên âm nhạc cần học tập các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để vận dụng một cách hiệu quả và tốt nhất trong tổ chức các hoạt động dạy học các bài học âm nhạc của mình.
- Ngoài các phương pháp, kĩ thuật dạy học chung thì giáo viên cần học tập và nghiên cứu, thực hành các công cụ dạy học âm nhạc của các phương pháp dạy học âm nhạc tiên tiến như Kodály (nốt nhạc theo kí hiệu bàn tay hand signs notation, âm tiết tấu – rhythmic syllables, học tập thông qua trò chơi – game song,…), Dalcroze (cảm thụ - vận động âm nhạc); Orff Schulwerk (nói với tiết tấu – speech, bè trì tục – ostinato, vận động gõ đệm – body percussion, chơi nhạc cụ không định âm – unpitched percussions playing, chơi nhạc cụ giai điệu – pitched instruments,…) để thực hiện đúng và linh hoạt các ý tưởng mà tác giả chuyển tải qua các bài học của sách.
- Bên cạnh đó, giáo viên cần nắm các nguyên tắc dạy học âm nhạc. Trong đó, việc thiết kế các hoạt động sao cho xen kẽ “Động và tĩnh” để không gây quá sức và bảo đảm hứng thú học tâp cho học sinh.
- Việc thiết kế Kế hoạch bài dạy cần tuân thủ hướng dẫn của Vụ Trung học về khung Kế hoạch bài dạy (Giáo án) do Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành ngày 25 tháng 09 năm 2020. Tiến trình hoạt động dạy học một nội dung hoặc một chủ đề cần đảm bảo thực hiện thông qua bốn (4) bước: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, trong đó:
+ Khởi động: là hoạt động gởi mở, học sinh bước đầu nhận diện được những kiến thức liên quan hoặc trọng tậm của chủ đề.
+ Hình thành kiến thức mới: là hoạt động xác định nhiệm vụ trọng tâm của nội dung dạy học hoặc một chủ đề.
+ Luyện tập: là hoạt động thực hành luyện tập các nội dung bài học để góp phần phát triển kiến thức và kĩ năng cho học sinh.
+ Vận dụng: là hoạt động vận dụng sáng tạo thông qua các nội dung bài học mà các em có thể tạo ra sản phẩm học tập mang tính thực tiễn
Việc bố trí các hoạt động trong từng tiết khi phân bổ các nội dung của chủ đề là sự chủ động của mỗi giáo viên. Tuy nhiên, cần có sự bàn bạc với các đồng nghiệp, tổ chuyên môn hay giáo viên trong cùng một địa phương để có những thống nhất và bảo đảm tính khoa học, đặc biệt là khoa học sư phạm âm nhạc.
Câu 9. Vì sao nói SGK Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo thích hợp với mọi vùng miền trên cả nước?
- SGK được viết dựa trên các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Âm nhạc. Chương trình được ban hành cho mọi vùng miền của đất nước.
- SGK bảo đảm phản ảnh các giá trị văn hoá âm nhạc của các vùng miền đặc trưng ở Việt Nam và thế giới.
- SGK được biên soạn trên việc ưu tiên giảng dạy các nội dung học âm nhạc mà hoạt động tự thân học sinh có thể thực hiện được như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, thường thức âm nhạc; nhạc cụ ưu tiên các nhạc cụ tiết tấu đơn giản rồi mới đến các nhạc cụ khác (nếu chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất thì có thể chưa cần dạy như nhạc cụ giai điệu gồm recorder, melodica,…)
Câu 10. SGV Âm nhạc 6 – Chân trời sáng tạo thể hiện quá trình đánh giá theo Thông tư 26/2020/TT – BGDĐ như thế nào?
- SGK hướng tới hỗ trợ giáo viên kiểm tra đánh giá năng lực âm nhạc của học sinh thông qua các biểu hiện về năng lực đặc thù theo chương trình môn Âm nhạc: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. SGK xây dựng các trang “Góc Âm nhạc” ở cuối mỗi chủ đề nhằm hỗ trợ giáo viên đánh giá mức độ hoàn thành của học sinh sau mỗi chủ đề, hoặc học sinh tự đánh giá hay có thể đánh giá chéo lẫn nhau thông qua các nội dung có tính hoạt động trên nền tảng kĩ năng và kiến thức âm nhạc đã học.
- Cuối mỗi học kì có phần hướng dẫn học sinh ôn tập. Qua đó, giáo viên có thể tham khảo để xây dựng các bài kiểm tra định kì của mình. Giáo viên đưa ra đánh giá, nhận xét và xếp loại cho cá nhân hoặc nhóm.
- Việc đánh giá HỌC SINH theo chương trình giáo dục phổ thông mới căn cứ vào Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Ban hành Quy định đánh giá học sinh Trung học cơ sở. giáo viên cần cần chú trọng đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) học tập của học sinh, từ đó có những căn cứ để đánh giá tổng kết (đánh giá định kì), qua đó thấy rõ sự phát triển về mặt phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh có sự khác biệt qua thời gian.