Dẫn chứng liên hệ Sóng của Xuân Quỳnh Liên hệ, mở rộng bài thơ Sóng
Dẫn chứng liên hệ Sóng của Xuân Quỳnh là tài liệu cực kì hữu được giới thiệu dành cho các bạn học sinh.
Nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải ngay sau đây. Mời tham khảo để có thêm những kiến thức hữu ích.
Dẫn chứng liên hệ Sóng của Xuân Quỳnh
Dẫn chứng 1
Thi sĩ Xuân Diệu, ông hoàng của thơ tình đã phải mượn cảm hứng lãng mạn để lý giải tình yêu đó sao:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng hương nhè nhẹ gió hiu hiu”
Hay Hàn Mặc Tử cũng thế, nhà thơ viết rằng:
“Xin hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu”
Dẫn chứng 2
Trong bài Tự hát (1984) tức là gần những năm cuối đời của Xuân Quỳnh, bà viết:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Dẫn chứng 3
Trong ca dao xưa cũng đã từng diễn tả nỗi nhớ da diết của tình yêu như vậy:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than?”
Dẫn chứng 4
Những bài thơ “mượn” sóng để nói về tình yêu:
Ta từng bắt gặp hình tượng sóng trong những câu ca dao xưa:
“Tình anh như sóng dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương”
Đến những câu thơ tài hoa bậc nhất của Nguyễn Du:
“Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”
Và sau này là những con sóng mê đắm, cuồng say tràn vào thơ của Xuân Diệu:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
Một nhà thơ nước ngoài khác cũng viết về sóng:
“Ngây thơ em hỏi anh
Sao mặt hồ gợn sóng
Anh mỉm cười hờ hững
Vì gió cứ hôn bờ
Em nũng nịu ứ ừ
Khác cơ không phải thế
Sao chúng mình vẫn thế
Mà chẳng thấy sóng đâu
Anh ấp nhẹ mái đầu
Hôn môi em nồng cháy
Em ơi! Em có thấy
Sóng cuộn ở trong tim”
Dẫn chứng 5
Nói đến trạng thái mâu thuẫn, đối cực, thất thường của người con gái khi yêu trong hai câu thơ
“Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”, ta có thể liên hệ đến những vần thơ sau:
“Em bảo anh: đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh lại vội về
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế !
Không nhìn vào mắt em”
(“Em bảo anh đi đi”, Kaputikian)
Dẫn chứng 6
Khi phân tích sự chủ động, mạnh dạn, táo bạo của người con gái khi yêu: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh cô gái táo bạo “sang nhà hàng xóm” thể hiện tình yêu của mình:
“Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”
(“Hương thầm”, Phan Thị Thanh Nhàn)
Dẫn chứng 7
Nói đến sự bí ẩn, kì diệu của tình yêu ta có thể dẫn câu nói của Pascal: “Trái tim có những quy luật riêng mà lí trí không thể hiểu nổi”
Dẫn chứng 8
Khi phân tích nỗi nhớ trong tình yêu ở khổ 5, chúng ta có thể liên hệ, mở rộng đến những vần thơ sau:
“Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”
(“Đêm sao sáng”, Nguyễn Bính)
Hay có những nỗi nhớ rất khó lí giải trong áng thơ tình của Puskin:
“Lạ quá ! Không hiểu vì sao
Ðứng trước em anh lạnh lùng đến thế?
Nhưng anh đi rồi mình anh với bóng lẻ
Mới thấy mình khẽ nói : Nhớ làm sao!”
Hoặc nỗi nhớ nỗi nhớ nhung da diết của cõi lòng yêu:
“Ước gì anh hoá thành chim
Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn!”
(“Mưa rơi”, Tố Hữu)
Dẫn chứng 9
Nói đến sự chủ động tìm đến tình yêu và chủ động bày tỏ tình cảm chân thành trong câu thơ:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Ta có thể liên hệ đến những vần thơ sau:
“Đêm nằm lưng chẳng đến giường
Trông trời mau sáng ra đường gặp anh”
(Ca dao)
Hay ta cũng bắt gặp hình ảnh người con gái chủ động, táo bạo trong tình yêu trên những vần thơ của Heinrich Heine:
“Em yêu tôi tôi biết
Tôi phát hiện lâu rồi
Nhưng khi em thổ lộ
Tôi giật thót cả người”
Dẫn chứng 10
Nói đến không gian đối cực bắc - nam trong câu: “Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược về phương nam”, ta có thể liên hệ đến:
“Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã nam đã bắc”
(“Sân ga chiều em đi”, Xuân Quỳnh)
Dẫn chứng 11
Khi phân tích bản lĩnh kiên cường của người con gái ở khổ 6, gợi chúng ta liên tưởng đến câu ca dao:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”
Lòng thủy chung, son sắt của người con gái trong khổ 6, ta cũng từng bắt gặp vẻ đẹp đó trong thi phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Dẫn chứng 12
Khi phân tích những dự cảm lo âu trong lòng người phụ nữ đang yêu ở khổ 8, ta có thể liên hệ:
“Ngọn sào thưa cánh chuồn ai ngái ngủ
Những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu”
(“Chuồn chuồn báo bão”, Xuân Quỳnh)
Hay nhà thơ Vân Long từng viết về Xuân Quỳnh:
“Thiếu tuổi thơ, Quỳnh viết cho trẻ thơ
Khát hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc
Tìm thấy chưa mà Quỳnh lo đánh mất
Cái chết này có hết mọi âu lo”.