Văn mẫu lớp 12: Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên (Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên, có thể giúp ích cho học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT Quốc Gia sắp tới.
Tài liệu này gồm dàn ý chi tiết và 2 bài văn mẫu lớp 12 Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên, kính mong các bạn và quý thầy cô cùng tham khảo.
Bài làm văn mẫu lớp 12: Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên
Dàn ý chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên
A. Mở bài
- Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người Tây Nguyên.
- Tác phẩm “Rừng xà nu” được sáng tác năm 1965 - những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng điện ngọc”.
- Truyện ngắn “Rừng xà nu” được đánh giá là bản anh hùng ca của con người Tây Nguyên.
B. Thân bài
I. Bản anh hùng ca là gì?
- Anh hùng ca là tác phẩm tự sự sử thi bằng thơ hoặc văn xuôi có dung lượng lớn, hoành tráng phản ánh những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại hoặc lấy những truyền thuyết cổ đại làm nội dung, xây dựng những hình tượng anh hùng đại diện cho cộng đồng quốc gia dân tộc, mang nhiều sắc thái ảo tưởng và thần thoại. Các tác phẩm anh hùng ca thường mang tính toàn dân hay toàn dân tộc.
- Một số bản anh hùng ca nổi tiếng của thế giới như hai bộ sử thi Iliad và Odyssey của Hy Lạp, Mahabharata và Ramayana của Ấn Độ, sử thi Đăm Săn và Đẻ đất đẻ nước của Việt Nam…
- Rừng xà nu được coi là một bản anh hùng ca của nhân dân Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
II. Phân tích để làm rõ chất anh hùng ca trong “Rừng xà nu”
1. Nội dung
a Nhân vật:
* Tnú - người anh hùng đại diện cho cộng đồng Tây Nguyên:
Truyện “Rừng xà nu” tập trung xây dựng hình ảnh nhân vật Tnú. Cuộc đời của Tnú chính là cuộc đời của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên:
- Hoàn cảnh: Tnú mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được cả dân làng Xô Man nuôi dưỡng, đùm bọc.
=> Đứa con chung của dân làng Xô Man.
- Khi còn nhỏ:
- Tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng.
- Học chữ lấy đá đập vào đầu để trừng phạt tính hay quên.
- Khi bị địch bắt, ắp tay vào bụng trả lời: “ Cộng sản ở đây này”.
=> Tuổi thơ đầy ắp những chiến công và kỳ tích, tuổi thơ của một tiểu anh hùng.
- Khi trưởng thành: Tnú vượt ngục trở về lãnh đạo dân làng chống lại bọn Mỹ - Diệm
- Khi Mai và đứa con bị bắt và bị tra tấn dã man, Tnú đã tạm gác nỗi đau riêng để vì sự nghiệp chung. Tnú đã đặt lợi ích cá nhân sau lợi ích của cách mạng, biết đặt tổ quốc lên trên hết.
- Khi đứa con chết, lao ra giải cứu mẹ con Mai. Đó là hình ảnh một người chồng người cha đời thường.
- Hình ảnh mười đầu ngón tay của Tnú bị nhựa xà nu thiêu cháy chứng tỏ chân lí: “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”.
=> Cuộc đời của Tnú chính là cuộc đời của dân làng Xô Man: đau thương nhưng anh dũng.
* Dân làng Xô Man: dân làng cách mạng
- Cụ Mết: đại diện cho thế hệ đầu của nhân dân Tây Nguyên, là người phán truyền lịch sử.
- Bà Nhan, anh Xút chết đã có Mai, Tnú, Dít lên thay, bé Heng cũng sẵn sàng tiếp nối: thế hệ những người con Tây Nguyên nối tiếp nhau tham gia cách mạng.
b. Hình tượng cây xà nu: biểu tượng cho phẩm chất, sức mạnh của con người Tây Nguyên
- Là loại cây mọc khắp mảnh đất Tây Nguyên, đặc biệt là dân làng Xô Man.
- Mang ý nghĩa biểu tượng cho phẩm chất, sức mạnh của con người Tây Nguyên:
- Rừng xà nu đau thương như con người Tây Nguyên đau thương.
- Sức sống mãnh liệt của rừng xà nu tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên và rộng ra là cả dân tộc Việt Nam.
- Những cây xà nu không chịu khuất mình trong bóng râm, luôn vươn lên tiếp lấy ánh sáng mặt trời tượng trưng cho khát vọng tự do, tinh thần phóng khoáng, ý chí vươn lên vì lí tưởng cao đẹp của con người Tây Nguyên.
- Cây xà nu nối tiếp nhau vươn lên tượng trưng cho những thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
3. Nghệ thuật:
* Nhan đề:
- Các tác phẩm anh hùng ca thường lấy nhân vật trung tâm để làm tên nhan đề và “Rừng xà nu” cũng vậy.
- “Rừng xà nu” mang tính chất gợi mở, biểu tượng cho số phận và cuộc đời của con người Tây Nguyên anh hùng.
* Giọng điệu:
- Câu chuyện được kể qua lời của cụ Mết - một già làng nên có sự uy tín với cộng đồng.
- Kể lại trong một không gian sử thi: ngoài trời mưa rả rích, bên bếp lửa bập bùng.
- Cách kể: lời kể khan của Tây Nguyên, giọng kể: “ồm ồm của cụ Mết” như đang phán truyền lịch sử
=> Đầy thiêng liêng, trang trọng.
* Kết cấu đầu - cuối tương ứng thường gặp trong các bản anh hùng ca: mở đầu là hình ảnh xà nu, kết thúc cũng là hình ảnh xà nu.
C. Kết bài
- Qua phân tích trên, có thể thấy “Rừng xà nu” chính là bản anh hùng ca của con người Tây Nguyên, và mở rộng ra là cả dân tộc Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
- Nguyễn Trung Thành chính là một nhà văn của mảnh Tây Nguyên khi đã sáng tác thành công truyện ngắn “Rừng xà nu” - tiêu biểu cho chất anh hùng ca.
Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên - Mẫu 1
“Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyên Ngọc viết về những con người của mảnh đất Tây Nguyên anh hùng. Tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một bản anh hùng ca của con người Tây Nguyên.
Thật vậy, nếu muốn hiểu được tại sao “Rừng xà nu” lại là bản anh hùng ca của nhân dân Tây Nguyên, trước hết phải hiểu được khái niệm về anh hùng ca. Hiểu một cách đơn giản, anh hùng ca là những tác phẩm tự sự sử thi bằng thơ hoặc văn xuôi có dung lượng lớn hoành tráng, phản ánh những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại hoặc lấy những truyền thuyết cổ đại làm nội dung. Các tác phẩm này thường xây dựng hình tượng anh hùng đại diện cho cộng đồng quốc gia dân tộc đó, mang nhiều sắc thái ảo tưởng và thần thoại. Các tác phẩm anh hùng ca sẽ mang tính toàn dân hay toàn dân tộc. Một số bản anh hùng ca nổi tiếng của thế giới như hai bộ sử thi “Iliad” và “Odyssey” của Hy Lạp, “Mahabharata” và “Ramayana” của Ấn Độ, sử thi “Đăm Săn” và “Đẻ đất đẻ nước” của Việt Nam viết về thời kì xây dựng đất nước… “Rừng xà nu chính” cũng là bản anh hùng ca viết về một thời kì lớn trong lịch sử - thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đầu tiên, truyện đã xây dựng hình ảnh người anh hùng đại diện cho con người Tây Nguyên - Tnú. Cuộc đời và số phận của Tnú chính là cuộc đời và số phận của dân làng Xô Man, mở rộng ra là của con người Tây Nguyên. Tuổi thơ của Tnú là tuổi thơ không giống với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Mồ côi cha mẹ từ sớm, cậu lớn lên trong vòng tay yêu thương đùm bọc của người dân Strá, trở thành đứa con chung gửi gắm nhiều kỳ vọng của dân làng. Tuổi còn nhỏ nhưng Tnú đã cùng với Mai thay bà Nhan anh Xút nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cậu không sợ hiểm nguy “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi qua”, nhiều lần dẫn cán bộ chạy thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Không chỉ gan dạ dũng cảm, Tnú còn là một cậu bé khác người: khi học chữ không được, “tự lấy đá đập vào đầu để trừng phạt tính hay quên”. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ anh Quyết giao cho, bị địch bắt Tnú nhanh trí nuốt lá thư vào bụng. Chúng giải cậu về làng và bắt khai ra chỗ ở của cán bộ. Tnú nghe lời cụ Mết không làm xấu mặt dân làng, chỉ trừng mắt nhìn tên giặc, rồi ắp tay vào bụng trả lời: “Ở đây này!”. Tuy còn nhỏ nhưng tuổi thơ của Tnú đã đầy ắp những chiến công kỳ tích, xứng đáng là tuổi thơ của một tiểu anh hùng. Khi trưởng thành, Tnú trốn ngục trở về làng, anh đã theo lời anh Quyết lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí để giết giặc khiến chúng lồng lộn: “Con cọp đó mà không giết sớm, nay nó làm loạn rừng núi này rồi”. Chúng bắt mẹ con Mai với triết lý hèn hạ: “Bắt cọp con cọp cái, tất cọp đực sẽ ra”. Tnú nấp sau cây vả chứng kiến chúng tra tấn mẹ con Mai nhưng không ra cứu vì anh hiểu trọng trách của người lãnh đạo cách mạng, đặt tổ quốc làm trọng. Chỉ khi đứa bé chết, Tnú mới xông ra cứu mẹ con Mai. Lúc này anh mang trong mình tình cảm của một người chồng người cha đời thường. Đặc biệt nhất có lẽ là hình ảnh đôi bàn tay của Tnú. Giặc bắt được Tnú nhưng chúng không giết anh. Chúng tẩm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Đau lòng thay thứ nhựa gắn bó với anh bây giờ lại là thứ vũ khí hủy diệt của kẻ thù. “Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Đôi bàn làm lụng vất vả, đôi bàn tay cầm giáo giết chết kẻ thù, giờ đã bất lực trước ngọn lửa của kẻ thù. Hình ảnh đôi bàn tay đã phán truyền một chân lý được cụ Mết truyền đạt: “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”. Phải lấy bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, đời Tnú chính là minh chứng sống cho chân lý đó. Xoay quanh cuộc đời nhân vật trung tâm là Tnú, Nguyễn Trung Thành cũng khắc họa cuộc đấu tranh của những con người ở làng Xô Man anh hùng. Hình ảnh Cụ Mết - vị già làng đại diện cho thế hệ đầu của nhân dân Tây Nguyên, là người có sức ảnh hưởng to lớn đến dân làng Xô Man. Cụ là người truyền đạt kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Cụ cũng là người đánh thức lòng yêu nước trong Tnú, Mai hay dân làng. Cả dân làng Xô Man tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi bà Nhan, anh Xút chết đã có Mai, Tnú, Dít lên thay, rồi đến bé Heng luôn sẵn sàng tiếp nối. Có thể thấy cuộc đấu tranh của dân làng Xô Man sẽ không ngừng lại cho đến khi đánh bại kẻ thù.
Bên cạnh con người, cây xà nu cũng là một hình tượng quan trọng. Xà nu mang tính biểu tượng đại diện cho phẩm chất và sức mạnh của con người Tây Nguyên. Đây là loại cây mọc khắp mảnh đất Tây Nguyên. Xà nu gắn bó thường nhật với cuộc sống của cả dân làng Xô Man, trở thành nhân chứng sống quan trọng cho cuộc đấu tranh của làng Xô Man. Xà nu cũng mang phẩm chất của con người Tây Nguyên. Cây xà nu ham ánh sáng mặt trời giống như con người Tây Nguyên luôn hướng đến ánh sáng của lí tưởng cách mạng. Sức sống mãnh liệt của rừng xà nu tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên và rộng ra là cả dân tộc Việt Nam. Cây xà nu nối tiếp nhau vươn lên tượng trưng cho những thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Không chỉ về nội dung, mà các đặc điểm của một bản anh hùng ca cũng được hội tụ khá đầy đủ trong truyện ngắn này. Các tác giả khi xây dựng một tác phẩm anh hùng ca thường lấy tên nhân vật trung tâm hoặc hình ảnh có tính biểu tượng để đặt tên nhan đề. “Rừng xà nu” cũng vậy, hình ảnh xà nu là hình ảnh có tính khái quát cao, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Xà nu cũng giống như con người Tây Nguyên anh hùng. Ngoài ra, những bản anh hùng ca thường được những già làng hoặc những người lớn tuổi nhưng thuộc thế hệ con cháu kể về những vị anh hùng thuộc thế hệ đi trước với một giọng điệu thành kính thiêng liêng. Ở “Rừng xà nu”, câu chuyện về cuộc đời của Tnú được kể qua lời của cụ Mết - một già làng nên có sự uy tín cao. Cụ Mết cũng đang hồi tưởng về quá khứ, trong một không gian đậm chất sử thi “ngoài trời mưa rả rích, bên trong nhà rông, bên bếp lửa bập bùng”. Nhưng cụ không kể về thế hệ cha ông xa xưa, cụ Mết kể lại cuộc đời của Tnú - đứa con chung của dân làng Xô Man nay đã là anh cán bộ cách mạng. Kể về con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước mặt bằng lối kể khan của Tây Nguyên. Giọng cụ trầm hùng mà vang vọng nhưng cũng thật tự hào: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…”. Điều đó thể hiện về cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn chứ không phải là quá khứ và con người làng Xô Man vẫn đang đấu tranh chống lại kẻ thù. Cuối cùng là kết cấu đầu cuối tương ứng thường gặp: mở đầu là hình ảnh đồi xà nu trước bom đạn của kẻ thù, kết thúc cũng là hình ảnh rừng xà nu “xà nu chạy nối tiếp đến chân trời” giống như các thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau đứng lên chống lại kẻ thù. Sự mở rộng từ “đồi” ra “rừng” cũng minh chứng cho sự lớn mạnh của cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, cả về số lượng cũng như chất lượng.
Như vậy, có thể thấy được, truyện ngắn “Rừng xà nu” chính là một bản anh hùng ca của con người Tây Nguyên trong thời kỳ chống Mỹ. Tác phẩm khiến cho người đọc thêm yêu thương mảnh đất Tây Nguyên anh hùng như nhà văn Nguyên Ngọc đã từng yêu thương đến vậy.
Chứng minh Rừng xà nu là bản anh hùng ca của người Tây Nguyên - Mẫu 2
Nguyễn Trung Thành được mệnh danh là nhà văn của mảnh đất Tây Nguyên. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn “Rừng xà nu” được sáng tác năm 1965, đó là những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng điện ngọc”. “Rừng xà nu” được đánh giá là bản anh hùng ca của nhân dân Tây Nguyên.
Trong lịch sử văn học nhân loại, có không ít tác phẩm được các nhà nghiên cứu gọi là những bản anh hùng ca của thời đại. Vậy anh hùng ca được hiểu như thế nào, và một tác phẩm có những yếu tố gì mới trở thành một bản anh hùng ca? Hiểu một cách đơn giản, anh hùng ca là những tác phẩm tự sự sử thi bằng thơ hoặc văn xuôi có dung lượng lớn, hoành tráng phản ánh những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại hoặc lấy những truyền thuyết cổ đại làm nội dung. Các tác phẩm này thường xây dựng hình tượng anh hùng đại diện cho cộng đồng quốc gia dân tộc đó, mang nhiều sắc thái ảo tưởng và thần thoại. Các tác phẩm anh hùng ca mang tính toàn dân hay toàn dân tộc. Một số bản anh hùng ca nổi tiếng của thế giới như hai bộ sử thi “Iliad” và “Odyssey” của Hy Lạp, "Mahabharata" và "Ramayana" của Ấn Độ, sử thi "Đăm Săn" và "Đẻ đất đẻ nước" của Việt Nam… “Rừng xà nu” cũng chính là bản anh hùng ca viết về một thời kì lớn trong lịch sử - thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Về nội dung, các tác phẩm anh hùng ca thường xây dựng hình tượng người anh hùng mang tính đại diện. Truyện kể về cuộc đời của nhân vật Tnú - người anh hùng của dân làng Xô Man. Cuộc đời của Tnú cũng được xây dựng giống như cuộc đời của những người anh hùng trong sử thi Đăm Săn hay Đẻ đất đẻ nước. Tnú là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, được nuôi dưỡng bởi sự đùm bọc và yêu thương của dân làng Xô Man. Cậu không sống một tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Bởi tuổi thơ của cậu là tuổi thơ của một tiểu anh hùng. Nếu giống như những đứa trẻ bình thường bằng tuổi, Tnú sẽ sống một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ. Nhưng không, Tnú lại cùng Mai tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cậu không sợ hiểm nguy nhiều lần dẫn cán bộ chạy thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Khi học chữ, để trừng trị tính hay quên của mình, Tnú sẵn sàng lấy đá đập vào đầu khiến máu chảy nhưng cậu không sợ. Một lần bị địch bắt, Tnú bị tra tấn dã man, giặc bắt khai ra chỗ ở của cán bộ. Tnú chỉ trừng mắt nhìn tên giặc, rồi ắp tay vào bụng trả lời: “Ở đây này”. Tuy còn nhỏ nhưng Tnú đã đầy gan dạ và dũng cảm - đó chính là phẩm chất của một anh hùng. Đến khi lớn lên, Tnú trốn ngục trở về làng, anh đã lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí để giết giặc khiến chúng lồng lộn: “Con cọp đó mà không giết sớm, nay nó làm loạn rừng núi này rồi”. Chúng bắt mẹ con Mai và tra tấn dã man, Tnú nấp sau cây vả nhưng không ra cứu vì anh đặt tổ quốc làm trọng. Chỉ khi đứa bé chết, Tnú mới xông ra cứu mẹ con Mai. Lúc này anh mang trong mình tình cảm một người chồng người cha đời thường. Khi xây dựng nhân vật Tnú tác giả chú ý xây dựng hình ảnh đôi bàn tay: Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. “Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Hình ảnh đôi bàn tay đã phán truyền một chân lý “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”. Phải lấy bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, đời Tnú chính là minh chứng sống cho chân lý đó. Như vậy, cuộc đời của Tnú chính là cuộc đời của dân làng Xô Man đau thương nhưng anh hùng.
Ngoài nhân vật trung tâm là Tnú, Nguyễn Trung Thành cũng xây dựng hình ảnh dân làng Xô Man anh hùng. Hình ảnh Cụ Mết - vị già làng chính đại diện cho thế hệ đầu của nhân dân Tây Nguyên, là người có khả năng phán truyền lịch sử. Cả dân làng Xô Man tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi bà Nhan, anh Xút chết đã có Mai, Tnú, Dít lên thay, rồi đến bé Heng cũng sẵn sàng tiếp nối. Họ đều là những người con Tây Nguyên nối tiếp nhau giữ vững truyền thống cách mạng.
Bên cạnh con người, cây xà nu cũng là một hình ảnh mang tính biểu tượng đại diện cho phẩm chất và sức mạnh của con người Tây Nguyên. Xà nu là loại cây mọc khắp mảnh đất Tây Nguyên. Cây xà nu luôn xuất hiện trong cuộc sống của Tnú cũng như cả dân làng Xô Man. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh xà nu trước bom đạn của kẻ thù vẫn mạnh mẽ vươn lên, kết thúc tác phẩm là hình ảnh “rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Cây xà nu ham ánh sáng mặt trời giống như con người Tây Nguyên luôn hướng đến ánh sáng của lí tưởng cách mạng. Sức sống mãnh liệt của rừng xà nu tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên và rộng ra là cả dân tộc Việt Nam. Những cây xà nu không chịu khuất mình trong bóng râm, luôn vươn lên tiếp lấy ánh sáng mặt trời tượng trưng cho khát vọng tự do, tinh thần phóng khoáng, ý chí vươn lên vì lí tưởng cao đẹp của con người Tây Nguyên. Cây xà nu nối tiếp nhau vươn lên tượng trưng cho những thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Về nghệ thuật, các tác phẩm anh hùng ca thường lấy nhân vật trung tâm hoặc hình ảnh có tính biểu tượng để đặt tên nhan đề. “Rừng xà nu” cũng vậy, hình ảnh xà nu là hình ảnh có tính khái quát cao, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Xà nu cũng giống như con người Tây Nguyên anh hùng. Những bản anh hùng ca thường được kể qua lời của những già làng với giọng điệu thành kính thiêng liêng. Ở “Rừng xà nu”, câu chuyện về cuộc đời của Tnú được kể qua lời của cụ Mết - một già làng nên có sự uy tín với cộng đồng. Trong một không gian sử thi: “ngoài trời mưa rả rích, bên bếp lửa bập bùng” ở trong nhà giọng, cụ Mết kể lại cuộc đời của Tnú bằng lối kể khan của Tây Nguyên. Giọng cụ trầm hùng mà vang vọng: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…”. Cuối cùng là kết cấu đầu cuối tương ứng thường gặp trong các bản anh hùng ca: mở đầu là hình ảnh xà nu, kết thúc cũng là hình ảnh xà nu: “xà nu chạy nối tiếp đến chân trời” giống như các thế hệ người Tây Nguyên nối tiếp nhau đứng lên chống lại kẻ thù. Sự mở rộng từ “đồi” ra “rừng” cũng minh chứng cho sự lớn mạnh của cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, cả về số lượng cũng như chất lượng.
Qua phân tích trên, có thể thấy “Rừng xà nu” chính là bản anh hùng ca của con người Tây Nguyên, và mở rộng ra là cả dân tộc Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Trung Thành đã sáng tác thành công truyện ngắn “Rừng xà nu”.