Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn 4 đoạn văn mẫu lớp 8
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Eballsviet.com cung cấp.
Nội dung bao gồm 4 đoạn văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh hãy cùng tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.
Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 dòng) nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; trong đó có dùng ít nhất hai từ Hán Việt. Chỉ ra nghĩa của hai từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn văn.
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Cảm nghĩ sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ - Mẫu 1
Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Mở đầu bài hịch, Trần Quốc Tuấn đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng từ quá khứ để làm nổi bật tinh thần quên mình vì chủ, vị vua, vì nước. Tiếp đến, Trần Quốc Tuấn đã nêu ra tội ác của quân giặc. Sự ngang ngược và tội ác của giặc đã được tác giả lột tả qua những dẫn chứng sinh động đó là đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng. Tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh để lột tả bộ mặt của chúng. Đặc biệt là đoạn văn bày tỏ nỗi lòng chủ tướng cho thấy được sự uất ức, căm tức khi chưa trả thù, sẵn sàng hy sinh để rửa mối nhục cho đất nước. Kế tiếp, tác giả đã phê phán thái độ bàng quan trước vận mệnh của đất nước, hành động sai trái của binh linh. Từ đó, tác giả tập trung làm rõ việc nêu cao tinh thần cảnh giác, thuyết phục họ rèn luyện, học tập theo “Binh thư yếu lược” để củng cố sức mạnh quân đội. Tóm lại, Hịch tướng sĩ là một văn bản có sức thuyết phục cao, thể hiện được lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn.
Từ Hán Việt: hi sinh (tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp), quân đội (lực lượng vũ trang tập trung của một nước, phục vụ cho mục đích chính trị)
Cảm nghĩ sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ - Mẫu 2
Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã thể hiện tinh thần yêu nước cũng như ý chí quyết tâm chống lại mọi kẻ thù xâm lược. Bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp). Tấm lòng yêu nước cũng như tài năng của Trần Quốc Tuấn đã được thể hiện rõ ràng. Trần Quốc Tuấn đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”. Bài hịch đã tạo nên một sức mạnh to lớn, khơi gợi lòng yêu nước và khích lệ tinh thần tướng sĩ.
Từ Hán Việt: yếu lược (chỉ tóm tắt những điều cơ bản, cần thiết nhất), tài năng (năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong công việc)
Cảm nghĩ sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ - Mẫu 3
Qua “Hịch tướng sĩ”, tôi đã có được cảm nhận về tinh thần yêu nước. Bài hịch được Trần Quốc Tuấn viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) do chính ông biên soạn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Chúng ta có thể thấy rõ được tấm lòng yêu nước cũng như tài năng của Trần Quốc Tuấn - vị tướng giặc thiên tài của dân tộc. Đầu tiên, Trần Quốc Tuấn đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”. Với lập luận chặt chẽ, lí lẽ rõ ràng và dẫn chứng xác thực, bài hịch đã tạo nên một sức mạnh to lớn, khơi gợi lòng yêu nước và khích lệ tinh thần tướng sĩ.
Từ Hán Việt: binh pháp (phép dùng binh trong chiến tranh), tài năng (năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong công việc)
Cảm nghĩ sau khi học văn bản Hịch tướng sĩ - Mẫu 4
Đọc “Hịch tướng sĩ”, tôi đã có những bài học giá trị. Bài hịch được Trần Quốc Tuấn sáng tác trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) do chính ông biên soạn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Với lĩ lẽ chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng, bài hịch đã thức tỉnh sự tự ý thức, trách nhiệm của binh sĩ, để họ tự nhìn nhận lại bản thân từ đó thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Trong tác phẩm, Trần Quốc Tuấn đã nêu ra vô cùng cụ thể những tội ác của kẻ thù xâm lược, giúp tôi thấy được cảnh ngộ đất nước. Ngoài ra, tôi cảm nhận được tình yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc của Trần Quốc Tuấn - một vị tướng đáng ngưỡng mộ và tôn trọng. “Hịch tướng sĩ” quả là một văn bản giàu giá trị, ý nghĩa.
Từ Hán Việt: xâm lược (xâm phạm, chiếm đoạt), xác đáng (đúng đắn, phải lẽ)