Cách chạy trực tiếp Android trên máy tính
Hiện tại, những phần mềm giả lập Android phổ biến trên máy tính rất nhiều, như phần mềm BlueStacks, NoxPlayer, MEmu, Droid4X... Bạn có thể sử dụng chúng để phục vụ công việc và giải trí trên máy tính, tuy nhiên, bạn có biết rằng Android cũng có thể chạy trực tiếp trên Windows 10 mà không cần tải giả lập Android về máy tính.
Công cụ để thực hiện chạy Android trên máy tính là Hyper-V, công cụ này sẽ giúp bạn cài đặt và chạy giả lập Android trên máy tính một cách dễ dàng, không những thế, "máy ảo" Hyper-V này còn giúp người dùng chạy Android x86 được cộng đồng mạng mod lại, bạn có thể chạy Android 4.4, 5.1, 6.0, 7.0 trên PC cực kỳ đơn giản. Điều mà những phần mềm giả lập Android chưa cập nhật được.
Cách chạy Android trực tiếp trên máy tính bạn có thể xem qua bài viết dưới đây để biết cách thực hiện, chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã chạy Android trên máy tính thành công rồi.
Cách cài đặt và chạy trực tiếp Android trên máy tính
Bước 1: Đầu tiên là tải file giả lập Android về máy, truy cập vào link này để tải về file Android x86 tùy vào version, bạn có thể chọn phiên bản Android 4.4 cho đến 7.0, còn những bản cm là Cyanogenmod.
Sau đó mở Cortana lên, ghi cụm từ Turn Windows feartues on or off, sau đó bấm chuột vào đó.
Trong cửa sổ Windows Features, kéo xuống dưới, tích chọn Hyper-V và bấm OK.
Sau đó bạn có thể tùy chọn khởi động lại máy tính ngay(Restart Now) hoặc khởi động lại sau(Don't restart).
Bước 2: Sau khi khởi động lại máy tính, bạn hãy vào lại Cortana và mở Hyper-V Manager lên.
Khi cửa sổ Hyper-V hiện lên, hãy chọn Connect to Server... > tích chọn Local Computer và bấm OK.
Chọn xong bạn sẽ thấy tên máy tính của mình hiện ra ở cửa sổ bên phải, bấm chuột phải vào New và chọn Virtual Machine để khởi tạo cài đặt máy ảo Android mới.
Ở bảng Before You Begin bấm Next.
Sang tới phần chọn thư mục lưu dữ liệu cho máy ảo, bạn hãy đặt tên cho máy ảo ở mục Name, tích chọn vào Store the virtual machines in a different location.
Tiếp đó bấm Browse... để chọn nơi lưu dữ liệu máy ảo, xong rồi bấm Next.
Chọn tiếp Generation 1, chọn xong bấm Next.
Tiếp theo là mục Assign Memory, ở đây bạn có thể chỉ định dung lượng RAM cho máy ảo hoạt động. Nếu chạy Android 4.4 trên máy tính, hãy thiết lập bộ nhớ là 1536MB, còn nếu chạy Android 5.1 trở lên thì nên cho dung lượng là 2048MB là được.
Còn nếu muốn tăng thêm nữa thì cứ thêm vào 512MB RAM nếu bộ nhớ RAM máy tính của bạn cao. Xong bấm Next.
Cửa sổ Configure Networking sẽ cho phép bạn chọn kết nối mạng, chọn Default Switch và bấm Next.
Ở mục Connect Virtual Hard Disk, bạn sẽ được chọn một bản Hyper-V được lưu trước đó, hoặc lấy từ máy khác sang, hãy tích vào mục Use an existing virtual hard disk sau đó tạo đường dẫn đến file Hyper-V muốn khởi chạy.
Còn nếu tạo mới thì hãy chọn Create a virtual hard disk. Trong đó Name là đặt tên file, Location là vị trí lưu file và Size là dung lượng lưu trữ dành cho máy ảo. Nếu dùng ít bạn chỉ cần 16GB là đủ. Sau khi cài đặt thông số xong hãy bấm Next.
Đến phần chọn nguồn cài, ở đây là những file Android ISO hoặc RMP mà bạn đã tải về ở bước 1. Nên bạn hãy tích chọn Install an operating system from a bootable CD/DVD-ROM, tích chọn Image file (.iso).
Tiếp đó bấm Browse... để chọn đường dẫn đến file Android vừa tải về, xong bấm Next.
Cuối cùng là tổng hợp thông tin bạn đã chọn ở các bước trên, hãy kiểm tra kỹ một lần nữa rồi bấm Finish để hoàn tất.
Chờ một chút để khởi tạo máy ảo.
Bước 3: Ở danh sách Virtual Machines, bạn sẽ thấy ngay máy ảo Android mà bạn vừa tạo, hãy bấm chuột phải vào đó và bấm Start.
Nếu không thấy khởi động lên hãy vào mục Checkpoints, bấm Automatic Checkpoints, bấm chuột phải vào Now và chọn Connect.
Sau đó thì thực hiện theo các bước như mọi lần đăng nhập vào Android thôi.
Các tùy chọn quan trọng nhất đều nằm trong Action trên thanh công cụ như Turn Off(tắt máy ảo), Shut Down(ngưng hoạt động), Save(Lưu lại hoạt động trên máy ảo), Pause(tạm dừng), Reset(khởi động lại)...
Khi thực hiện cài đặt ứng dụng hoặc thay đổi thiết lập trên máy ảo Android, thì đừng quên bấm Save hoặc Ctrl+A để lưu lại nhé.
Lưu ý: Khi bật cửa sổ máy ảo lên bạn sẽ không được di chuột ra ngoài, kể cả trên thanh công cụ, muốn di chuột ra ngoài bạn hãy bấm tổ hợp phím Ctrl+Alt+ phím mũi tên trái.
Sau khi tắt đi bạn có thể bấm Start để chạy lại máy ảo.
Trên đây là hướng dẫn chạy Android trên máy tính, chỉ với các bước đơn giản trên đây là bạn đã có thể chạy Android trên Windows 10 được rồi, với máy ảo Android trên máy tính, bạn có thể sử dụng những ứng dụng, test ứng dụng, "vọc vạch" thoải mái hệ điều hành Android trên máy tính mà không sợ thiết bị của mình bị lỗi. Cũng giống như việc bạn thoải mái thử nghiệm trên máy ảo Windows 10.
Chúc các bạn thành công!