Bài tập Tết môn Ngữ văn 8 sách Chân trời sáng tạo Phiếu khai bút đầu xuân năm 2025
Bài tập Tết môn Ngữ văn 8 sách Chân trời sáng tạo bao gồm 3 phiếu ôn luyện trọng tâm bám sát nội dung trong SGK hiện hành.
Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo nhằm củng cố kiến thức đã học trong học kỳ 1 đồng thời rèn luyện kỹ năng giải các bài tập cho các em. Mặt khác phiếu bài tập Tết Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo là cơ sở để đánh giá tính cần cù siêng năng, ham học hỏi, ham hiểu biết, sự cố gắng phấn đấu của mỗi học sinh. Vậy sau đây là mẫu phiếu bài tập Tết Ngữ văn 8 mời các bạn cùng tham khảo nhé. Ngoài ra các bạn xem thêm: bài tập Tết môn Toán 8, bài tập Tết môn Tiếng Anh 8.
Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo năm 2025
Phiếu khai bút đầu xuân Ngữ văn 8 - Đề 1
A. PHẦN ĐỌC HIỂU
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”…
…Lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với mọi người và giúp người khi khó khăn hoạn nạn, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.”
(Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – theo Dân trí - ngày 14/ 2/ 2015).
Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích?
Câu 2 : Theo tác giả bài viết, “Lòng nhân ái có được” là do những yếu tố nào?
Câu 3 : Tại sao tác giả bài viết cho rằng “lòng nhân ái rất cần trong đời sống”?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em? Hãy viết 1 đoạn văn ngắn 7-10 câu trình bày suy nghĩ của em về thông điệp này.
B. PHẦN VIẾT
Phân tích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta tác giả Hồ Chí Minh.
Phiếu khai bút đầu xuân Ngữ văn 8 - Đề 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
Đọc sách không cốt lấy nhiều quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được mười quyển sách không quan trọng không bằng đem thời gian sức lực đọc mười quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị. Nếu đọc mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyền mà đọc mười lần. Sách cũ trăm lần xem chẳng chán- thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ thì sẽ tạo thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất: Đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phảm chất tầm thường, thấp kém.
( Ngữ văn 9, tập 2, Nguyễn Khắc Phi ( tổng chủ biên), Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục Việt Nam 2011)
Câu 1 : Trong đoạn trích trên người viết đã nêu ý kiến gì?
Câu 2 : Xác định phép liên kết giữa câu số 5 và 6?
Câu 3 : Em hiểu như thế nào về câu “Đọc ít mà đọc kĩ thì sẽ tạo thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất: Đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về”.
Câu 4 : Người viết khẳng định “Đọc sách vốn có ích cho riêng mình”. Lấy đó làm câu chủ đề triển khai thành đoạn văn khoảng 8 -10 câu.
II. PHẦN VIẾT
Câu 1. Có ý kiến cho rằng Nam quốc sơn hà chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Anh chị hãy phân tích bài thơ để làm rõ ý kiến này.
Phiếu khai bút đầu năm Ngữ văn 8 - Mẫu 3
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
CHIẾM HẾT CHỖ
Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa con nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho, lại còn mắng:
– Bước ngay! Rõ trông như người dưới địa ngục mới lên ấy!
Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:
– Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây!
Người giàu nói:
– Đã xuống địa ngục, sao không ở hẳn dưới ấy còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?
– Không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi.
(Theo Trương Chính – Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)
Câu 1. Nhân vật chính của truyện mang nét tính cách gì? (0,5 điểm)
Câu 2. Người nhà giàu có thái độ gì với người ăn xin? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định câu văn có chứa nghĩa hàm ẩn có trong truyện trên. (0,5 điểm)
Câu 4. Nêu hàm ý của câu văn chứa nghĩa hàm ẩn đó. (0,5 điểm)
Câu 5. Hãy chỉ ra thái độ, cách đánh giá của tác giả dân gian với hiện tượng được nêu lên trong truyện. (1,0 điểm)
Câu 6. Nêu bài học rút ra từ truyện. (1,0 điểm)
Câu 7. Em có đồng tình với bài học rút ra từ câu chuyện trên hay không? Hãy viết đoạn văn ngắn (6-8 câu) trình bày ý kiến của em. (2,0 điểm)
II. LÀM VĂN (4,0 điểm)
Môi trường sống là người mẹ của con người nên con người trách nhiệm bảo vệ môi trường. Hãy viết một văn bản nghị luận bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về một vấn đề trên.