Bài tập Tết môn Ngữ văn 7 sách Cánh diều Phiếu khai bút đầu xuân năm 2024

Bài tập Tết môn Ngữ văn 7 sách Cánh diều gồm 4 phiếu bài tập khác nhau là tài liệu cực hay dành cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 Cánh diều năm 2025 có vai trò vô cùng quan trọng nhằm củng cố kiến thức đã học trong học kỳ 1 đồng thời rèn luyện kỹ năng giải các bài tập cho các em. Mặt khác phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 là cơ sở để đánh giá tính cần cù siêng năng, ham học hỏi, ham hiểu biết, sự cố gắng phấn đấu của mỗi học sinh. Vậy sau đây là mẫu phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 Cánh diều mời các bạn cùng tham khảo nhé. Ngoài ra các bạn xem thêm bài tập Tết môn Tiếng Anh 7.

Lưu ý: Các con trình bày bài ra giấy kiểm tra theo các đề, nộp lại cho giáo viên bộ môn sau khi đi học trở lại.

Bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 1

Phần 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:

Quà của bà

Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.

Gần đây, bà tôi không được khỏe như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na, hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!

Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu… Cháu biết rồi, bà ơi… Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi. Bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi các cháu đến bà cho…

(Theo Vũ Tú Nam)

Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Tìm một cụm chủ - vị có vai trò mở rộng câu trong câu: “Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái.”

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!”

Câu 4 : Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua văn bản trên?

Câu 5: Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ), nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với bà.

Phần 2: Viết

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người thân trong gia đình – người mà em có thể chia sẻ mọi nỗi niềm, người tiếp thêm cho em niềm tin, vững bước trong cuộc sống.

Bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 2

Phần 1: Đọc hiểu 

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

CÂU CHUYỆN CỦA HAI HẠT MẦM

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên...

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân...Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

- Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Trong cuộc sống sẽ luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận mạo hiểm, trỉa nghiệm những thử thách, mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ lối mòn để bước lên những con đường mới.

(Theo Hạt giống tâm hồn, Fisrt New và NXB Tổng hợp TP HCM)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (1điểm): Sự khác nhau về quan điểm sống được thể hiện trong lời nói của hai hạt mầm là như thế nào?

Câu 3 (1 điểm): Tìm phó từ trong câu sau. Cho biết chúng đi kèm từ loại nào và bổ sung ý nghĩa gì cho từ trung tâm.

Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi.

Câu 4 (0,5 điểm): Dự đoán kết quả của hai hạt mầm trong câu chuyện trên.

Câu 5 (2 điểm): Trình bày suy nghĩ của em về con đường để đạt được ước mơ.

Phần 2: Tạo lập văn bản 

Viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một hoạt động hay trò chơi mà em biết.

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 3

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc văn bản sau:

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.

Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.

(Theo Phương Liên - Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam,2007, tr 36-37)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Văn bản “Thời gian là vàng” thuộc loại văn bản nào? Biết – đặc điểm văn bản nghị luận

A. Văn bản biểu cảm
B. Văn bản nghị luận
C. Văn bản tự sự
D. Văn bản thuyết minh

Câu 2: Trong văn bản trên người viết đã đưa ra mấy ý kiến để nêu lên giá trị của thời gian? Biết – Ý kiến trong VBNL

A. 7
B. 6
C. 5
D. 4

Câu 3: Từ ngữ in đậm trong đoạn văn dưới đây được sử dung theo hình thức liên kết nào? Biết – Đặc điểm của văn bản nghị luận

“Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.”

A. Phép lặp
B. Phép thế
C. Phép nối
D. Phép liên tưởng

Câu 4: Trong văn bản trên người viết đã bày tỏ thái độ đồng tình với vấn đề được bàn luận. Đúng hay sai? Biết – đặc điểm của VBNL

A. Đúng
B. Sai

Câu 5: Nhận định nào không đúng khi nói về dấu hiệu nhận biết văn bản “Thời gian là vàng” là bàn về một vấn đề đời sống?Biết – Xác định đặc điểm của văn bản nghị luận

A. Người viết thể hiện rõ ý kiến dối với vấn đề cần bàn bạc
B. Trình bày những ý kiến, lí lẽ, bằng chứng cụ thể
C. Bài viết ngắn gọn súc tích, thể hiện rõ tình cảm của người viết
D. Ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Câu 6: Nội dung chính trong văn bản trên là gì? Hiểu – Xác định Nội dung văn bản

A. Khẳng định giá trị của thời gian đối với con người
B. Khẳng định giá trị của vàng đối với con người
C. Phải biết tận dụng thời gian trong công việc.
D. Ý nghĩa của thời gian trong kinh doanh, sản xuất

Câu 7: Xác định phép lập luận trong văn bản trên. Hiểu – mối quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ và bằng chứng

A. Phép lập luận chứng minh, giải thích
B. Phép lập luận phân tích và chứng minh
C. Phép liệt kê và đưa số liệu
D. Trình bày khái niệm và nêu ví dụ

Câu 8: Ý nào đúng khi nói về “giá trị của thời gian là sự sống” từ văn bản trên? Hiểu – mối quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ và bằng chứng

A. Biết nắm thời cơ, mất thời cơ là thất bại.
B. Kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
C. Sự sống con người là vô giá, phải biết trân trọng
D. Phải kiên trì, nhẫn nại mới thành công.

Câu 9: Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Vận dụng – Thể hiện thái độ đồng tình hay không đồng tình)

Câu 10. Qua văn bản trên em rút ra bài học gì về việc sử dụng thời gian?(Vận dụng – Rút ra bài học cho bản thân)

II. LÀM VĂN 

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”.

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 4

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc văn bản sau:

CON LỪA VÀ BÁC NÔNG DÂN

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sẩy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì… Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Thế là ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình.

Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

(Con lừa và bác nông dân. TruyenDanGian.Com.)

Câu 1. Truyện Con lừa và bác nông dân thuộc thể loại nào?

A. Truyện thần thoại.
B. Truyện ngụ ngôn.
C. Truyền thuyết.
D. Truyện cổ tích.

Câu 2. Trong đoạn 1 con lừa đã rơi vào hoàn cảnh (tình huống) nào?

A. Con lừa sẩy chân rơi xuống một cái giếng.
B. Đang làm việc quanh cái giếng .
C. Con lừa bị ông chủ và hàng xóm xúc đất đổ vào người.
D. Con lừa xuất hiện trên miệng giếng.

Câu 3. Khi con lừa bị ngã, bác nông dân đã làm gì?

A. Ra sức kéo con lừa lên.
B. Động viên và trò chuyện với con lừa.
C. Ông nhờ những người hàng xóm xúc đất đổ vào giếng.
D. Ông nhờ hàng xóm cùng giúp sức kéo con lừa lên.

Câu 4. Dấu ba chấm trong câu sau có tác dụng gì ?

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sẩy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì…

A. Cho biết sự vật, hiện tượng chưa liệt kê hết.
B. Thể hiện lời nói ngập ngừng, bỏ dở, ngắt quãng.
C. Giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ, thường có sắc thái hài hước, châm biếm.
D. Thể hiện sự bất ngờ.

Câu 5. Vì sao bác nông dân quyết định chôn sống chú lừa?

A.Vì ông thấy phải mất nhiều công sức để kéo chú lừa lên.
B. Vì ông không thích chú lừa .
C. Ông nghĩ con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.
D. Ông không muốn mọi người phải nghe tiếng kêu la của chú lừa.

Câu 6. Theo em, những “xẻng đất” trong văn bản tượng trưng cho điều gì?

A. Những nặng nhọc, mệt mỏi.
B. Những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
C. Là hình ảnh lao động .
D. Là sự chôn vùi, áp bức.

Câu 7. Vì sao chú lừa lại thoát ra khỏi cái giếng?

A. Ông chủ cứu chú lừa.
B. Chú biết giũ sạch đất cát trên người để không bị chôn vùi.
C. Chú lừa giẫm lên chỗ đất cát có sẵn trong giếng để thoát ra.
D. Chú liên tục đứng ngày càng cao hơn trên chỗ cát ông chủ đổ xuống để thoát ra.

Câu 8. Dòng nào dưới đây, thể hiện đúng nhất về tính cách của chú lừa?

A. Nhút nhát, sợ chết.
B. Bình tĩnh, khôn ngoan, thông minh.
C. Yếu đuối.
D. Nóng vội nhưng dũng cảm.

Câu 9. Hãy chỉ ra sự khác nhau trong quyết định của người nông dân và con lừa?

Câu 10. Bài học tâm đắc nhất mà em rút ra từ câu chuyện?

II. VIẾT

Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng"

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Bài tập Tết
Sắp xếp theo
👨
    Đóng
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm