Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 (7 mẫu) Cuộc thi Cây bút tuổi hồng năm 2024

TOP 7 bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 hay nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để viết bài dự thi cây bút tuổi hồng lần thứ VI năm 2024 với chủ đề "Con đường tương lai trong tôi".

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 có thể sáng tác theo nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, truyện ngắn, bút ký, tản văn... khuyến khích động viên các em viết về những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với quê hương đất nước. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 1

CHUYỆN GIỮA ĐƯỜNG

Sáng nay, tôi rảo bước tới trường, men theo con đường quen thuộc. Bỗng có tiếng “Rầm... Két...” rồi họ lao đi giữa dòng người tấp nập. Tôi giật mình quay lại, một bà lão bị ngã đang ngồi bệt ngay ven đường. Tôi vừa định quay lại, nhưng bên tai có tiếng nhắc vang lên: “Không được! Hôm nay có tiết kiểm tra một tiết môn Toán”. Thầy giáo rất nghiêm, biết làm sao đây?

Thôi! Quay lại sẽ không kịp làm kiểm tra. Thầy mà cho “Trứng vịt” thì… Nghĩ vậy, tôi vội rảo bước. Nhưng hình như cái đầu vẫn không chịu nghe lời cứ quay nhìn lại. Mọi người có vẻ ai cũng vội. Dòng xe cuồn cuộn chạy. Bà cụ vẫn ngồi đó. Lúc ấy, trái tim mạnh hơn lý trí. Tôi quyết định quay lại giúp bà rồi sẽ giải thích cho thầy hiểu. Biết đâu thầy sẽ thông cảm và châm chước cho tôi làm lại bài kiểm tra vào cuối buổi?. Nghĩ đến đây, tôi rẽ qua dòng xe tấp nập tiến về phía bà lão:

- Bà... bà... ơi! Bà có sao không?

- Bà nhìn lên, giọng run run: “Bà không đứng dậy được, cháu giúp bà với...”

- Vâng ạ! Cháu đỡ bà dậy đây! Ôi, chân bà... Nhà bà ở đâu?...

Bà vẫy tay, mắt đỏ ngân ngấn: “Cháu đừng hỏi... Nhà bà… ở xa lắm” …

- Cháu sẽ đưa bà vào trạm y tế gần đây!

Tôi dìu bà vào phòng khám, một cô y tá trẻ, rất xinh đang ngồi sẵn ở phòng trực.

- Cháu chào cô ạ! Cô giúp bà cháu với. Nói rồi tôi đỡ bà ngồi xuống giường cạnh cửa ra vào.

- Bị làm sao? Nằm xuống xem nào?... Người lớn đâu mà chỉ có đứa trẻ ranh với bà già...

- Bà cháu... “Không có người lớn thì...”

- Cô giúp bà với. Cháu là học sinh trên đường tới trường thấy bà bị xe đụng nhưng mọi người cứ vô tình, không ai ...

Cô y tá vừa khám vừa luôn miệng:

- Già cả đi đâu để xe đụng phải. Chỉ làm khổ con cháu...

Dường như cô lại làm tổn thương bà nữa rồi. Tôi linh cảm như vậy khi nhìn gương mặt phúc hậu của bà như đang muốn cất nỗi buồn uẩn khúc.

- Cô mạnh tay thế... Cô ơi nhẹ tay một chút kẻo bà đau ạ... - Mỗi lần như thế tim tôi như thắt lại.

- Không sao, bà chịu được, cháu yên tâm đi học kẻo muộn thầy giáo lại phạt đấy. Con cái nhà nào mà ngoan thế. Giá mà bà cũng...

Cô y tá thay đổi sắc mặt đưa mắt nhìn tôi. Tôi nói:

- Không sao bà ạ, cháu đưa bà đi khám xem có bị sao không đã ...

Cô y tá nói tiếp:

- Xong rồi, không sao, chỉ trầy xước nhẹ, sang phòng bên rửa vết thương là về.

Lúc này giọng cô hơi dịu xuống một chút. Tôi đỡ bà sang phòng bên. Thật nhẹ cả người, làm y tá mà chẳng có chút... - Là tôi chỉ nghĩ thế thôi!

Hai bà cháu sang phòng bên, đứng ở phòng sơ cứu mà chân tôi cũng muốn ríu lại. Có vẻ bà cũng sợ vì vừa gặp phải cô y tá khó tính. Tôi định thần rồi nói:

- Bà cháu ta cùng vào không sao đâu ạ!.

- Thôi!.. Cháu đưa bà ra cổng. Bà không sao, cô y tá bảo thế.

- Không được, chân bà vẫn còn nhiều vết xước.

Bỗng phía sau có một chú y tá ân cần: “Chào bà, bà sao thế? Bà vào đây cháu xem nào”. - Tôi thở phào nhẹ nhõm.

- Chú ơi! Chú rửa vết thương giúp bà ạ.

- Ừ, hai bà cháu ngồi đợi chú đi lấy cồn sát khuẩn vết thương cho bà. Cháu đưa bà đi khám các phòng chưa? Có sao không cháu?

- Rồi chú ạ! May quá bà không sao!

- Cháu học lớp mấy rồi?

- Dạ lớp 6 ạ!

- Lớp 6 mà giỏi quá. Cháu nội hay cháu ngoại thế bà...?

- Không, cháu thấy tôi bị xe quệt nên đưa vào đây thôi.

- Trời cháu gái ngoan quá. Cháu học trường nào...

Tôi chưa kịp trả lời chú lại nói tiếp:

- Bố mẹ biết chuyện chắc cảm động lắm. Cháu ngoan ghê!

Chú xoa đầu tôi... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, ấm áp... Chú vừa nói vừa làm, bàn tay nhanh thoăn thoắt nhưng thật nhẹ nhàng, rồi chú bảo:

- Bà cố chịu nhé, nước sát khuẩn hơi xót một chút nhưng không sao, sẽ nhanh khỏi bà ạ!

- Không sao, cái đau này chẳng thấm gì đâu!

Rửa vết thương xong, chú y tá lấy thuốc đưa cho bà dặn ngày uống 4 viên chia hai lần. Thuốc giảm đau và chống nhiễm trùng.

- Ừ cảm ơn cháu. Mất bao nhiêu tiền hả cháu?

- Thôi ạ! Cháu giúp bà ...

Tôi dìu bà ra đường và cẩn thận nhìn xe qua lại. Bà nở nụ cười phúc hậu nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy gương mặt bà vừa nén đau, vừa đượm buồn. Tôi định gặng hỏi nhà để đưa bà về nhưng sợ chạm phải nỗi buồn của bà nên tôi không dám ...

- Cháu đi học đi! Nhà người quen của bà đây rồi!

- Vâng cháu đi học đây.

Tôi bước đi mà cứ băn khoăn thương bà biết bao. Tôi chạy thật nhanh tới trường xin phép thầy vào lớp nhưng cũng là lúc kết thúc tiết học thứ 3. Lần này, mặc dù mắc lỗi song tôi thấy mình thật nhẹ nhõm.

Tôi tự nhủ: Việc tốt hay việc chưa tốt mình có thể gặp hằng ngày. Nhưng khi chúng ta biết lựa chọn, là khi ta đã lớn lên!

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 2

BÚP BÊ CŨNG CẦN GIA ĐÌNH

Buổi chiều cuối thu, sau khi tiễn mẹ và em lên xe. Tôi vào nhà, nhìn bốn bức tường cảm giác trống trải đến kì lạ. Bỗng nỗi nhớ ùa vào trái tim, tôi nhớ mẹ, nhớ em mặc dù mới vừa chia tay. Tôi men cầu thang lên sân thượng, bầu trời trong xanh, chim hót líu lo sao tâm trạng tôi nặng nề đến thế!

Mắt tôi đăm đắm nhìn về phía chân trời, một cánh chim đơn lẻ đang bay chợt gọi về vài kỉ niệm cũ. Ngày tôi cùng nhóc em đi bẫy chim, bắt dế, cả những lúc em lẽo đẽo theo tôi đi đá bóng. Mỗi khi áo tôi bị rách, là em đem kim chỉ ra khâu. Giờ nhớ lại lòng tôi cứ nhói lên. Lúc nào tôi thấy mình cũng mải chơi không biết quan tâm đến em để khi phải xa nhau, tôi không có cơ hội bù đắp tình thương cho đứa em gái nhỏ nữa rồi.

Tôi lê từng bước xuống phòng ăn cảm thấy chơi vơi đến lạ lùng. Một không gian lạnh lẽo bao trùm. Tôi nhớ vào những buổi tối, nơi đây vang lên tiếng cười giòn tan của hai anh em. Còn bây giờ, mọi thứ nằm im lìm, tất cả mọi đồ vật đều có tâm trạng như tôi, đang chờ hơi ấm lên. Tôi tiến lại bàn ăn, bước tới tủ lạnh... Ôi! mẹ chu đáo thật, đã chuẩn bị mọi thứ cho hai bố con, toàn là những món bố con tôi thích, bên cạnh là một bức thư:

“Con trai yêu của mẹ, trong thời gian tới, mẹ không ở bên con. Mẹ sẽ tạm xa gia đình một thời gian đủ để bố con biết quay về và cùng làm ấm ngôi nhà mình. Là con trai, con hãy nghị lực và vững vàng nhé. Con hãy biết thay mẹ chăm sóc ngôi nhà và hãy làm bạn của bố khi bố cần. Mẹ không ở bên con nhưng mẹ luôn sát cánh, dõi theo con từng bước... mẹ yêu con....”

Tôi cố đọc những dòng chữ mẹ để lại... cái vị gì “mằn mặn, chan chát” lăn từ má xuống môi... Thế là, tôi ngồi sụp xuống. Mẹ và em đã đi được ba ngày sao bố vẫn chưa về. Kim đồng hồ đã chỉ 23h. Từ sáng đến giờ tôi cứ mở cửa từng phòng để cảm nhận hơi ấm của từng chỗ ngồi mọi người còn vương lại. Nhưng chẳng điều gì giúp ích được cho tôi....

Tôi thu mình ở góc cầu thang nơi hai anh em thường ngồi chơi cùng nhau. Bỗng “Bíp... bíp...” đúng rồi tiếng còi xe của bố. Tôi lao ra phía cổng theo phản xạ... bố... bố đúng bố rồi!... tôi mừng quýnh mở cửa đón bố. Bố lặng lẽ cất xe vào nhà. Dường như bố cũng đang cảm nhận được sự trống vắng của căn nhà, thiếu đi một cái gì đó hằng ngày bố vẫn được đón nhận ở Thuỷ.

Chẳng là, bao giờ bố về Thủy cũng chạy ra mở cửa đón. Nó xách đồ cất đi, rồi xếp giày lên giá nên lúc nào bố cũng quý nó hơn tôi.

Bố đã cất đồ xong đứng cạnh tôi lúc nào không biết. Bố ôm tôi vào lòng, hơi ấm đã rất gần nhưng cũng không đủ để sưởi ấm sự giá lạnh trong tôi. Bố khẽ thì thầm:

- “Bố xin lỗi con!... Bố cũng có muốn thế này đâu… ” - Mắt bố cũng đỏ hoe.

Tôi nói: “Con nhớ mẹ, nhớ em bố ạ!”

- Được, chủ nhật bố cho con về thăm mẹ!... Nghe bố nói tôi vui hẳn lên vì sắp được gặp mẹ, gặp Thuỷ.

Hai bố con ngồi vào bàn ăn bên mâm cơm thịnh soạn bố đã chuẩn bị đồ mang về nhưng tôi chẳng muốn ăn. Tôi tưởng tượng giá như có Thuỷ ở đây nó sẽ gắp đồ ăn cho mọi người, tiếng nói líu ríu của Thuỷ trong bữa cơm....

Đúng lời hứa, chủ nhật bố chở tôi về quê ngoại. Trên chiếc xe bốn chỗ trước kia bố thường đưa ba mẹ con đi dạo phố, ánh mắt bố thấm buồn. Còn tôi thì vui vì sắp được gặp mẹ, gặp em. Đặc biệt là sự đoàn tụ của Vệ Sỹ và cô Em Nhỏ. Chắc Thuỷ sẽ vui lắm. Đang miên man trong dòng cảm xúc chợt bố gọi:

- Thành ơi, đến nhà bà ngoại rồi, mau xuống xe đi con.

Giọng nói của bố khiến tôi giật mình:

- Vâng... Vâng ạ! Bố đi nhanh thật đấy.

Bố lặng thinh không trả lời. Xe đã đậu gần cổng nhà bà, bố mở cốp xe đưa tôi một con gấu bông màu vàng rất đáng yêu và nói:

- Đây là quà bố tặng cho Thuỷ, sắp đến sinh nhật em, con đưa cho em hộ bố, còn đây quà bố gửi biếu bà.

Tôi tròn mắt nhìn bố rồi cầm gói quà bố đưa. Bố vội lên xe không kịp nói lời tạm biệt. Tôi từ từ bước vào khoảng sân nhà bà đưa mắt tìm Thuỷ. Ôi! Thuỷ kia rồi, em đang làm gì trong bếp vậy? khuôn mặt nó lem nhem trông rất ngộ. Tôi thương Thuỷ quá, tôi cất tiếng gọi:

- Thuỷ... Thuỷ.... anh Thành đây!

Trong lớp khói toả ra từ bếp nó lao ra ôm chầm lấy tôi. Tôi đưa cho em con gấu bông và nói:

- Bố tặng em...

- Thế bố đâu anh?

Nó lao ra phía cổng nơi xe bố đã hút bóng phía đằng xa. Nhìn đôi mắt ngấn nước của em, tôi thương nó vô cùng.

Bữa trưa hôm ấy, tôi ăn cơm cùng mẹ, bà và em Thuỷ. Chỉ là cà dầm tương, tôm rang và canh rau muống mà tôi ăn đến bụng căng tròn. Về nhà bà, tôi mới càng hiểu và ngấm hơn, hương vị của tình yêu thương thì chẳng có gì so sánh được.

Chiều muộn hôm sau, bố đến đón tôi về. Thuỷ cứ níu tay tôi không muốn rời. Mẹ cố nén cảm xúc núp sau cây ổi nhìn anh em tôi chia tay nhau. Bố dắt tay tôi lên xe, chợt nhớ ra, tôi quay lại, mở ba lô lôi con Vệ Sỹ và con Em Nhỏ đưa cho Thuỷ. Ánh mắt nó sáng lên nhưng cũng như lần trước, nó hôn hai con búp bê rồi đưa cho tôi rồi nói:

- Anh mang về để nó gác ma cho anh ngủ ngon, anh không được để chúng ngồi xa nhau nhé! Anh nhớ chưa?

Tôi gật đầu, rồi lên xe chợt Thuỷ gọi lại:

- Anh Thành.... “Bao giờ áo anh rách anh mang về, em vá cho anh”.

Có lẽ bố đã nghe hết cuộc trò chuyện của hai anh em tôi. Bao giờ nó cũng nhẹ nhàng và chu đáo thế. Tôi không trả lời em, vội vàng chạy lên xe tránh những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Khi cả nhà tôi chưa phải xa nhau thế này, tôi giữ con Vệ Sĩ. Thủy giữ con Em Nhỏ. Nếu chúng tôi giận nhau thì sẽ lấy Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra làm cầu nối, để hai búp bê nói chuyện thay cho đến khi hết giận mới thôi. Nhưng từ ngày Thủy theo mẹ, em giao luôn con Em Nhỏ cho tôi. Nó bảo: “Búp bê cũng cần gia đình đấy. Anh ở với bố sẽ không được chăm sóc bằng em. Em nhường Em Nhỏ cho anh để những lúc buồn, anh có bạn trò chuyện”.

Thấy tôi lặng thinh cố ngăn nước mắt, bố an ủi: “Đừng buồn nữa, tuần sau bố lại cho con về thăm mẹ và em”.

- Bố hứa nhé?

Bố gật đầu... Từ đó, bố thường xuyên đưa tôi về thăm Thuỷ và mẹ nhiều hơn. Bố không đi làm về muộn nữa, ngày nào cũng đưa đón tôi đi học. Thỉnh thoảng bố còn mở lại cuốn album những bức ảnh gia đình. Và tôi thấy, có vẻ, bố còn mong đến ngày cuối tuần hơn tôi nữa.

Sáng nay, bố dậy sớm hơn mọi khi, chuẩn bị đồ ăn sáng rồi gọi vọng lên :

- Con ơi! Dậy ăn sáng bố con ta còn về bà ngoại nào.

Tôi vùng dậy. Trên đường đi, bố nói hôm nay bố sẽ ăn cơm ở nhà bà, tôi không tin vào tai mình nữa. Điều gì đã khiến bố thay đổi ý định thế, tôi tự hỏi lòng mình ... Tôi quay sang bố:

- Thật... thật... không bố.?

Bố xoa đầu tôi cười:

- Thật chứ con!

Tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tưởng tượng mâm cơm gia đình trưa nay sẽ vui lắm. Tiếng Thuỷ lại cười giòn tan. Đôi mắt hiền từ của bà ánh lên niềm vui. Bao tưởng tượng cứ xoáy sâu vào trái tim non nớt của tôi. Tôi muốn bố chạy xe thật nhanh để báo cho Thuỷ biết nhưng bố có vẻ mong hơn tôi thì phải.

Kia rồi! Nhà bà ngoại kia rồi, bố chạy xe vào tận trong sân. Hôm nay bà và mẹ không đi chợ, em Thuỷ cũng ở nhà. Thoáng thấy xe bố, Thuỷ chạy ào ra đón rồi xách đồ giúp bố. Bố mở cốp lấy bao nhiêu thứ đã chuẩn bị sẵn khiến tôi cũng ngạc nhiên. Tôi thì thầm vào tai Thuỷ:

- Bố ở đây ăn cơm đó em ạ!

- Thật chứ...?

Thuỷ nhảy phốc lên ôm cổ bố hôn lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

- Thật hả bố bố? Bố ở lại ăn cơm cùng mẹ với con?

Bố gật đầu. Thuỷ chạy vội ra vườn khoe với mẹ và bà. Mẹ mặt đỏ lên, hai gò má gầy gầy trông thật xinh. Ngồi nói chuyện với bà một lát bố xin phép bà vào bếp nấu ăn cùng mẹ. Bất chợt bố đặt bàn tay lên đôi bàn tay gầy của mẹ:

- Em đừng giận nữa... Nay anh xuống xin phép mẹ để đón em về lại ngôi nhà của chúng mình... Tha lỗi cho anh...

Có vẻ mẹ hơi lúng túng vì bao lâu mẹ mới lại cảm nhận được sự yêu thương từ bố. Bố đã làm tắt dần tình yêu thương dịu dàng của mẹ khi mải mê với những chuyến du ngoạn và rượu triền miên... Tôi cũng là đứa trẻ nhạy cảm nên hiểu rõ sự ăn năn của bố, cả nỗi buồn của mẹ.

Thế rồi, mẹ ấp úng... bố nói tiếp: “Tha lỗi cho anh vì các con nhé...!”

Hai anh em chúng tôi đứng ở ngoài tim như thắt lại. Cả hai đứa cùng tự nhủ thầm: “Cầu mong mẹ tha lỗi… Cầu mong chúng tôi là sợi dây kết nối tình cảm thiêng liêng của gia đình… Cầu mong Vệ Sĩ và Em nhỏ sẽ được ở cùng hai anh em chúng tôi…”

Khi kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói lời thương trước hết tới cô em bé nhỏ: Sự dịu dàng và chu đáo của em chính là một sợi dây bền chặt gắn kết gia đình. Tôi cũng muốn nói lời yêu thương vô hạn tới mẹ, người đã dạy cho anh em chúng tôi biết cảm nhận cuộc sống bằng cả trái tim sâu sắc cùng bản lĩnh vững vàng. Sự dịu dàng và cương quyết của mẹ đã cho bố thấy, gia đình là nơi mỗi con người phải biết sống vì nhau, luôn cần có nhau.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói với bạn, với chính mình: Là một chàng trai, chúng ta sẽ mạnh mẽ và biết yêu thương rộng lượng để trưởng thành, đúng không?

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 3

CON ỐC BIỂN

Cái nắng oi ả của mùa hạ làm cho mọi người mệt mỏi. Tôi đang bận chút việc mẹ giao chợt thấy Thành loay hoay đống đồ chơi của tôi. Bực mình, tôi quát:

- Thành, em không thể để mọi thứ của chị ngồi yên một chỗ được sao?

- Có sao đâu, cho em cho em mượn một chút.

- Con trai cứ thích đồ chơi của con gái, nhìn mà ghét!..

- Sao chị ích kỉ thế?

- Kệ chị, của chị mà!...

Bị mắng, nó buồn lắm nhưng cũng ngoan ngoãn nghe lời. Mặt nó phụng phịu nhưng chỉ một chút nó lại lao vào lục tung đồ lên ngay. Nó là đứa trẻ hiếu động, bị mắng mặt nó xị xuống, hai má núng nính, đôi môi bĩu ra trông cũng dễ thương. Nên quát thì quát vậy chứ ít khi tôi giận được em quá nửa buổi.

Hôm nay, căn nhà vắng vẻ, vắng bóng em và cả tiếng quát quen thuộc của tôi mọi khi. Tôi vô tình cất tiếng gọi:

- Thành ơi! Thành ơi!

Không thấy nó trả lời, tôi nhớ ra, nó đi chơi biển với bác từ hôm qua rồi. Thế mà tôi quên khuấy đi mất!

Mấy ngày vắng em căn nhà thật rộng và trống trải. Mọi thứ gọn gàng hơn. Còn tôi lại cảm thấy buồn buồn như thiếu thiếu điều gì đó rất quan trọng... Tôi bật ti- vi, bỗng một ý nghĩ ùa đến. Nếu Thành ở nhà, nó sẽ giành điều khiển để mở những kênh nó thích. Vì làm chị, giữ sĩ diện nên thỉnh thoảng tôi phải nhường nhưng trong lòng vẫn hay ấm ức:

- Cho em xem hoạt hình nhé?

- Ừ... thì xem đi!

- Chị nói thật chứ?

- Thật... xem đi...

Nó vẫn hay năn nỉ tôi như thế nhưng khi vừa được nhường là nó vội vàng cầm điều khiển rồi bắt đầu hò hét như chọc tức tôi. Nó cũng ngang như vậy đấy! Lúc nào cũng có những hành động khiến tôi phải quát tháo. Vậy mà, cái lúc một mình một giang sơn, muốn xem gì, làm gì cũng được, sao tôi lại không cảm thấy sung sướng nhỉ?- Đang miên man suy nghĩ, tôi chợt nghe tiếng gọi:

- Chị ơi! Chi Trân ơi... em về rồi đây! Em mua quà cho chị này!

- Ừ quà gì đó em?..

Tôi bật dậy ào ra mở cửa. Nhóc em gương mặt cháy nắng nhưng rạng rỡ bởi nụ cười rất tươi. Hai chị em nắm chặt tay, nó kéo tôi ngồi xuống bàn và mở ba lô ra, đưa cho tôi con ốc biển ngũ sắc trông rất đẹp. Trên vỏ ốc có khắc một con dê với bãi cỏ xanh- đó là tuổi của tôi. Và ghi dòng chữ lưu niệm “Hè Sầm Sơn”. Đưa quà cho tôi, nó quan sát rồi hỏi tiếp:

- Bố mẹ đâu chị?

- Ở trên tầng em ạ!

- Thế hả chị?... Nó chạy vội lên phòng bố mẹ. Tôi cầm Con ốc trên tay, ghé môi thơm nhẹ để cảm nhận tình cảm thơ ngây, hồn nhiên của cậu em trai bé bỏng. Em đang tíu tít đưa cho bố mẹ con ốc biển gắn với tuổi của từng người. Mẹ cười ý nhị:

- Con chu đáo quá!

Đúng thế! Lúc nào nó cũng chu đáo và hiếu thảo như thế. Mẹ ôm nó vào lòng. Bố cũng muốn ôm nhưng biết cu cậu nhớ mẹ nên cứ để em ngồi im như thế trong lòng mẹ. Em hào hứng kể cho mọi người nghe chuyện đi du lịch trong mấy ngày xa nhà và thích thú khi được cuộn tròn cùng con sóng biển dạt vào bờ rồi lại tung ra.

Có lẽ, chợt nhận ra tôi có chút chạnh lòng, nó gọi: “Chị làm sao thế?...”

- Ờ không sao!.

- Chị buồn à? Lại đây chị!

Nó tỏ ra người lớn hẳn lên khi an ủi:

- Chị nghe này tiếng sóng biển đang rì rào dưới bờ cát trắng mịn và có cả tiếng cười nói của mọi người đấy.

Thế rồi cu cậu áp sát con ốc biển vào tai tôi, tôi cũng cảm nhận được tiếng rì rào của sóng, tiếng hàng cây đang hát...

Từ hôm ấy, thỉnh thoảng đi ngủ em lại áp sát con ốc biển vào tai và nói:

- Chị có nghe thấy gì không? Tiếng sóng biển đang xô vào bờ đấy. Và có cả tiếng của các bạn đang cười giòn tan trên những bãi cát trải dài. Đây nữa này, có cả những con thuyền đang cưỡi sóng ra khơi.

Chỉ đi có mấy ngày tới biển mà nhóc em như một hướng dẫn viên du lịch ấy. Nhìn đôi bàn tay nhỏ bé của em khum khum úp sát con ốc biển vào tai trông thật đáng yêu. Thấy thế, tôi cũng úp sát con ốc biển vào tai để cảm nhận rõ tiếng sóng biển nhẹ nhàng dưới bàn chân mát rượi. Tôi tưởng tượng bàn chân của hai chị em đang chạy dài trên bờ biển xây những toà nhà cao tầng bằng cát, nhặt những con ốc biển mang về làm quà cho bọn trẻ trong xóm.

Chỉ là con ốc biển nhỏ mà chứa bao tình cảm yêu thương như vậy đấy!

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 4

Ở một thế giới của những muông thú, một thế giới đẹp tuyệt trần với con suối chảy dài thơ mộng, những cái cây vươn cao lên trời xanh, cỏ thì mọc um tùm trong thật nên thơ, nhưng rồi làn sóng dịch Covid đã bùng phát. Ai đi ra ngoài cũng phải có khẩu trang trên miệng ai không đeo đều sẽ bị phạt, luôn phải thực hiện theo đúng 5K.

Một hôm, vào một buổi sáng đẹp trời, Thỏ đang đi dạo giữa một khu rừng đẹp huyền ảo, mê ly, vừa đi Thỏ vừa ca hát líu lo, nhưng khi đó Thỏ không đeo khẩu trang. Sóc thấy vậy, liền chạy xuống ngăn cản bước chân của Thỏ, Sóc bảo:

- Thỏ ơi! Dừng lại! Tớ bảo.

Nghe thấy tiếng của Sóc, Thỏ bỗng dừng lại bắt chuyện:

- Sóc đấy à, cậu khỏe không?

- Giờ này mà khỏe được à - Sóc bảo.

- Sao? Cậu không được khỏe à? Thế thì phải đi xét nghiệm đi chứ sao lại xuống đây, định lây cho tớ à?

- Cậu vớ vẩn vừa phải thôi Thỏ ạ! - Sóc quát.

- Thế thì cậu gọi mình có chuyện gì.

- Cậu không đeo khẩu trang à?

- Có.

- Đâu, tớ làm gì thấy cậu đeo.

- À mình quên, tớ có mang theo mà.

- Cậu mang theo thì cậu phải đeo chứ ai cho bỏ ra đâu - Sóc nói.

- Tại trời nóng với lại đi từ nãy đến giờ người tớ toát hết mồ hôi rồi đây này - Thỏ than vãn.

- Cậu nghe mình bảo này: Bây giờ bên ngoài dịch đang bùng phát mạnh, mỗi người phải có ý thức thì mới tạo nên được tảng đá chắn làn sóng dịch này chứ. Chắc chắn là cậu vẫn nhớ quy định 5K nhỉ?

- Ừ - Thỏ nói.

- Trong 5K luôn phải đeo khẩu trang, kết hợp với sát khuẩn, khai báo y tế, giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng và thường xuyên rửa tay. Cậu muốn dập tắt được dịch thì chính cậu cũng phải có ý thức đấy Thỏ à! Chẳng phải trước đây cậu từng nói với tớ là cậu không muốn dịch phải bùng lên như ngọn lửa cháy nữa đúng không?

Ô vậy à, mình có nói thế sao? Mình quên mất. Xin lỗi cậu.

- Thôi được rồi, từ lần sau cậu đừng quên đấy.

- Ừ, mình nhớ rồi.

- À mà này, mình vừa nghĩ ra một ý tưởng thú vị lắm! - Sóc nói.

- Ý tưởng gì, ý tưởng gì - Thỏ rất tò mò.

- Bây giờ mình với cậu cùng về nhà của mình và chúng ta sẽ làm những bức thông điệp và lời nhắn nhủ tới các bạn động vật trong rừng rồi đi dán lên cây có được không?

- Được đấy - Thỏ phấn khích.

Thế là đôi bạn cùng nhau về nhà Sóc. Họ miệt mài làm từ sáng cho đến tối và sáng hôm sau, kết quả là họ đã làm xong. Thỏ thì đi dán lên cây ở hàng cây bên phải còn Sóc thì dán ở hàng cây bên trái. Cuối cùng thì việc của hai cậu ấy cũng đã hoàn thành. Nhưng lúc đó, Sóc lại có việc phải đi trước. Bỗng từ trong bụi rậm, bác Nhím đi ra, bác nhìn xung quanh mấy cái cây rồi hỏi:

- Các cháu dán cái gì lên cây thế?

Thỏ nhanh mồm nói:

- Bác thử đọc một tờ giấy kia đi ạ.

Thế là bác Nhím ra lấy một tờ giấy xuống và đọc thầm, đọc xong bác bảo:

- Ồ ý tưởng này của ai mà hay thế?

- Dạ là bạn Sóc ạ - Thỏ nói.

- Bác rất đồng tình với cái ý tưởng này của các cháu vậy Sóc đâu?

- Cậu ấy có việc nên đi trước rồi ạ.

- Thế thì cháu nói luôn với Sóc là bác tin chắc rằng mọi người sau khi đọc xong sẽ có ý thức hơn đấy.

- Vâng ạ, cháu cảm ơn bác - Thỏ đồng nói.

- Thôi, bác đi đây, chúc các cháu thành công.

- Cháu chào bác.

Khi làm xong việc, Thỏ vô cùng vui và rất hồi hộp “không biết sau khi đọc xong, mọi người sẽ phản ứng như thế nào nhỉ” - Thỏ thầm nghĩ. Sáng hôm sau, khi Sóc và Thỏ thức dậy, họ nhìn thấy có rất nhiều bạn muông thú đang chăm chú đọc, đọc xong ai cũng lấy khẩu trang đeo vào. Thấy vậy, Thỏ và Sóc nhảy cẫng lên vui sướng bởi vì việc làm của hai người bạn đã giúp cho mọi người hiểu được rõ hơn, có ý thức hơn về việc phòng chống dịch.

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 5

Những tháng vừa qua đại dịch COVID-19 bùng lên ở nhiều tỉnh thành, Bình Dương cũng là tỉnh có số ca mắc bệnh nhiều. Không ngại nguy hiểm, khó khăn, cô Trúc đăng ký làm tình nguyện viên tham gia nhập liệu, hỗ trợ lấy mẫu,… dù bản thân vẫn đang học Liên thông Đại học với hình thức học Online. Có lần trò chuyện với cô Trúc, tôi cảm nhận được cái tâm và tấm lòng của cô trong công tác phòng chống dịch. Hôm nào cô có lịch học Online thì cô học và thời gian rảnh cô nấu sữa bắp, nước mát tặng các chốt kiểm soát trên địa bàn phường Phú Mỹ. Hôm nào không có lịch học là cô lại vác balo lên và đi hỗ trợ trực chốt kiểm tra, hỗ trợ nhập liệu, có hôm nhìn cô như “chú chim cánh cụt” trong bộ đồ bảo hộ để hỗ trợ lấy mẫu Test nhanh. Tưởng chừng người cán bộ đoàn có thân hình nhỏ nhắn ấy sẽ rất yếu đuối, nhưng không… những ngày dịch bùng phát mới thấy người cán bộ đoàn ấy mạnh mẽ nhường nào.

Với tinh thần lạc quan và sống có trách nhiệm với cộng đồng, người con gái bé nhỏ ấy tưởng chừng như trở thành một anh hùng vĩ đại của cuộc chiến sinh tử chống lại đại dịch COVID-19. Có những lúc nhìn em mệt mỏi trong bộ đồ bảo hộ ai cũng không khỏi chạnh lòng. Trao đổi với mẹ em về việc em đi tình nguyện cô cũng không khỏi lo lắng, cô chia sẻ: “Lo lắm chứ con! Em nó đi như vậy cô cũng lo lắm, cái con virus Corona này mình đâu có nhìn thấy nó đâu, nó dễ lây nên lo em nó đi không cẩn thận chút xíu thôi là bị lây liền. Có khi em nó soạn đồ đi cô la chứ bộ. Kiểu như mình xót con mình la, mà la thì la vậy thôi chứ em nó muốn đi tình nguyện vậy mình cũng đâu cản được. Lo nhưng mình mừng vì con nó sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với cộng đồng”. Dù em xông pha vào trận chiến nguy hiểm này nhưng mỗi lần nhắn tin đều nhận được những năng lượng tích cực từ em. Chỉ dặn em đi cẩn thận, ráng kĩ kĩ một chút để bảo vệ bản thân thôi.

Cảm ơn em cô giáo bé nhỏ, cô Đoàn viên trẻ mang trong mình trái tim tình nguyện đầy nhiệt huyết, cảm ơn em vì tấm lòng cao thượng, và cảm ơn em vì tất cả em nhé! Chúc em và các chiến sĩ tuyến đầu nhiều sức khoẻ để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024 - Mẫu 6

NGỌN GIÓ CỦA ĐỜI TÔI

Đóng cửa sổ vào đi! Mẹ đã nói với con bao lần rồi, bên ngoài gió độc lắm, ốm ra đấy lại khổ mẹ.

- Mẹ cho con mở cửa mươi phút thôi, trong nhà ngột ngạt lắm mẹ ạ!

- Đóng vào! Có muốn vào viện nữa không mà mở cửa. Ngày mai mẹ bảo người xây kín vào đấy. Mẹ không hơi sức đâu mà nghe con năn nỉ.

Thế rồi tôi nghe thấy tiếng cửa đóng sầm lại. Tuy không nhìn thấy gì nhưng tôi cảm giác bầu trời như sập lại trước mắt tôi. Cùng với tiếng cửa đóng, tiếng bước chân mẹ tôi xa dần căn phòng của tôi cùng với lời chì chiết:

- Tôi còn khổ đến bao giờ!

Tôi ôm mặt, cúi đầu xuống gối rồi khóc. Tôi khóc cho những đắng cay, tủi hờn vì số phận, khóc vì giận mẹ đã không hiểu tôi, khóc vì có thể vuông cửa của tôi sẽ bị đóng lại và tôi sẽ bị cầm tù trong căn phòng ngột ngạt này. Như thế khác gì là địa ngục. Khóc chán, tôi đưa tay về phía cửa sổ theo thói quen. Nhưng không còn nghe thấy gì nữa, không còn ngửi thấy hương hoa nồng nàn của buổi sớm nữa. Tôi buông cánh tay mà lòng đau như dao cắt.

Tôi sinh ra vốn là đứa trẻ xinh xắn như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng khi tôi bảy tuổi trong một lần đi sang ngoại ăn cỗ, bố tôi đã uống rượu. Trên đường trở về, bố tôi đã đâm vào cột mốc ven đường. Chuyến xe định mệnh đó khiến tôi vĩnh viễn mất đi ánh sáng cuộc đời, và gia đình tôi tan nát. Bố tôi nằm viện mấy tháng mới tỉnh, mẹ tôi và em tôi may mắn chỉ qua loa. Kể từ đó, gia đình tôi không bao giờ có tiếng cười mà chỉ có cãi vã. Mẹ trách bố tôi uống say để vợ con khổ, bố trách họ hàng nhà mẹ mời bố uống rượu nên mới ra thế. Rồi vì không có tiền lo chạy chữa cho tôi. Họ cãi nhau suốt ngày.

Lúc mới bị, mẹ tôi nói với tôi con cứ chịu khó bằng mắt mấy tháng. Nhưng mấy tháng mà mẹ nói đã bốn năm đằng đẵng. Ban đầu tôi cứ tưởng đã một năm nhưng mẹ nói tôi mới bị một tháng. Về nhà, ngày nào tôi cũng khóc. Đợi cả nhà im lặng, tôi tự mò ra ngoài sân rồi suýt ngã xuống cống. Từ đó mẹ tôi nhốt ở trong phòng luôn đỡ tôi phải đi ra ngoài. Khi nào em tôi đi học về tôi năn nỉ nó dẫn tôi đi chơi. Vào trong xóm, bọn trẻ thấy tôi vậy chúng càng trêu, có đứa còn ném chất bẩn vào tôi. Chúng bị các bác lớn mắng, nhưng kể từ lần đó, tôi sợ không còn dám ra ngoài nữa.

Kể từ ngày tôi có cậu em thứ hai, gia đình tôi càng thêm túng quẫn. Bố mẹ tôi cứ về đến nhà là cãi cọ, quăng quật. Tôi như con thú nhỏ bị thương run rẩy trong chính ngôi nhà của mình. Có một lần tôi nép sát vào tường, và cứ thế ngồi co ro, trong đầu tôi nghĩ đến cái chết. Khi tôi tỉnh dậy, cả nhà tôi đã đi làm, đi học hết. Tôi nghĩ mình rất tỉnh táo để sẵn sàng cho một sự ra đi. Lòng tôi buồn biết mấy. Tôi đến với thế giới này biết hạnh phúc chỉ có vài năm ngắn ngủi, tương lai của tôi dài dằng dặc mà cứ phải sống như thế này sao? Tôi ước gì tôi không tỉnh lại sau tai nạn đó, thà cứ để tôi chết đi còn hơn phải sống mà đau khổ giày vò. Thế rồi, từ bên ngoài vẳng đến câu hát từ chiếc loa của làng. Bây giờ là buổi sáng này, loa làng phát chương trình văn nghệ. Những âm thanh réo rắt cứ lọt vào tai tôi, lùng bùng lúc có lúc không…Đầu óc tôi trống rỗng. Rồi vô thức tôi lần đến chỗ cửa sổ. Những âm thanh réo rắt cứ lọt vào tai tôi, lùng bùng lúc có lúc không…nhưng mà tôi cứ ngồi thế chứ không nghĩ đến cái chết nữa.

Tôi phát hiện ra vuông cửa nơi tôi ngồi có gió. Gió vờn trên tóc tôi, mơn man khắp da thịt và len nhẹ vào tâm hồn đang sầu khổ của tôi. Tôi xem Gió như là cả thế giới của mình. Gió sẽ nói tôi nghe bao điều kì diệu. Gió mang hương hoa bưởi về tôi biết là mùa xuân. Gió mang mùi mít chín tôi biết đã sang hè. Gió mang hương hoa dạ lan tôi biết đất trời đã vào thu. Nơi vuông cửa có nắng và gió vào, nghe trong gió và xoè tay đón nắng tôi có thể tưởng tượng cả bầu trời, cả cánh đồng mênh mông khi có hương lúa chín. Tôi thu mình trong thế giới của riêng tôi với vuông cửa nhỏ. Tôi thì thầm với tiếng chim kêu, tôi hát với tiếng loa làng và cười khi nghe tiếng lũ bạn đùa nhau ngoài đồng. Thế giới của tôi qua khung cửa cũng rộng lớn và ngập tràn hồn tôi.

Nhưng niềm vui của tôi chợt tan dần như gió vậy. Mấy năm nay cánh đồng làng tôi thành khu công nghiệp lớn. Rồi một ngày rác thải ngày càng nhiều, sự ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, chị Gió đến mang theo mùi khét lẹt, những làn khí độc hại. Tôi bị ho, sốt, ốm nặng và vào viện. Từ đó tôi cứ ra vào viện như cơm bữa. Bố mẹ biết nguyên nhân nên bắt tôi phải đóng cửa. Hôm đó, tôi khóc ngồi bên khung cửa sổ và cô đơn nhớ về gió, nhớ lại những ngày tháng tốt đẹp có gió. Cảm giác như vừa mất một thứ gì đó rất quan trọng, mọi thứ lại trở lại như trước thật nặng nề. Mong chờ từng phút từng giây nhưng rồi gió vẫn không đến… Từng ngày từng ngày trôi qua, tôi muốn khỏi bệnh thật nhanh nhưng tôi cảm giác thời gian trôi thật là lâu, mọi thứ như chậm lại. Không đừng được tôi lần đến khung cửa và bật tung cửa sổ. Gió đã đợi tôi từ bao giờ, vừa mở cửa đã ùa vào thế giới của tôi. Đúng lúc đó mẹ tôi bước vào và lạnh lùng khép cửa. Mẹ khoá chốt còn đóng luôn cửa ngoài.

Trái tim tôi vụn vỡ. Thế giới quá rộng sao cuộc đời tôi lại hẹp đến thế? Ánh sáng của đời tôi là gió mà mẹ đâu biết. Tôi nghĩ về đời tôi mà lòng lạnh giá. Gió ơi… Bao giờ gió về? Thế rồi tôi cứ nằm thế mà thiếp đi. Đến khi tôi tỉnh lại thì mẹ tôi lại đưa tôi vào viện. Mẹ tôi hỏi:

- Tại sao con không chịu ăn? Có phải tại mẹ đóng cửa sổ không? Mẹ không thể nào hiểu nổi? Cái cửa sổ đó thì có cái gì, đằng nào con cũng đâu nhìn thấy gì.

- Mẹ! Mẹ đừng nói nữa.

- Thôi được rồi. Tại mẹ thấy con hay bị viêm phổi, ho hen suốt ngày thì cứ nghĩ tại vì gió độc. Mà gió độc thật mà. Cứ để cửa thông thống ra là y như rằng con bị ốm thì mẹ biết làm sao.

Những lời mẹ tôi nói khiến tôi xót xa. Tôi cũng hiểu lòng mẹ tôi rồi. Tôi không gay gắt nữa, tôi nói trong nước mắt:

- Nhưng mà mẹ ơi! Con đi ra ngoài cũng không được, mẹ cứ nhốt con ở trong phòng suốt ngày con ngột ngạt lắm. Mẹ mở cửa cho con một tý là được.

Tôi vừa khóc vừa năn nỉ mẹ. Mẹ tôi ý chừng cũng nguôi nguôi. Hôm sau, đưa tôi về nhà, mẹ mở cửa cho tôi nhưng dỗ dành:

- Mẹ không khoá cửa nữa. Mỗi ngày con khoẻ thì mở ra một chút thôi vậy. Với lại chiều đến người ta đốt nhựa thì đóng cửa vào.

Tôi nghe lời mẹ. Nằm im trong phòng.

Mấy hôm sau, nhà tôi có tiếng người ra người vào xôn xao. Rồi đột nhiên, tôi nghe tiếng mẹ tôi:

- Các ông bà vào đây mà xem. Phải con các ông các bà có xót không? Nó suốt ngày ở trong nhà, ốm đau liên miên, đi viện liên miên vì viêm phổi đấy. Đây, bệnh án đây, người đây.

Rồi có tiếng người xì xào, láo nháo một lúc lâu. Họ đi rồi mẹ tôi mới kể cho tôi nghe. Mẹ tôi làm đơn lên xã kiến nghị mấy nhà làm nhựa ở làng tôi. Xã người ta yêu cầu họ phải di dời xưởng, thế là họ kéo đến nhà tôi gây sự. Thực ra xóm tôi cũng đồng tình với mẹ tôi nhưng người ta ngại không dám động chạm đến nhà giầu. Mẹ tôi tiên phong làm đơn, họ liền kí. Hôm nay, người ta vào làm việc rồi. Ôi! Mẹ! Tôi không biết nói câu gì, chỉ biết ôm mẹ khóc. Tôi không ngờ, mẹ tôi nói ít làm nhiều. Mẹ yêu tôi nhiều đến vậy. Chỉ là mẹ ngày thường không nói giống như lòng mẹ nghĩ.

Và từ đó, khung cửa sổ nơi tôi ngồi không còn phải khép nữa. Gió lại về với tôi kể tôi nghe bao điều về cuộc sống…

Bài dự thi giải triển vọng Cây bút tuổi hồng

TẤM CÁM CHUYỆN CHƯA KỂ

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, cô chị tên là Tấm còn cô em tên Cám. Một hôm nọ, bà mẹ kế ác độc sai hai đứa con ra đồng xúc tép. Ra đồng, Tấm chăm chỉ làm việc nên chẳng bao lâu đã đầy một giỏ còn Cám lại mải chơi nên chưa bắt được con tép nào. Thấy vậy, Cám liền lừa chị hụp sâu gội đầu lấm bùn để rồi trút hết tép tôm trong giỏ của Tấm chạy về nhà. Sau khi lên bờ, phát hiện ra chiếc giỏ đầy tôm cá của mình trống không nên Tấm buồn bã khóc lóc thảm thiết. Nghe thấy tiếng khóc của Tấm, Bụt hiện lên và bảo Tấm hãy thả con cá bống duy nhất sót lại trong giỏ vào cái giếng sâu sau nhà.

Thế rồi, hàng ngày Tấm theo lời chỉ dạy của Bụt mà nuôi con cá bống trong cái giếng đó. Nhưng trong một lần Tấm đi chăn trâu ở làng bên kia, hai mẹ con Cám ở nhà theo thói cũ mà thoải mái ăn uống đến nỗi đầy tràn cả xô rác trong nhà. Bà mẹ kế liền sai Cám đi đổ rác: “Rác đầy tràn ra bốc mùi ghê quá! Con gái cưng của mẹ chịu khó đi ra đầu làng đổ cho mẹ nhé!”.

- Không, con không chịu đâu, mẹ đợi chị Tấm về rồi mà sai chị ấy đi đổ rác. Cám nũng nịu.

Thấy đứa con gái của mình không chịu đi, bà mẹ kế đành dỗ ngọt con gái mình rằng nếu Cám đi đổ rác sẽ cho đi chơi hội thì nó mới chịu đi. Tuy vậy, vừa đi Cám vừa cằn nhằn: “Thối quá! Sao mình lại phải xách cái thứ hôi hám này ra tận đầu làng chứ”. Thế là Cám đi ra sau nhà và đổ hết chỗ rác đó xuống giếng sâu có con cá bống nhỏ của Tấm. Đến mãi trưa chặt, chú cá bống nhỏ không chịu được ngoi lên mặt giếng. Cám đi ngang qua thấy thế hét lớn gọi mẹ: “Mẹ ơi… mẹ ơi có con cá bống ai thả trong giếng nhà mình này”. Bà mẹ ghẻ chạy ra ngay và bắt con cá bống tội nghiệp vào bếp nấu ăn. Cám reo hò vui sướng: “Ngon quá, trưa nay mẹ con ta sẽ có một nồi canh chua thật ngon!” Hai mẹ con họ lại ăn uống no say mà chẳng màng đến hậu quả sau đó.

Cuối buổi chiều muộn, Tấm mới dắt trâu về đến nhà. Vừa buộc trâu vào chuồng, Tấm liền cầm nắm xôi dành lại lúc trưa để về cho bống ăn. Nhưng quái lạ, hôm nay gọi mãi chẳng thấy bống lên mà cái giếng trong sạch bao lâu nay giờ lại hôi thối, đầy rác bẩn. Thế là Tấm lại khóc và lần này, Bụt vẫn hiện lên an ủi và đưa ra lời khuyên cho Tấm. Bụt nói cá bống đã bị nhiễm các chất độc hại trong rác thải mà hai mẹ con Cám đổ xuống và họ lại ăn cá bống nên mới phải nhập viện rồi. Nghe đến đây, Tấm thút thít hỏi Bụt: “Bụt ơi, vậy giờ con phải làm sao ạ?” Bụt từ tốn đáp:

- Trước tiên con hãy dọn sạch chỗ rác bẩn trong giếng này, sau đó con đi tuyên truyền cho mọi người trong làng xóm và hai mẹ con Cám về tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và khuyên họ thường xuyên dọn dẹp môi trường sống của mình, có ý thức trong việc vứt rác đúng chỗ để tránh gây ra những trường hợp nguy hiểm như Cám.

Nói xong, Bụt liên biến mất và để lại cho Tấm những lời khuyên thật hữu ích. Không dám trái lời Bụt, Tấm ngay sau đó đã vớt sạch những rác thải bẩn trong giếng. Mỗi lần đi chợ gặp ai, Tấm cũng vui vẻ tuyên truyền cho mọi người trong làng điều Bụt dặn. Từ đó mà ngôi làng Tấm sống luôn có những nguồn nước trong sạch lấy từ giếng, từ ao hồ và cả dòng suối sau dãy núi cao.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm