Văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ bảy chữ (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 8

Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ bảy chữ là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích.

Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ bảy chữ
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ bảy chữ

Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu gồm 2 đoạn văn mẫu, bạn đọc hãy cùng theo dõi chi tiết ngay sau đây.

Ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ bảy chữ

Đoạn văn mẫu số 1

Một trong những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mà tôi cảm thấy yêu thích nhất phải kể đến “Qua đèo Ngang”. Bài thơ đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc. Khi tác giả bước tới đèo Ngang cũng là lúc “bóng xế tà” - gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Thiên nhiên nơi đèo Ngang trần đầy sức sống: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Có thể thấy khung cảnh đèo Ngang được khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động. Và trong nền bức tranh thiên nhiên đó, con người lại xuất hiện. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Ở đây, nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Sau đó, nhà thơ đã gửi gắm tâm trạng của mình khi đứng trước khung cảnh đèo Ngang . Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” phải chăng còn bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương? Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ. Cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Như vậy, Qua Đèo Ngang đã giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về tình yêu quê hương, đất nước của Bà Huyện Thanh Quan.

Đoạn văn mẫu số 2

Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ là một bài thơ hay viết về quê hương và người mẹ. Mở đầu bài thơ là tiếng gọi “u tôi” vang lên với cảm xúc yêu thương, trân trọng. Tiếp đến, nhân vật “tôi” kể lại kỉ niệm vào mỗi mùa xuân được mẹ dắt về thăm quê ngoại. Con đường về quê đã in sâu vào tâm trí của “tôi” với những hình ảnh thật thân thuộc. Đó là dặm liễu, rặng đề nơi ven đường mà tôi đi qua. Trên bầu trời, áng mây trắng ngần. Còn phía xa, dòng sông trắng lượn ven đê. Cồn xanh, bãi mía bạt ngàn có người đang xới cà ngô rộn bộn bề. Nhưng có lẽ in đậm trong tâm trí của “tôi” chính là hình ảnh của “u tôi”. Dù người đã đứng tuổi nhưng vẫn không khác gì thời con gái. Hình ảnh của u hiện lên toát lên vẻ hiền thục, dịu dàng với thúng cắp bên hông, đầu đội nón lá, đeo khuyên vàng, mặc yếm thắm, áo the nâu. Tuổi tác cũng không thể làm mất đi nét hồng hào ở u với mắt sáng, môi hồng, má đỏ au. Nhớ về hình ảnh đó, “tôi” càng thêm buồn bã, xót xa trước hiện thực, phải trở về thăm quê một mình. Và dưới gió chiều bụi mịt mù, bóng lưng chăm chỉ làm tác giả phân vân không biết là của mẹ hay của thiếu nữ nào. Trên con đường về quê, “tôi” gặp lại những người quen, được nghe lời khen về u mà lòng thấy hãnh diện vô cùng. Bài thơ đã thể hiện được tấm lòng yêu thương tha thiết với quê hương, người mẹ.

Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 8
Sắp xếp theo
👨
    Xem thêm
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm