Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất Tuyển tập văn mẫu lớp 6

Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất

Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 6 gồm nhiều đề bài với các chủ đề khác nhau, từ những đề bài đơn giản đến những đề bài có yêu cầu khó hơn, cao hơn. Nhìn chung đây là những bài văn chuẩn về ngữ pháp cũng như có sự sáng tạo và chọn lọc trong nội dung. Mời quý phụ huynh và các em học sinh cùng tải về trọn bộ tài liệu để tham khảo nhé!

Đề bài: Em hãy tả hình dáng và hoạt động của con mèo nhà em (hoặc con mèo em thường thấy ở nhà bạn em).

Bài làm 1

“Meo… meo”. Con mèo cọ vào chân em đòi bế. Em học bài cũng vừa xong nên cúi xuống chơi với chú. Miu khá lớn rồi mà ưa làm nũng. Nó tên là Miu vì bà em gọi như vậy.

Chú Miu nhỏ trắng như bông. Toàn thân nó mềm mại. Cái đuôi dài cũng mềm mại, chót đuôi có túm lông màu nâu. Cặp mắt nó lúc mở to thì tròn xoe, xanh biếc. Em vuốt ve cái đầu tròn nhỏ êm như nhung của nó. Chú Miu lim dim mắt, dụi đầu vào tay em. Lúc này, coi bộ nó hiền và rất dễ thương. Khi Miu bước đi thì lại oai ra trò. Nó vươn mình dài, chân bước êm mà dõng dạc từng bước, trông không khác chi một con cọp thu nhỏ. Cái tai nó vểnh vểnh, cái đầu nó nghiêng nghiêng. Thoắt một cái nó đã nhảy lên giường. Con mèo trắng sạch lắm. Nó thường nằm trên cái đệm tròn riêng do má em làm cho. Nó nằm ghé cả gối má nữa. Má em yêu và cưng nó lắm, đi chợ không quên mua cá cho nó. Miu được ăn trong cái đĩa nhỏ. Nó thích cơm trộn chút cá. Nó ăn chậm, nhấm và gặm từng chút một chứ không bao giờ ăn phàm như con cún, con heo. Miu cũng có cách làm vệ sinh là ngồi thu mình lại, le lưỡi liếm dần khắp mình. Riêng cái mặt, nó liếm vào chân trước rồi dùng chân xoa mặt. Má em cười: “Đúng là rửa mặt như mèo!”. Cặp mắt Miu như màu nước biển. Trong bóng tối, có vật gì xuất hiện ở góc nào nó đều phát hiện ra ngay. Người ta thường nói đôi mắt mèo luôn phát ra tia hồng ngoại có thể nhìn thấy rõ trong bóng đêm dày đặc. Có lẽ mèo có tia ấy thật. Thảo nào nó bắt chuột ban đêm giỏi đến thế! Cái mũi Miu thì nhỏ xíu, phơn phớt màu hồng phấn, lúc nào cũng ươn ướt. Hai bên mép là bộ ria trắng như cước vểnh lên mỗi khi đánh hơi thấy con mồi. Những lúc đòi ăn, chú kêu “meo… meo” hiền lành, để lộ hai hàm răng đều và trắng muốt. Thân hình chú dài nhưng rất thon thả. Mỗi khi chú vươn vai, cái đuôi cong lên uốn lượn như một dấu ngã. Mùa đông tới, mèo ta yên tâm với bộ lông dày ấm áp và luôn hãnh diện như lúc nào cùng được mặc áo mới. Đôi khi chú cũng nũng nịu đòi ngồi vào lòng em. Bốn chân chú thon thả trông có vẻ “liễu yếu” lắm nhưng kì thực vô cùng lanh lẹ.

Bàn chân phía dưới có nệm thịt dày màu hồng nhạt giúp chú đi lại nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động. Ngón chân có móng dài và sắc ngọt. Những lúc vui, chú cào cào vào người em, cảm giác nhồn nhột. Những cái vuốt sắc nhọn ấy, chính là thứ vũ khí lợi hại nhất mà lũ chuột phải kinh hoàng bạt vía mỗi khi thấy bóng dáng chú xuất hiện. Ban ngày chú như một cậu ấm hiền lành và thích nhõng nhẽo. Nhưng khi đêm đến, chú như một chiến sĩ trinh sát lành nghề, nhanh nhẹn và hoạt bát vô cùng. Chú thường đi vòng quanh nhà rồi dừng lại ở những điểm mà chú nghi là lũ chuột thường hay thăm viếng như thùng gạo, gạc măng giê… Chú nấp vào chỗ kín, im lặng chờ đợi. Chỉ cần một chú chuột nào đó xuất hiện thì mèo ta bằng một cú nhảy điêu luyện, bung người lên, vồ chính xác con mồi, và rất ít khi vồ hụt. Những cái vuốt sắc nhọn, chặn lấy cổ đối phương, cái miệng quặp lấy cái đầu quật lia lịa xuống nền nhà. Chỉ một loáng sau, con mồi tắt thở. Mỗi lần chú bắt được một con chuột, em đều động viên chú bằng những cái vuốt ve âu yếm.

Từ khi Miu về, nó kêu “meo… meo” làm mấy chú chuột khiếp vía biến đi đâu hết cả. Miu thường rình chuột vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Không có chuột, nó vồ gián. Một con gián chạy trên sàn nhà, Miu phóng theo. Nó giỡn, lấy chân đập đập rồi vờn con gián như một cầu thủ giỡn trái banh. Đêm em đi ngủ, Miu vẫn thức “tuần tra” trong nhà. Nó rất giỏi, tối thế mà nó không hề va đụng vào vật gi. Bình bông, ống tăm, bộ li, chậu kiểng không bao giờ nó đụng phải. Mắt mèo ban đêm tinh tường lắm. Bàn chân Miu đi lại cũng hết sức nhẹ nhàng uyển chuyển, không hề gây tiếng động. Thỉnh thoảng, con Cún hay bắt nạt Miu. Nó cong đuôi nhảy phóc lên giường, đứng thủ thế. Em phải xua Cún đi.

Mèo và chó, cả hai con vật này em đều thích. Khi em đi học về, con Cún vẫy đuôi mừng rỡ từ ngoài cổng. Khi em bước chân vào nhà, Miu nhảy tới cong đuôi lên quấn sát vào ống quần em. Có hai bạn nhỏ làm ban như thế nghĩ cũng thích thật phải không các bạn?

Bài làm 2

Ai cũng khen con mèo nhà em đẹp quý phái. Đó là con mèo có bộ lông ba sắc màu mà người ta gọi là “mèo tam thể”. Kể từ ngày ba xin về đến nay, chị đã được một năm tuổi.

Hôm ba mới đưa về, chị chỉ bằng quả dưa chuột lớn. Mỗi bữa chị ăn qua loa vài hạt cơm và một miếng cá hoặc thịt nhỏ rồi tìm chỗ ấm leo lên nằm. Có lần, chị ốm hai ngày liền, không một hạt cơm vào bụng. Người mềm nhũn, bước đi không vững. Em phải liên tục mớm cơm cho chị. Những tưởng chị sẽ ra đi vĩnh viễn. Thế mà giờ đây chị đã trở thành một thiếu nữ khỏe khoắn, xinh xắn kiêu sa. Bộ lông ba sắc màu: vàng, đen, trắng xen kẽ nhau mượt mà và nhuyễn như sợi tơ nhuộm màu, đem lại cho chị một bộ y phục đỏm dáng. Cái đầu thì tròn tròn bằng nắm tay người lớn được điểm sáng bằng cái mũi nhỏ nhỏ xinh xinh với hai cái lỗ ươn ướt màu hồng nhạt. Hai bên khóe miệng những sợi râu mép trắng như cước lúc nào cũng cử động liên tục. Cái miệng xinh xinh được viền bằng một nét kẻ màu hồng phấn, cứ tưởng chị ta vừa mới trang điểm chuẩn bị cho một cuộc “khiêu vũ” đâu đó. Cái đuôi ước chừng độ hai gang tay của em, tròn lẳn với ba sắc quấn tròn. Lúc thì cuộn hình xoáy trôn ốc, lúc thì duỗi thẳng lúc lại ngoe nguẩy trông đến là ngộ. Bộ móng vuốt của chị thì thật lợi hại, vừa cong vừa nhọn như một lưỡi dao quắm và sắc bén chẳng khác gì lưỡi dao bào. Đó là thứ vũ khí mà kẻ thù của chị phải nhiều phen bạt vía kinh hoàng mỗi lần đụng độ với chị.

Chị rất thích vuốt ve, chiều chuông. Lần nào cũng vậy, hễ thấy em ngồi vào bàn hộc là y như rằng mấy phút sau, đã thấy chị lững thững bước thẹo vào, nhẹ nhàng nhảy tót lên bàn, chui vào lòng em. Chị quẹt cái mũi ươn ướt vào bàn tay em ra chiều nũng nịu. Những lúc như thế, em không thể không dành ít phút mơn trớn, vỗ về, vuốt ve, tâm tình với chị.

Những ngày nắng ấm, chị thường hay ra sân nằm cạnh gốc cau, phưỡn cái bụng trắng hồng ra đón nắng. Đôi mắt lúc nào cũng có vẻ lim dim ngắm nhìn những tàu cao đung đưa giữa vòm trời trong xanh lồng lộng, đếm từng cánh hoa cau lả tả rụng trắng cả sân nhà trong một cảm giác thích thú biếm có. Thỉnh thoảng, chị cũng hay đùa nghịch với chú cún con. Vật lộn đuổi bắt chán, chị lại phóng mình bám vào cây cau, thoăn thoắt trèo. Nhoáng một cái đã thấy chị ở tít trên ngọn cau, ngoái đầu nhìn chú cún con đứng tưng hửng dưới gốc, léo nhéo kêu.

Ban ngày thì vậy, ban đêm chị tỏ ra chăm chỉ và cần mẫn làm việc lắm. Không có một xó xỉnh nào trong nhà mà chị không lùng sục. Đặc biệt là những chỗ chị nghi là có lũ chuột thường hay qua lại. Đôi mắt của chị trong đêm tối luôn nhìn xuyên thấu bức màn đêm. Bởi yvậy mà những chú chuột nhắt, chuột đồng, chuộc cống bẩn thỉu mò mẫm đi ăn đêm đều không thoát khỏi đôi mắt tinh anh của chị. Nhìn tư thế ngồi rình chuột hay những lúc tiếp cận đối phương mới thấy hết tài năng của chị, y như một “chiến sĩ biệt động nhà” vậy. Các bàn chân của chị đều được trang bị một lớp “nệm mút” dày và ềm, nên mọi hoạt động chạy, nhảy leo trèo… đều không gây ra một tiếng động nhỏ. Khác với vẻ lù khù, chậm chạp thường thấy, mỗi lần chị phát hiện ra kẻ thù, mọi hoạt động của chị trở nên nhanh nhẹn một cách kì lạ. Một lần em chứng kiến chị giao tranh với một chú chuột cống ngay cạnh hồ nước vào lúc chập choạng tối. Vừa nghe tiếng lục cục ở dưới bếp, đang nằm khoanh tròn trên ghế đẩu, chị bật dậy như một cái lò xo, phóng nhanh xuống. Chú chuột vội vàng tuôn vách cửa, chạy bán sống bán chết về hướng bể nước. Nhanh như một ánh chớp, chị khẽ nhún mình, vút một cái đón đầu đường chạy của chuột. Vừa mới quảy mình trở lại để tẩu thóat thì đằng sau, nghe đánh soạt một cái chuột ta đã thấy toàn bộ thân mình của chị mèo đè gọn lên. Một chân chị chặn lấy cổ họng, chân kia xỉa lia lịa những cú đòn hiểm hóc vào mắt, mũi, má chú chuột cống bằng những cái vuốt sắc ngọt. Chỉ khoảng ba mươi giây sau em đã thấy hai mắt chú chuột cống lòi ra ngoài. Lúc này, chị dùng miệng quặp vào cổ quật lia lịa xuống nền xi măng bể nước. Khi biết chắc đối phương không thở nữa, chị mới nhả ra, đứng nhìn kẻ bại trận trong một niềm kiêu hãnh.

Từ ngày có chị, lũ chuột bẩn thỉu hôi hám chẳng bao giờ dám bén mảng đến. Cả nhà ai cũng cưng chị, quý chị. Với em, chị luôn là người gần gũi, đáng yêu, cùng em vui chơi trong những lúc ba mẹ đi vắng.

Đề bài: Viết một bài văn thuật lại tâm trạng của người anh trong truyện Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh, khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái.

Sau khi Kiều Phương tham gia trại thi vẽ quốc tế trở về, bố mẹ tôi vui lắm vì bức tranh của nó được trao giải nhất. Kiều Phương muốn tôi cùng đi nhận giải trong ngày lễ phát thưởng. Tuy trong lòng không vui nhưng tôi vẫn phải cùng bố mẹ dự triển lãm tranh thiếu nhi. Người xem đông lắm. Bố mẹ kéo tay tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương được đóng khung, lồng kính treo ở một vị trí trang trọng. Dưới bức tranh có hàng chữ đề: Giải nhất – Kiều Phương – 8 tuổi. Bức tranh vẽ một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa.

Khi nghe mẹ thì thầm hỏi: Con có nhận ra con không? thì tôi giật sững người và chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Một cảm xúc khó tả dâng lên trong lòng tôi. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng. Chú bé trong tranh kia là tôi đấy ư? Có lẽ nào như vậy được? Hóa ra những lần “Mèo” (biệt danh của em gái tôi) xét nét khiến tôi bực mình, khó chịu chính là những lúc em quan sát thật kĩ để vẽ chân dung tôi. Em đã có chủ ý chọn tôi làm đề tài cho bức tranh của nó từ trước lúc đi thi. Vậy mà vì thói ghen tị xâu xa, tôi đã không nhận ra thiện ý ấy của nó. “Mèo” yêu quý tôi thực sự nên nó phát hiện ra những nét đẹp ẩn giấu dưới vẻ mặt “khó ưa” của tôi để thể hiện lên tranh, biến tôi thành chú bé suy tư và mơ mộng. Ôi! Em gái tôi có tấm lòng vị tha và nhân hậu đáng quý biết chừng nào!

Ngắm kĩ bức tranh, tôi thấy em gái tôi quả là có tài năng thật sự. Nét vẽ của nó linh hoạt và sinh động. Đôi mắt của chú bé trong tranh rất có thần, phản ánh được trạng thái tâm hồn nhân vật. Phải, tôi vốn hay suy tư và mơ mộng nhưng sự đố kị đã biến tôi thành kẻ nhỏ nhen đáng ghét. Tôi xấu hổ vì cảm thấy nhỏ bé đến tội nghiệp trước đứa em gái bé bỏng. Tôi nhủ thầm hãy vượt khỏi mặc cảm tự ti, hãy đánh giá lại mình một cách khách quan để tìm ra mặt mạnh, mặt yếu. Từ đó cố gắng phấn đấu để trở thành một người anh trai xứng đáng với cô em gái tài hoa.

Đề bài: Em hãy viết bài văn phát biểu cảm nghĩ của em khi đọc Sự tích bánh trưng bánh dày.

Trên thế giới, mỗi dân tộc đón Tết cổ truyền theo một phong tục khác nhau. Ở nước ta, từ ngàn xưa đã có tục cúng Tết bằng bánh chưng, bánh giầy. Truyện sự tích bánh chưng, bánh giầy vừa giải thích nguồn gốc của hai loại bánh này vừa phản ánh thành tựu của nền văn minh nông nghiệp buổi đầu dựng nước với thái độ đề, cao lao động, đề cao nghề nông và thể hiện sự tôn kính trời, đất, tổ tiên của nhân dân ta. Truyện còn là bài học quý về cách lựa chọn và sử dụng người có tài, có đức để trị vì đất nước.

Bối cảnh của truyện là đời Hùng Vương thứ sáu. Khi đã về già, nhà vua muốn truyền ngôi nhưng vì có tới hai mươi người con trai nên băn khoăn không biết chọn ai cho xứng đáng. Lúc ấy, giặc ngoài đã dẹp yên, nhưng giặc trong vẫn còn phải đề phòng. Nhà vua muốn đưa đất nước đến giai đoạn thịnh vượng, ông biết rằng dân ấm no thì ngai vàng mới vững. Hiềm một nỗi, nhà vua tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm.

Một hôm, ông gọi các con lại và nói: Tổ tiên ta từ khi dựng nước đã truyền được sáu đời. Giặc Ân nhiều lần xâm chiếm bờ cõi, nhờ phúc ấm Tiên Vương, ta đều đánh đuổi được, thiên hạ hưởng thái bình. Nhưng ta già rồi, không sống mãi ở đời, người nối ngôi ta phải nối chí ta, không nhất thiết là con trưởng. Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên Vương chứng giám.

Các Lang (con trai vua Hùng thời ấy gọi là Lang), ai cũng muốn ngôi báu về mình nhưng họ không thể hiểu nổi ý tứ sâu xa của vua cha. Họ chi nghĩ đơn giản là cứ chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy, lễ vật ngon lạ… là đủ, cho nên vội sai người đi tìm của quý khắp trên rừng, dưới biển.

Riêng Lang Liêu – con trai thứ mười tám của vua Hùng đã được một vị Thần giúp đỡ, bởi vì chàng vốn chịu thiệt thòi so với các anh, không được hưởng giàu sang phú quý. Từ nhỏ, chàng đã phải chăm lo công việc đồng áng, trồng lúa, trông khoai. Lang Liêu tuy thân là con vua nhưng phận thì lại giống người nông dân lao động. Chàng buồn vì trong nhà chỉ có khoai và lúa. Nhưng khoai lúa tầm thường quá. Chàng tủi thân nghĩ thầm như vậy.

Theo quan niệm của tổ tiên chúng cha ta ngày xưa thì Thần, Phật, Tiên Bụt thường hay giúp đỡ người hiền lành, nghèo khó. Lang Liêu không có quyền thế, của cải gì, lại chẳng có kẻ ăn người ở để sai khiến đi tìm của ngon vật lạ. Chàng chi có tấm lòng yêu kính vua và đôi tay làm lụng chuyên cần. Chàng đã được Thần Phật giúp đỡ.

Lang Liêu được Thần báo mộng, dạy rằng hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương, bởi trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo. Hạt gạo nuôi sống con người, Hạt gạo quý giá như vậy và nó lại dễ kiếm bởi nó được làm ra do chính bàn tay lao động của con người.

Lang Liêu hiểu và làm theo ý Thần. Lời khuyên của Thần thật sáng suốt, chân tình. Càng nghĩ Lang Liêu càng thấy đúng. Suy nghĩ của Thần chính là suy nghĩ, tâm tư, ước vọng của nhân dân. Thần đây chính là hiện thân của nhân dân. Ai có thể trân trọng coi hạt gạo là hạt ngọc của tròi đất và cũng là kết quả mồ hôi, công sức của con người như nhân dân?, Nhân dân rất quý trọng cái nuôi sống mình, cái mình làm ra được. Phải là những người một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi đời mới có suy nghĩ sâu sắc và đáng quý như vậy. Lang Liêu dâng lên vua cha phẩm vật quý nhất trong trời đất, lại do chính tay mình làm ra thì quả thật chàng là người con hiếu thảo.

Được thần linh mách bảo, kết hợp với tấm lòng thành, óc sáng tạo và đôi tay khéo léo, Lang Liêu đã dùng thử gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, cùng với đậu xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong, buộc bằng lạt giang thành một thứ bánh hình vuông rồi đem nấu chín.

Vậy là chàng không phải mất công tìm kiếm đâu xa. Gạo, đậu do chàng trồng, lợn chàng nuôi, lá dong mọc sẵn trong vườn, ngoài bãi. Ngần ấy thứ kết hợp với nhau thành thứ bánh đặc biệt xưa nay chưa từng có. Và cũng gạo nếp ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn rồi nặn thành thứ bánh hình tròn. Đó là bánh giầy.

Thật thú vị là cảnh thi cỗ trong ngày cúng Tiên Vương. Các con trai của vua Hùng mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng (cách gọi các sản vật quý hiếm) tới, chẳng thiếu thứ gì. Thế nhưng vua cha chỉ xem qua một lượt rồi dừng lại trước mâm cỗ của Lang Liêu. Điều gì đã cuốn hút nhà vua quan tâm tới hai thứ bánh ấy? Có lẽ trước tiên là hình dáng vuông vức của bánh chưng và hình dáng tròn trịa của bánh giày cùng vẻ đẹp mộc mạc, ưa nhìn của chúng. Bánh chưng xanh, bánh giầy trắng muốt, mịn màng. Hùng Vương rất vừa ý, bèn gọi Lang Liêu lên hỏi. Chàng thật tình đem chuyện giấc mộng gặp Thần ra kể lại. Vua cha ngẫm nghĩ rất lâu rồi chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời Đất và Tiên Vương.

Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu lại được Hùng Vương lựa chọn và chàng được nối ngôi vua?

Bởi vì hai thứ bánh đó thể hiện thái độ quý trọng nghề nông, quý trọng hạt gạo do chính con người làm ra.

Hùng Vương chắc đã cảm nhận được tính chất thiêng liêng trong câu chuyện Thần báo mộng kia. Lời Thần dạy quả không sai: Trong trời đất, hạt gạo là quý nhất. Hạt gạo nuôi sống con người, dân có ấm no thì ngai vàng mới vững. Lang Liêu biết quý lao động, quý thành quả làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình.

Sau khi thưởng thức hai thứ bánh của Lang Liêu, nhà vua và quần thần ai cũng tấm tắc khen ngon. Lời giải thích của nhà vua về hai thứ bánh này thật có lí có tình: Bánh hình tròn là tượng Trời, ta đặt tên là bánh giầy. Bánh hình vuông là tượng Đất, các thứ thịt mờ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài, ta đặt tên là bánh chưng. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau…

Hai thứ bánh này chứng tỏ được tài đức của người có thể nối chí nhà vua. Đem cái quý nhất trong trời đất, lại do tay mình làm ra dâng lên vua cha để tiến cúng Trời Đất cùng các bậc Tiên Vương thì Lang Liêu quả là người con tài năng, thông minh, hiếu thảo. Vua Hùng phán rằng: Lang Liêu đã dâng lễ vật hợp với ý ta. Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên Vương chứng giám.

Lang Liêu là người tốt, có đủ tài trí để chăm lo cho muôn dân và nối chí vua cha. Trao ngôi báu cho Lang Liêu là thuận ý trời, hợp ý Hùng Vương.

Sự tích bảnh chưng, bánh giầy đã đi vào phong tục ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt. Nhân dân ta đã xây dựng nên phong tục từ những cái bình thường giản dị nhưng rất giàu ý nghĩa. Chiều 30, tiếng chày giã bánh giầy vang khắp xóm thôn. Đầm ấm biết bao là cảnh cả nhà náo nức vây quanh ngọn lửa hồng nấu bánh chưng xanh. Trên bàn thờ tổ tiên phải bày vài cặp bánh chưng và mâm bánh giầy thì mới là Tết.

Sự tích bánh chưng, bánh giầy nằm trong mảng cổ tích giải thích nguồn gốc sự vật xuất hiện sau thời kì vua Hùng dựng nước. Sự tích trầu cau giải thích tục ăn trầu. Sự tích dưa hấu giải thích nguồn gốc dưa hấu… Đằng sau cách giải thích thú vị về nguồn gốc bánh chưng bánh giầy là hiện thực cuộc sống của tổ tiên dân tộc Việt! một dân tộc có nền văn minh lúa nước lâu đời. Thuở ấy, dân ta đã có kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các món ăn đặc biệt vừa ngon lành, vừa giàu ý nghĩa.

Truyện còn là bài học sâu sắc về cách lựa chọn người có đức có tài để trị vì đất nước, chăm sóc muôn dân. Vì thế, tuy ra đời cách đây đã hàng ngàn năm mà cho đến nay, truyện vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó.

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm