Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Quy định mới về đánh giá học sinh Tiểu học

Từ ngày 20/10/2020, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 04/09 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về đánh giá học sinh tiểu học và có rất nhiều điểm mới so với Thông tư 22.

Trong đó, quy định đề kiểm tra định kỳ của học sinh tiểu học được thiết kế phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập theo các mức:

  • Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
  • Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
  • Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 27/2020/TT-BGDĐTHà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2020

THÔNG TƯ 27/2020/TT-BGDĐT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ HỌC SINH TIỂU HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH12 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/NQ14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Điều 2. Quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:

1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.

3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.

4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.

5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2020 và thay thế Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng cho đến khi các quy định tại Điều 2 của Thông tư này được thực hiện.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Hội đồng quốc gia giáo dục;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Như Điều 4 (để thực hiện);
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT BGDĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Độ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

QUY ĐỊNH
Đánh giá học sinh tiểu học

(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về đánh giá học sinh tiểu học bao gồm: tổ chức đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá; tổ chức thực hiện.

2. Văn bản này áp dụng đối với trường tiểu học; trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục tiểu học.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đánh giá học sinh tiểu học là quá trình thu thập, xử lý thông tin thông qua các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; diễn giải thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.

2. Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh, để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

3. Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

4. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục là việc tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp và Học bạ vào các thời điểm theo quy định.

Điều 3. Mục đích đánh giá

Mục đích đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể như sau:

1. Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục trong quá trình dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh nhằm động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

2. Giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.

3. Giúp cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.

4. Giúp cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.

5. Giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.

Điều 4. Yêu cầu đánh giá

1. Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

2. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

3. Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Chương II.

TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ

Điều 5. Nội dung và phương pháp đánh giá

1. Nội dung đánh giá

a) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:

- Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

- Những năng lực cốt lõi:

+) Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;

+) Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

2. Phương pháp đánh giá

Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:

a) Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

b) Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

c) Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi-đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

d) Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

Điều 6. Đánh giá thường xuyên

1. Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

b) Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn.

c) Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

2. Đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học sinh; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

b) Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi để hoàn thiện bản thân.

c) Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.

Điều 7. Đánh giá định kỳ

1. Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

b) Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ;

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

c) Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

d) Bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

2. Đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua các nhận xét, các biểu hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh, đánh giá theo các mức sau:

a) Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

b) Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

c) Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Điều 8. Đánh giá học sinh ở trường, lớp dành cho người khuyết tật

1. Học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hoà nhập tùy theo dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, được đánh giá như đối với học sinh không khuyết tật, có điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

2. Học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục chuyên biệt được đánh giá theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

3. Đối với học sinh học ở các lớp dành cho người khuyết tật: giáo viên đánh giá học sinh căn cứ vào nhận xét, đánh giá thường xuyên qua các buổi học tại lớp dành cho người khuyết tật và kết quả đánh giá định kỳ môn Toán, môn Tiếng Việt được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

Điều 9. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục

1. Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học:

a) Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về môn học, hoạt động giáo dục để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của từng học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

b) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

2. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:

a) Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

- Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

- Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

b) Ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá giáo dục và các thành tích của học sinh được khen thưởng trong năm học vào Học bạ.

Điều 10. Hồ sơ đánh giá

1. Hồ sơ đánh giá là minh chứng cho quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh; là thông tin để tăng cường sự phối hợp giáo dục học sinh giữa giáo viên, nhà trường với cha mẹ học sinh.

2. Hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh gồm Học bạ (theo Phụ lục 1 được đính kèm) và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp (theo Phụ lục 2 được đính kèm).

a) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu trữ tại nhà trường theo quy định.

b) Học bạ được nhà trường lưu trữ trong suốt thời gian học sinh học tại trường, được giao cho học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc chuyển trường.

Chương III.

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

Điều 11. Xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học

1. Xét hoàn thành chương trình lớp học:

a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học là những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục ở một trong ba mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành.

b) Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

c) Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để tổ chức kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.

2. Xét hoàn thành chương trình tiểu học:

Học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được xác nhận và ghi vào Học bạ: Hoàn thành chương trình tiểu học.

Điều 12. Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh

1. Nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan và trách nhiệm của giáo viên về kết quả đánh giá học sinh; giúp giáo viên nhận học sinh vào năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

2. Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh:

a) Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4: giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên sẽ nhận học sinh vào năm học tiếp theo về những nét nổi bật hoặc hạn chế của học sinh, bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Quy định này.

b) Đối với học sinh lớp 5: tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.

c) Các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cho các khối lớp.

3. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn tổ chức nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương.

Điều 13. Khen thưởng

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sac cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

3. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

Chương IV.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện đánh giá học sinh tiểu học trên địa bàn.

b) Hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá, Học bạ của học sinh trong trường hợp triển khai hồ sơ đánh giá, Học bạ điện tử.

c) Định kỳ mỗi năm một lần, tại thời điểm kết thúc năm học, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện đánh giá học sinh tiểu học về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức thực hiện đánh giá, nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh tiểu học trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định này tại địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm của hiệu trưởng

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền thực hiện đánh giá học sinh theo quy định tại Thông tư này; đảm bảo chất lượng đánh giá; báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Giáo dục và Đào tạo.

2. Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sinh.

3. Chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kỳ; xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh; nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh; xác nhận kết quả đánh giá học sinh cuối năm học; xét lên lớp; quản lý hồ sơ đánh giá học sinh.

4. Giải trình, giải quyết thắc mắc, kiến nghị về đánh giá học sinh trong phạm vi và quyền hạn của hiệu trưởng.

Điều 16. Trách nhiệm của giáo viên

1. Giáo viên chủ nhiệm:

a) Chịu trách nhiệm đánh giá, tổng hợp kết quả giáo dục học sinh trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định; nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh cho lớp học sau.

b) Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và đánh giá kết quả giáo dục của mỗi học sinh.

c) Hướng dẫn học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn. Tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về nội dung và cách thức đánh giá theo Quy định này; phối hợp và hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá.

2. Giáo viên giảng dạy môn học:

a) Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh đối với môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.

b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh thực hiện việc đánh giá học sinh; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh; nghiệm thu kết quả giáo dục học sinh.

c) Huớng dẫn học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn.

3. Giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Điều 17. Quyền và trách nhiệm của học sinh

1. Được đưa ra ý kiến và nhận sự hướng dẫn, giải thích của giáo viên, hiệu trưởng về kết quả đánh giá.

2. Tích cực tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn theo hướng dẫn của giáo viên.

3. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quy định trong Điều lệ trường tiểu học; chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường, tích cực trong học tập và rèn luyện.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Độ

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm