Quyết định 3318/QĐ-BCT Hỗ trợ phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 28/8/2017, Bộ Công thương ban hành Quyết định 3318/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Bộ đề ra những giải pháp, chính sách hỗ trợ trải dài trên nhiều lĩnh vực nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như sau:
- Hoàn thiện chính sách ưu đãi vốn tín dụng ưu tiên cho các đối tượng vay đầu tư vào lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích.
- Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao được hỗ trợ tối đa đến 100% kinh phí nghiên cứu và được vay vốn ưu đãi đến 85% vốn.
- Phát triển hệ thống logistics tầm cỡ quốc tế nhằm giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp.
- Các địa phương công khai khung giá thuê đất và phổ biến các biểu thuế theo lộ trình đã cam kết để nhà đầu tư chủ động lựa chọn và thực hiện kế hoạch kinh doanh.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tăng cường áp dụng hành chính điện tử và giảm các thủ tục không cần thiết.
Quyết định 3318/QĐ-BCT - Phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3318/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung chính như sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển công nghiệp Vùng dựa trên lợi thế so sánh về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực có chất lượng cao; Tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, phát huy vai trò đầu tàu, tạo động lực thị trường cho các vùng khác cùng phát triển;
b) Tăng cường liên kết Vùng nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thúc đẩy hợp tác trong phát triển công nghiệp; Chủ động Hội nhập quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
- Đến năm 2025, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành Vùng công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp Vùng gắn với khoa học công nghệ, sản phẩm công nghiệp của Vùng có chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
- Giai đoạn 2026-2035, các sản phẩm của công nghiệp của Vùng có thương hiệu uy tín, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước phát triển.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 10,5- 11,0%; giai đoạn 2021-2025 đạt 12,5 - 13,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 12,0 - 12,5%.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp và xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8,5-9,0%; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,0-9,5%; giai đoạn 2026-2035 đạt 8,5-9,0%. Trong đó ngành công nghiệp đạt tương ứng các giai đoạn là 9,0-9,5%; 10,5-11,0% và 9,5-10,0%
- Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong các ngành kinh tế năm 2020 đạt 48,5-49,0%, năm 2025 đạt 49,0-49,5% và năm 2035 đạt 46,0-46,5%. Trong đó ngành công nghiệp đạt tương ứng trong các năm là 36,0-36,5%; 34,5-35,0% và 32,0-32,5%.
3. Định hướng phát triển
3.1. Định hướng đến năm 2025
- Tập trung phát triển sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu, đặc trưng cho Vùng để tham gia vào chuỗi xuất khẩu và chuỗi sản xuất trọng điểm của cả nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: khai thác dầu khí, sản xuất thép, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành thu hút nhiều lao động, đặc biệt ở các tỉnh có trình độ phát triển chưa cao: chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da giầy, nhựa. Đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: phần mềm, điện tử công nghiệp và dân dụng; cơ khí chính xác, chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ y tế. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô-xe máy, điện tử tạo ra mạng lưới vệ tinh cung cấp linh, phụ kiện phục vụ các công ty lớn;
- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch; điện tử tin học ở những khu vực có điều kiện. Tiếp tục xúc tiến thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao. Nghiên cứu đề án xây dựng khu dịch vụ kỹ thuật đặt ở ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp ở phía Nam;
- Hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp của Vùng với các địa phương và các Vùng khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp. Tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào liên kết công nghiệp với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới;
- Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ; phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn toàn vùng;
- Hạn chế xây dựng thêm các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở các đô thị lớn. Điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn Vùng, trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên và dư địa của các tỉnh có mật độ sản xuất công nghiệp chưa tập trung cao, phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
3.2. Tầm nhìn đến năm 2035
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao. Công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ cao, các sản phẩm của công nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.
4. Quy hoạch phát triển
4.1. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu
a) Công nghiệp khai khoáng
* Giai đoạn đến năm 2025
- Phát triển ngành công nghiệp khai khoáng trên cơ sở khai thác và sử dụng một cách hợp lý, tổng hợp và tiết kiệm nguồn tài nguyên trong vùng.
- Tích cực, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm đánh giá và thăm dò nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu khí (theo sự chỉ đạo của Chính phủ), khai thác đá vôi xi măng và các khoáng sản khác;
- Đẩy mạnh sản lượng khai thác mỏ để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước với chất lượng và số lượng phù hợp; kết hợp có hiệu quả giữa các công trình lọc, hóa dầu, chế biến khí.
- Khai thác dầu thô và khí đốt thiên nhiên tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Khai thác đá vôi xi măng tập trung chủ yếu tại tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Khai thác đá, cát, sỏi xây dựng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Vùng và một phần cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác sét gạch ngói và cao lanh tại Bình Dương, Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu sản xuất gạch và gốm sứ trong Vùng. Khai thác nước khoáng tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Tầm nhìn đến 2035
- Tiếp tục đầu tư cho công tác thăm dò nâng cấp và mở rộng trữ lượng nhằm đảm bảo tài nguyên đủ tin cậy cho hoạt động của các dự án khai thác các loại khoáng sản trong Vùng.
- Khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng bộ, công nghệ sạch ít gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm chế biến và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến các loại khoáng sản;
- Gắn việc khai thác, chế biến với khâu xử lý triệt để chất thải, hoàn thổ và khôi phục môi trường trong khai thác mỏ.
b) Công nghiệp cơ khí, luyện kim
* Giai đoạn đến năm 2025
- Ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao; đầu tư phát triển các sản phẩm cơ điện tử, kết hợp với đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực và chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, hướng tới trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng.
- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành cơ khí như khâu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo các linh kiện phức tạp, có độ chính xác cao... để thúc đẩy nâng cao năng suất và tăng giá trị tăng thêm của ngành cơ khí, chế tạo. Ngoài ra, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí phục vụ các ngành giao thông, xây dựng, chế biến nông, lâm thủy sản, khai khoáng, môi trường và năng lượng.
- Sản xuất thép tấm cao cấp, thép đặc chủng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Sản xuất cơ khí đóng tàu; chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; máy móc thiết bị ngành dầu khí, phương tiện vận tải và cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
* Tầm nhìn đến 2035
- Đầu tư mới sản xuất phương tiện vận tải, thiết bị định vị kiểm soát hải phận; dự án sản xuất một số phụ tùng thiết bị, máy móc chuyên dụng ngành hàng không dân dụng; ngành khai thác dầu khí và các khoáng sản khác; ngành chăm sóc sức khỏe; ngành giáo dục; ngành du lịch; ngành công nghiệp môi trường; ngành công nghiệp năng lượng và một số ngành khác.
- Đầu tư sản xuất máy công cụ gia công kim loại; sản xuất máy móc thiết bị cho: ngành dệt may - da giầy; sản xuất nông - lâm nghiệp; chế biến thủy hải sản, thực phẩm; ngành y tế, ngành đóng và sửa chữa tàu thủy; lắp ráp ô tô và phương tiện vận tải.
c) Công nghiệp hóa chất
* Giai đoạn đến năm 2025
- Phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cao su, plastic có chọn lọc để giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị tăng thêm và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, đảm bảo sự phân công lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; phát huy tối đa công suất của các doanh nghiệp sản xuất hiện có; Đầu tư phát triển các dự án mới có công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường
- Phát triển tập trung ngành công nghiệp hóa chất trong các khu, cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường. Thực hiện triệt để kế hoạch di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp, kết hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp và đổi mới thiết bị, công nghệ.
- Sản xuất các sản phẩm hóa dầu bố trí trong Tổ hợp hóa dầu miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu); Sản xuất lốp xe tải Radial công suất 1.000.000 lốp/năm tại Bình Dương; Sản xuất sơn gỗ, sơn tĩnh điện, sơn tầu biển chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Sản xuất sản phẩm hóa dược (nguyên liệu cho thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng, vắcxin, hóa mỹ phẩm cao cấp, bao bì sinh học và nhựa công nghiệp).
* Tầm nhìn đến 2035
- Phát huy công suất các nhà máy đã được đầu tư trong giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
- Triển khai một số dự án sản xuất hóa dầu, cao su thành phẩm, chất tẩy rửa, nhiên liệu sinh học; phát triển một số dự án sản xuất liên quan đến chiết xuất dược liệu.
d) Công nghiệp dệt may - da giầy
* Giai đoạn đến năm 2025
- Đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành.
- Phát triển công nghiệp dệt may, da giầy gắn với bảo vệ môi trường và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn.
- Hình thành Trung tâm thiết kế mẫu mốt thời trang tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
* Tầm nhìn đến 2035
- Tiếp tục kêu gọi các dự án và khu công nghiệp hỗ trợ cho ngành may và da giầy nhằm hạn chế nhập khẩu, tăng giá thành sản phẩm.
- Tập trung nguồn lực cho sản xuất hàng xuất khẩu và chú trọng việc phát triển thị trường, đặc biệt quan tâm đến những thị trường nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ và EU.
- Tiếp tục đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu vào các lĩnh vực may mặc, sản xuất giầy và xơ sợi. Đồng thời tập trung duy trì và nâng cao năng lực sản xuất của cơ sở hiện có và từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu.
e) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)
* Giai đoạn đến năm 2025
- Phát triển những chủng loại vật liệu mới, vật liệu có hàm lượng khoa học, công nghệ, tự động hóa cao, vật liệu tiết kiệm năng lượng, xanh, sạch, sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
- Phát triển sản xuất VLXD với quy mô vừa và lớn (trừ một số vật liệu cao cấp có thể có quy mô nhỏ), có kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.