Quyết định 1434/QĐ-TTg Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016- 2020
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành Thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế. Ngày 22/09/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1434/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung Quyết định 1434/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1434/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦY SẢN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình), bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành Thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm đạt 6,0%.
- Tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn.
- Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8 đến 9 tỷ USD.
- Chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh.
- 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC. BAP).
- Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 350.000 tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm khoảng 15.000 tàu.
- Tàu cá khai thác vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường.
- Bảo đảm hoạt động của lực lượng kiểm ngư thực hiện các nhiệm vụ thực thi pháp luật về thủy sản.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng:
Đối tượng của Chương trình này được quy định tại điểm b khoản 3 Mục VI quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009; Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011; Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2015; Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010; Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011; Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2012; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013; các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định và Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ.
2. Phạm vi chương trình:
- Phạm vi chương trình: Các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, chưa cân đối được ngân sách.
3. Thời gian thực hiện chương trình: Giai đoạn 2016 - 2020.
III. NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản:
Nội dung, nhiệm vụ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản và giống thủy sản triển khai theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến 2020 và Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020:
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản hàng hóa, giống các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, ngao): Đầu tư hạ tầng cơ sở nghiên cứu, vùng sản xuất giống tập trung, phát triển đàn tôm bố mẹ, cá tra, rô phi chất lượng kháng bệnh;
- Mở rộng ứng dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) các vùng nuôi thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, có cơ sở hạ tầng đồng bộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải miền Trung với đối tượng nuôi chủ lực (cá tra, tôm lợ, nhuyễn thể, rô phi) để đảm bảo 100% cơ sở nuôi, vùng nuôi các đối tượng chủ lực đạt tiêu chuẩn tiên tiến về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Đầu tư hạ tầng phát triển vùng nuôi biển phù hợp với điều kiện môi trường và kinh tế xã hội ở các vùng ven biển, đảo (tôm hùm, cá biển, nhuyễn thể một hai mảnh vỏ);
- Nâng cao hiệu quả kiểm soát phòng trừ dịch bệnh: Đầu tư hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản (3 trung tâm tại 3 vùng);
- Kiểm soát chất lượng và sử dụng hợp lý thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc hóa chất trong nuôi trồng thủy sản: Đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và khảo nghiệm vật tư, giống thủy sản cho nuôi trồng thủy sản theo yêu cầu thực tiễn, đảm bảo yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm hợp chuẩn, hợp quy để phục vụ quản lý vật tư, giống đưa vào nuôi trồng thủy sản.
2. Đầu tư phát triển khai thác thủy sản:
Nội dung, nhiệm vụ đầu tư phát triển về khai thác hải sản thực hiện theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến 2020 và Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản.
3. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản:
- Đầu tư trang thiết bị, tổ chức điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, dự báo ngư trường có độ tin cậy cao phục vụ ngư dân khai thác hải sản hiệu quả theo Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ;
- Quy hoạch chi tiết, thiết lập, đưa vào vận hành một số khu bảo tồn đã phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 và Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (45 khu bảo tồn vùng nước nội địa, 16 khu bảo tồn biển) để kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn;
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang bị cho lực lượng kiểm ngư theo Đề án tăng cường năng lực lực lượng kiểm ngư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2014.
4. Phát triển chế biến, thương mại thủy sản:
- Phát triển chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguyên liệu là các đối tượng nuôi và khai thác chủ lực có tỷ trọng lớn của Việt Nam;
- Xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh trước mắt là tôm, cá tra, nhuyễn thể, rô phi, cá ngừ đại dương; nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống;
- Kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước;
- Phát triển thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại.
IV. TỔNG VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Tổng vốn thực hiện chương trình: 49.248 tỷ đồng. Trong đó:
1. Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 4.300 tỷ đồng;
2. Vốn ODA: 1.600 tỷ đồng;
3. Vốn huy động hợp pháp khác: 43.348 tỷ đồng.
V. CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
- Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ từ ngân sách trung ương: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư công; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:
+ Trình tự lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án thuộc chương trình thực hiện theo Luật Đầu tư công, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ.
+ Phương thức lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, hàng năm của các dự án thuộc chương trình theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
+ Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; các Nghị định của Chính phủ: số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 quy định về chi tiết hợp đồng xây dựng, số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
+ Giám sát đánh giá đầu tư thực hiện theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ và Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Quản lý dự án ODA thực hiện theo Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
- Quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thực hiện theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
- Vốn vay tín dụng đầu tư, vốn vay thương mại: Thực hiện theo Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Hạn mức vốn vay tín dụng đầu tư theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
- Đối với vốn sự nghiệp: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.