Quy chế phối hợp công tác giữa Ban giám đốc Và Công đoàn

VỀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA BAN GIÁM ĐỐC VÀ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN XYZ

- Căn cứ Luật Công đoàn;

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

- Căn cứ Điều lệ Công ty XYZ

- Tổng Giám đốc Công ty và Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty XYZ nhất trí ký ban hành Quy chế phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác giữa Ban Giám đốc Công ty và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty XYZ như sau.

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản Quy chế này quy định mối quan hệ công tác và phối hợp hoạt động giữa Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty XYZ với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (BCH CĐCS) Công ty XYZ, trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty, phát triển nguồn tài nguyên nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ người lao động trong Công ty nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển của Công ty, từng bước xây dựng Công ty thành một tập đoàn kinh tế tài chính vững mạnh.

Điều 2: Bản Quy chế này xây dựng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đã được quy định trong luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đồng thời dựa trên cơ sở Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Công ty, cụ thể trên các lĩnh vực công tác sau:

- Những lĩnh vực công tác mà BCH CĐCS cùng tham gia với BGĐ Công ty triển khai thực hiện.

- Những lĩnh vực công tác BGĐ Công ty và BCH CĐCS cùng phối hợp tổ chức thực hiện.

- Những lĩnh vực công tác BGĐ Công ty tham gia với BCH CĐCS Công ty triển khai thực hiện.

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. NHỮNG LĨNH VỰC CÔNG TÁC BCH CĐCS CÙNG THAM GIA VỚI BGĐ CÔNG TY ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Điều 3: Khi xây dựng các văn bản pháp qui nội bộ có liên quan tới quyền lợi và trách nhiệm của người lao động, BGĐ Công ty thông báo cho BCH CĐCS được biết nội dung và gửi văn bản dự thảo cho BCH CĐCS Công ty để BCH CĐCS lấy ý kiến tham gia đóng góp của người lao động trước khi Tổng Giám đốc ký ban hành, nhằm đảm bảo thưc hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước, các nghị quyết, quyết định của tổ chức công đoàn cấp trên đồng thời thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của Công ty đã được sự phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông.

Điều 4: Khi xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong Công ty, BGĐ Công ty gửi văn bản dự thảo cho BCH CĐCS để BCH CĐCS lấy ý kiến tham gia của người lao động về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của người lao động trước khi triển khai thực hiện các kế hoạch này.

Điều 5: Trước khi Tổng Giám đốc ký hoặc trình Hội đồng quản trị ký ban hành các văn bản có liên quan đến việc sáp nhập hoặc giải thể các bộ phận công tác nằm trong bộ máy tổ chức của Công ty, cách chức, miễn nhiệm các cán bộ chủ chốt của Công ty hoặc cho người lao động thôi việc Tổng Giám đốc Công ty có thể thông báo cho BCH CĐCS được biết để CĐCS tham gia ý kiến nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động cũng như sắp sếp lại tổ chức Công đoàn cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới.

Điều 6: Với tư cách là một thành viên trong Hội đồng thi đua, khen thưởng của Công ty, Chủ tịch CĐCS được quyền tham gia ý kiến và tham gia biểu quyết trong các cuộc họp xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua và khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích công tác hoặc có những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững và lâu dài của Công ty trước khi trình Tổng Giám đốc, với tư cách Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Điều 7: Với tư cách là một thành viên trong Hội đồng kỷ luật của Công ty, Chủ tịch CĐCS là người thay mặt tập thể người lao động tại Công ty đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động được đưa ra xử lý trước Hội đồng; là người giám sát việc áp dụng, viện dẫn các quy định của luật pháp cùng các quy định trong Nội quy lao động của Công ty trong quá trình xử lý người lao động vi phạm; là người đưa ra các tình tiết có liên quan đến nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người lao động vi phạm để đề nghị Hội đồng xem xét giảm nhẹ trong khi xử lý kỷ luật người lao động.

Điều 8: Là một bên trong Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, những người được BCH CĐCS cử tham gia Hội đồng với tư cách đại diện người lao động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình trong việc hoà giải các tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động như được quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 9: BCH CĐCS cùng tham gia với Ban Giám đốc Công ty trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chánh sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy định, quy chế khác của Công ty.

B. NHỮNG LĨNH VỰC CÔNG TÁC BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY VÀ BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÙNG PHỐI HỢP TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Điều 10: Ban Giám đốc Công ty và BCH CĐCS cùng phối hợp thực hiện các công tác sau đây:

1- Tổ chức các phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng trong CNVC nhằm hưởng ứng các đợt vận động chính trị lớn của Đảng và nhà nước, đồng thời thực hiện có kết quả cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của Công ty đã được sự phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông.

2- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Quy chế này 3- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bộ phận công tác thuộc Công ty trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của CNVC thông qua Đại hội CNVC được tổ chức hàng năm và việc thực hiện quy chế dân chủ ở Công ty cổ phần ban hành kèm theo nghị định số 87/2007 ngày 28/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

4- Tổ chức, hướng dẫn cho người lao động trong Công ty thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng lao động, giám sát và đôn đốc việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, các quy định về bảo hộ lao động, các chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT cùng các quyền lợi khác của người lao động đã được ghi trong Bộ luật lao động và trong các quy chế nội bộ của Công ty.

5- Tổ chức kiểm tra các bộ phận công tác thuộc Công ty trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, an toàn lao động, điều kiện làm việc của CNVC, công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ, thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt và an toàn lao động cho CNVC trong Công ty.

6- Giải quyết tranh chấp lao động, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật.

7- Tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, các chuyên đề công tác mà Tổng Giám đốc và BCH CĐCS Công ty cùng phối hợp chỉ đạo thực hiện.

C. NHỮNG LĨNH VỰC CÔNG TÁC BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY THAM GIA CÙNG BAN CHẤP HÀNH CĐCS TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Điều 11:

1. Khi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước, chấp hành nội quy lao dộng, các quy định, quy chế nội bộ của Công ty, các kế hoạch công tác của CĐCS, BCH CĐCS thông báo và gửi văn bản dự thảo cho Tổng Giám đốc Công ty để tham khảo ý kiến của Tổng Giám đốc trước khi triển khai thực hiện.

2- Khi tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao trong CNVC toàn Công ty. BCH CĐCS thông báo và gửi kế hoạch dự thảo cho Tổng Giám đốc Công ty để Tổng Giám đốc chỉ đạo cho Lãnh đạo các bộ phận công tác trong Công ty cùng phối hợp với BCH CĐCS tổ chức thực hiện.

3- Khi lập kế hoạch phát đề bạt cán bộ công đoàn ở các bộ phận công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thuyên chuyển các cán bộ chủ chốt của CĐCS, BCH CĐCS gửi văn bản dự thảo cho Tổng Giám đốc Công ty để tham khảo ý kiến trước khi triển khai tổ chức thực hiện.

D. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12:

1. Ban Giám đốc Công ty và BCH CĐCS đảm bảo thường xuyên trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin cho nhau về kết quả triển khai thực hiện các mặt công tác của Công ty cũng như các mặt hoạt động công đoàn trong từng thời gian.

2- Các bộ phận công tác của Công ty và các Tổ công đoàn có trách nhiệm phối hợp giải quyết và thực hiện những nhiệm vụ cụ thể khi được Tổng giám đốc và BCH CĐCS Công ty phân công.

3- Tổng giám đốc hoặc người được Tổng Giám đốc ủy quyền và BCH CĐCS Công ty họp liên tịch mỗi năm 02 lần vào giữa năm và cuối năm nhằm kiểm điểm, đánh giá việc phối hợp hoạt động cũng như việc thực hiện các nghị quyết liên tịch của hai bên (nếu có).

4- Chủ tịch Công đoàn được Tổng Giám đốc mời tham dự các cuộc họp giao ban hàng tuần của Công ty, mời dự các cuộc họp của Công ty có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động, các cuộc họp sơ kết, tổng kết hoặc các cuộc họp triễn khai việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Công ty.

5- BCH CĐCS Công ty mời Tổng giám đốc dự Đại hội CĐCS, Đại hội CNVC và các cuộc họp quan trọng của BCH CĐCS để Tổng giám đốc thông báo cho BCH CĐCS về những định hướng, mục tiêu, của Công ty trong ngắn hạn cũng như dài hạn, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, tham gia cùng với BCH CĐCS trong việc qu‎yết định các nội dung công tác mà hai bên cùng phối hợp chỉ đạo thực hiện.

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13: Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh nhu cầu sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động của Công ty và các thay đổi của luật pháp có liên quan đến hoạt động của Công ty và của công đoàn, thì các Tổng Giám đốc và/hoặc BCH CĐCS có thể đề xuất các nội dung cần bổ sung, sửa đổi để hai bên cùng xem xét và quyết định các nội dung cần bổ sung, sửa đổi.

Quyết định sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan trong Quy chế này sẽ có hiệu lực thì hành khi được Tổng Giám đốc và BCH CĐCS nhất trí thông qua.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở có trách nhiệm công bố các nội dung của Quy chế được bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày các nội dung này được Tổng Giám đốc và Chủ tịch CĐCS cùng ký ban hành

Điều 14: Hiệu lực thi hành.

Bản Quy chế này gồm 3 Chương, 15 điều được Tổng Giám đốc và BCH CĐCS Công ty XYZ nhất trí thông qua tại cuộc họp liên tịch tổ chức ngày....tháng....năm 2010.

Quy chế này áp dụng cho tất cả các nhiệm kỳ công tác của Ban Giám đốc và nhiệm kỳ của BCH CĐCS Công ty XYZ.

Điều 15: Điều khoản thi hành.

Ban Giám đốc và BCH CĐCS Công ty XYZ có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở có trách nhiệm ký và công bố Quy chế này.

Quy chế này thay thế “Quy chế về mối quan hệ giữa Ban Giám đốc và BCH CĐCS Công ty XYZ” ban hành ngày __/__/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2008.

TM. BAN CHẤP HÀNH CĐCS
TỔNG GIÁM ĐỐC

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm