Quản trị nghiệp vụ đầu tư của ngân hàng thương mại Tài liệu Đại học - cao đẳng
QUẢN TRỊ NGHIỆP VỤ ĐẦU TƯ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
I. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẦU TƯ VÀ CÁC LOẠI CHỨNG KHOÁN NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ
1. Mục đích đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại
Trong thời đại ngày nay, các ngân hàng thương mại được các cơ quan chức năng của chính phủ cấp phép hoạt động kinh doanh là để cung cấp các tiện ích và dịch vụ tài chính cho công chúng tại một khu vực địa lý nào đó. Bộ phận chủ yếu nhất nằm trong số những dịch vụ này là cấp các khoản tín dụng để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh doanh, tiêu dùng cho nhiều chủ thể khác nhau (các tổ chức kinh tế, các cơ quan thuộc chính phủ, các cá nhân và hộ gia đình) trong khu vực nơi ngân hàng phục vụ.
Những khoản cho vay có thể góp phần đem lại việc làm và thu nhập cho rất nhiều người dân, mặc dù trong số đó không phải ai cũng vay vốn trực tiếp của ngân hàng nhưng họ cũng là những người hưởng lợi gián tiếp từ hoạt động cho vay của ngân hàng.
Tuy vậy, không phải tất cả nguồn vốn của ngân hàng đều được đầu tư vào các khoản tín dụng vì có nhiều lý do, cụ thể là:
- Không dễ dàng bán chúng trước khi đáo hạn một khi ngân hàng cần tiền khẩn cấp.
- Những khoản vay là loại tài sản có nhiều rủi ro nhất của ngân hàng, chứa đựng trong đó khả năng vỡ nợ của người đi vay cao nhất so với bất kỳ loại đầu tư nào khác của ngân hàng.
- Đối với các ngân hàng có qui mô vừa và nhỏ, phần lớn các ngân hàng này sử dụng nguồn vốn kinh doanh của mình để cấp tín dụng cho các khách hàng đang hoạt động trong nền kinh tế. Do đó, với bất cứ sự suy thoái nào trong hoạt động của nền kinh tế cũng sẽ làm suy giảm đáng kể chất lượng những khoản tín dụng cấp ra và nhất định ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của ngân hàng.
Vì những lý do trên, các ngân hàng đã biết sử dụng một phần lớn nguồn vốn kinh doanh của mình - thông thường từ một phần năm tới một phần ba, cho những khoản mục đầu tư sinh lời khác như đầu tư vào các khoản chứng khoán, bao gồm các loại chứng khoán do chính phủ và các công ty phát hành. Đối với ngân hàng thương mại, hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện một số chức năng quan trọng sau đây:
- Ổn định hóa thu nhập của ngân hàng: Nhằm tạo cân bằng về thu nhập cho ngân hàng trong chu kỳ kinh doanh. Khi thu nhập từ các khoản tín dụng giảm xuống thì thu nhập chứng khoán có thể có thể bù đắp lại.
- Bù trừ rủi ro tín dụng: Các chứng khoán có rủi ro thấp có thể được ngân hàng mua và giữ lại để cân bằng với rủi ro tín dụng.
- Cung cấp một sự đa dạng hoá về mặt địa lý: Chứng khoán thường xuất phát từ nhiều khu vực khác nhau hơn so với các khoản tín dụng của ngân hàng, điều này cho phép ngân hàng đa dạng hóa đầu tư và lợi nhuận của nó trên phương diện địa lý một cách có hiệu quả hơn.
- Cung cấp dự trữ cho ngân hàng: Vì chứng khoán có thể dễ chuyển hoá thành nguồn tiền để thoả mãn nhu cầu thanh khoản hiện thời, hoặc có thể được dùng để cầm cố để vay vốn bổ sung cho ngân hàng.
- Giảm nghĩa vụ nộp thuế của ngân hàng: Chứng khoán có loại phải nộp thuế và có loại không phải nộp thuế. Do đó, đây là khoản đầu tư bù trừ thu nhập chịu thuế do các khoản tín dụng.
- Tạo ra tuyến phòng thủ cho ngân hàng: Nhằm ngăn ngừa những thiệt hại mà có thể là hậu quả của lãi suất thay đổi trên thị trường.
- Đem lại tính năng động cho danh mục tài sản: Không như phần lớn các khoản vay, các chứng khoán đầu tư có thể mua được mua và bán nhanh chóng nhằm mục đích tái cơ cấu các tài sản của ngân hàng để phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại.
- Tăng cường hiệu quả của ngân hàng: Những chứng khoán có chất lượng ngân hàng đang nắm giữ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của ngân hàng.
2. Các chứng khoán ngân hàng đầu tư
Nhằm tăng cường hiệu quả tài chính và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng nên danh mục chứng khoán của ngân hàng ngày càng tăng nhanh. Hơn nữa, mỗi khoản mục đầu tư của ngân hàng có những đặc điểm khác nhau về rủi ro, về sự nhạy cảm đối với lạm phát, về sự nhạy cảm đối với những thay đổi trong chính sách của chính phủ và những điều kiện kinh tế. Nhằm mục đích xem xét từng khía cạnh cụ thể của mỗi phương tiện đầu tư khác nhau, có thể phân chia chúng thành hai nhóm lớn:
(1) Các công cụ thị trường tiền tệ, với thời gian đáo hạn tối đa một năm và được quan tâm vì tính hiệu quả và rủi ro thấp của chúng;
(2) Các công cụ thuộc thị trường vốn, với thời gian đáo hạn trên một năm và nói chung được lưu ý vì mức lợi nhuận kỳ vọng và thu nhập vốn cao hơn của chúng. Bản chất và đặc điểm của mỗi loại chứng khoán thuộc phạm vi của hai loại thị trường nói trên được trình bày chi tiết ở các bảng 1 và bảng 2 ở phía sau.
II. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ LỰA CHỌN CHỨNG KHOÁN ĐẦU TƯ
Khi quan sát các chứng khoán do ngân hàng đầu tư và nắm giữ, điều dễ thấy là ngân hàng phải xem xét nhiều nhân tố khác nhau để quyết định chứng khoán nào cần mua và cần bán.
Những nhân tố cơ bản tạo nên sự lựa chọn của ngân hàng như sau:
+ Suất thu lợi kỳ vọng
+ Khả năng chịu thuế.
+ Rủi ro lãi suát
+ Rủi ro tín dụng.
+ Rủi ro thanh khoản.
+ Rủi ro thu hồi.
+ Rủi ro lạm phát.
+ Rủi ro kinh doanh.
+ Rủi ro đảm bảo.
1. Lợi suất kỳ vọng
Để chọn chứng khoán đầu tư, trước hết các ngân hàng phải xác định suất thu lợi toàn bộ dự kiến tạo ra từ mỗi chứng khoán, bao gồm các khoản tiền lãi do người phát hành cam kết trả cho chứng khoán đó và khả năng có được thu nhập hoặc bị lỗ về vốn. Điều này đòi hỏi người quản lý đầu tư của ngân hàng cần tính toán lợi suất đến đáo hạn (YTM: Yield to maturity) nếu chứng khoán được giữ cho đến lúc đáo hạn hoặc lợi suất trong khoảng thời gian hoạch định nắm giữ (HPY: planned holding period yield) nằm giữa thời điểm mua và thời điểm bán chứng khoán.
2. Khả năng chịu thuế
phần lớn thu nhập lãi và vốn từ đầu tư chứng khoán của ngân hàng là phải chịu thuế như mọi thu nhập kinh doanh thông thường khác. Và do khả năng chịu thuế tương đối cao, các ngân hàng quan tâm đến suất sinh lợi sau thuế trên thu nhập của các khoản vay và đầu tư chứng khoán nhiều hơn là suất thu lợi trước thuế của chúng.
3. Rủi ro lãi suất
Lãi suất biến động tạo ra rủi ro cho đầu tư của các ngân hàng. Lãi suất tăng lên làm giảm thấp giá thị trường của các chứng khoán nợ phát hành trước đó, và mức độ thiệt hại tài chính tỷ lệ thuận với kỳ hạn của mỗi chứng khoán. Hơn nữa, các thời kỳ gia tăng lãi suất còn được ghi nhận bởi nhu cầu tín dụng leo thang và bởi vì ưu tiên trước hết của các ngân hàng là cấp tín dụng, nên các khoản đầu tư vào chứng khoán buộc phải thanh lý để tạo ra nguồn ngân quỹ cho vay. Phải bán chứng khoán trong điều kiện giá cả bất lợi như vậy tất nhiên thường dẫn đến tổn thất vốn đáng kể cho các ngân hàng. Để phòng ngừa rủi ro lãi suất trong đầu tư chứng khoán, có nhiều công cụ đã được sử dụng trong những năm gần đây, chúng bao gồm: các hợp đồng tài chính tương lai, quyền chọn mua và bán, hoán đổi lãi suất, quản trị độ lệch...
4. Rủi ro tín dụng/khả năng vỡ nợ
Đây là rủi ro mà người phát hành chứng khoán không thể hoàn trả được vốn gốc và tiền lãi đối với các trái phiếu và giấy nợ đã phát hành. Do tín dụng thể hiện trên nhiều loại chứng khoán khác nhau, nhất là những chứng khoán mà người phát hành là các công ty tư nhân và chính quyền địa phương, nên lĩnh vực đầu tư này được qui định khá chặt chẽ, nhằm hạn chế việc dự trữ những chứng khoán mang tính rủi ro cao trong các ngân hàng. Nói chung các ngân hàng chỉ được phép mua các chứng khoán có rủi ro thấp để ngăn ngừa ngân hàng tiếp nhận rủi ro quá mức và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại chỉ được phép bao tiêu các trái phiếu đô thị chính phủ và có nghĩa vụ bao quát, mặc dù một số ngân hàng được bao tiêu những chứng khoán do công ty tư nhân phát hành và được ngân hàng trung ương chấp thuận.
5. Rủi ro lạm phát
Rủi ro lạm phát là rủi ro về khả năng tăng giá phổ biến của các loại hàng hoá và dịch vụ và dẫn đến hậu quả làm giảm giá trị của các tài sản tài chính. Các ngân hàng thường xuyên cảnh giác với khả năng sức mua của thu nhập lãi và vốn gốc thu lại từ đầu tư chứng khoán và cho vay bị suy giảm do tác động của lạm phát, mặc dù ngày nay vấn đề này ít nghiêm trọng hơn so với những thập niên trước đây. Lạm phát cũng có thể làm hao mòn giá trị đầu tư của các cổ đông tại một ngân hàng. Bằng cách đầu tư vào các chứng khoán ngắn hạn và có lãi suất thả nổi, các ngân hàng có thể giảm thiểu tác động bất lợi của lạm phát đối với tài sản đầu tư và đem lại cho ngân hàng một sự năng động lớn hơn trong việc đáp ứng với mọi sức ép lạm phát.
6. Rủi ro kinh doanh
Các ngân hàng thuộc mọi qui mô đều phải đối mặt với một loại rủi ro gắn liền với suy thoái kinh tế của khu vực thị trường họ đang phục vụ. Những xu hướng tiêu cực này thường được gọi là rủi ro kinh doanh. Điều này thường được biểu hiện bởi sự giảm sút doanh số bán hàng, gia tăng các vụ phá sản và tình trạng sa thải nhân công hàng loạt của nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Những trạng thái tiêu cực này tất yếu ảnh hưởng nhanh chóng đến danh mục cho vay của ngân hàng. Ơí đây, nhiều khoản vay không có khả năng hoàn trả sẽ xuất hiện một khi người vay đã phải tận lực để tạo ra đủ lưu lượng tiền để hoàn trả nợ cho ngân hàng.
Bởi vì rủi ro kinh doanh luôn hiện hữu, nhiều ngân hàng dựa vào danh mục đầu tư chứng khoán của họ để bù trừ cho tác động của rủi ro kinh tế đối với danh mục cho vay. Điều này thường có nghĩa là, ngân hàng sẽ mua nhiều chứng khoán của nhiều doanh nghiệp nằm ngoài khu vực thị trường cho vay hiện thời của ngân hàng nhằm mục đích cân bằng với rủi ro tác động lên trên các khoản vay.
7. Rủi ro thanh khoản
Theo định nghĩa, chứng khoán có tính thanh khoản là những chứng khoán có sẵn thị trường cho việc bán lại một cách dễ dàng, giá cả tương đối ổn định theo thời gian, và khả năng cao để phục hồi nguồn vốn đã đầu tư nguyên thuỷ của ngân hàng (rủi ro đối với vốn gốc là thấp). Khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, ngân hàng dứt khoát phải xem xét đến khả năng cần phải bán lại trước khi chúng đáo hạn để tái tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu. Nếu khả năng tái tạo kém, nghĩa là chứng khoán khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, ngân hàng sẽ gánh chịu những tổn thất tài chính lớn trong những trường hợp như vậy. Và điều này được gọi là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán của ngân hàng.
8. Rủi ro thu hồi trước của người phát hành
Phần lớn các công ty và chính phủ có phát hành chứng khoán đầu tư thường giữ lại quyền mua lại các chứng khoán do mình phát hành trước lúc chúng đáo hạn và thanh toán dứt điểm đối với chúng. Do vậy, sự thu hồi như thế thường xảy ra khi lãi suất thị trường giảm sút (và người phát hành có thể phát hành các chứng khoán mới có lãi suất thấp hơn), ngân hàng đang đầu tư vào chứng khoán có tính chất nói trên sẽ phải tiếp nhận rủi ro mất mát lợi nhuận bởi vì họ phải tái đầu tư nguồn vốn vừa mới thu hồi ở các mức lãi suất thấp hơn hiện thời. Nói chung, các ngân hàng cố gắng để tối thiểu hóa rủi ro thu hồi bằng cách mua các chứng khoán được công bố có thời gian thu hồi tương đối dài (vì thế việc thu hồi không thể xảy ra trong một vài năm ngân hàng nắm giữ) hoặc đơn giản hơn cả là ngân hàng tránh đầu tư vào những loại chứng khoán có đặc điểm như thế.
9. Các yêu cầu đảm bảo
Các ngân hàng sẽ không được chính phủ cho phép thực hiện nghiệp vụ huy động tiền gửi trừ phi họ bố trí ký quỹ thoả đáng để bảo vệ an toàn tiền gửi của công chúng. Ví dụ tại Mỹ, 100.000 USD tiền gửi đầu tiên sẽ được cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang trang trải, phần còn lại phải được hậu thuẫn bởi việc nắm giữ các chứng khoán chính phủ được định giá theo giá trị danh nghĩa của bản thân mỗi ngân hàng.
Một số trái phiếu đô thị (ít nhất có chất lượng tín dụng hạng A) cũng có thể được dùng để đảm bảo cho các khoản tiền gửi của chính phủ Liên bang tại các ngân hàng, nhưng các chứng khoán này phải được định giá theo giá trị chiết khấu còn lại (thường từ khoản 80% đến 90% giá trị danh nghĩa của chúng nhằm mục đích đem lại cho những người gửi tiền chính phủ một vùng đệm an toàn bổ sung. Có một sự khác biệt rộng rãi về yêu cầu bảo đảm tiền gửi từ bang này sang bang khác, mặc dù phần lớn các bang cho phép các ngân hàng sử dụng kết hợp các chứng khoán đô thị và Liên bang để đáp ứng yêu cầu bảo đảm tiền gửi thuộc chính quyền các cấp và phải được đặt tại một tổ chức uỷ thác mà không thuộc nhóm liên kết với ngân hàng.
Yêu cầu bảo đảm cũng đồng thời áp dụng cho nguồn vốn khác của ngân hàng.
Ví dụ, khi một ngân hàng vay tiền theo hình thức chiết khấu tại ngân hàng trung ương, họ phải thế chấp các chứng khoán của chính phủ phát hành hoặc những tài sản thế chấp đáng giá. Nếu ngân hàng sử dụng các hợp đồng mua lại (RP: repurchase agreements) để tăng vốn, họ phải cầm cố một số chứng khoán (thường là chứng khoán do kho bạc hoặc do các cơ quan thuộc chính phủ phát hành) như là vật đảm bảo để có được nguồn vốn ở lãi suất thấp.
Download tài liệu để xem thêm chi tiết.