Văn mẫu lớp 7: Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra (5 mẫu) Những bài văn hay lớp 7
Tác phẩm Cổng trường mở ra của Lý Lan sẽ được giới thiệu trong chương trình môn Ngữ Văn lớp 7.
Sau đây, Eballsviet.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra. Mời tham khảo nội dung chi tiết trong tài liệu.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra
Dàn ý phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra
I. Mở bài
Giới thiệu đôi nét về tác giả Lý Lan, tác phẩm Cổng trường mở ra.
II. Thân bài
1. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con
- Hành động của con:
- Háo hức như trước những chuyến đi chơi xa vì ngày mai vào lớp 1.
- Tranh dọn dẹp đồ chơi với mẹ.
- Chuẩn bị đầy đủ quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới, mọi thứ đã sẵn sàng.
- Không có mối bận tâm nào khác ngoài ngày mai thức dậy cho kịp giờ.
- Giấc ngủ đến với con dễ dàng.
=> Con là một đứa trẻ hồn nhiên vô tư nhưng cũng ý thức được trách nhiệm khi bắt đầu vào học lớp Một.
- Diễn biến tâm trạng của mẹ:
- Không tập trung làm được một việc gì cả.
- Mẹ dặn mình phải đi ngủ sớm nhưng lại trằn trọc không ngủ được.
- Nhớ lại ngày đầu tiên con đi học hồi ba tuổi đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Cả ngôi trường mới cũng đã quen với thầy cô và bạn bè mới.
- Mẹ nhận ra không phải vì lo lắng cho con đến nỗi không ngủ được.
- Tin tưởng rằng con đã lớn và sự chuẩn bị chu đáo của con trước ngày khai trường.
- Nhớ lại kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên của chính mình.
- Cảm giác nôn nao, hồi hộp của ngày hôm ấy như vẫn còn y nguyên khi cùng bà ngoại đến trường.
=> Mẹ luôn yêu thương và dành cho con sự quan tâm, tin tưởng. Sự kiện ngày khai trường đầu tiên khi con vào lớp Một đã gợi lại trong mẹ kỉ niệm về thời thơ ấu của người mẹ. Ngày đầu tiên khai trường với những hồi hộp và rạo rực.
2. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục
- Người mẹ nhớ đến câu chuyện ở Nhật:
- Ngày khai trường là một ngày lễ trọng đại của toàn xã hội. Người lớn nghỉ làm để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn dẹp sạch sẽ và trang trí tươi vui.
- Các quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường chia nhau đến dự lễ khai trường ở khắp các trường học không chỉ để thăm hỏi mà còn xem xét để kịp thời điều chỉnh chính sách giáo dục.
=> Tầm quan trọng của giáo dục: ảnh hưởng đến một thế hệ mai sau, sai một li có thể đi một dặm.
- Lời nhắn nhủ của mẹ: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
=> Lời nhắn nhủ thể hiện niềm tin tưởng và lạc quan vào hành trình của con trong suốt những năm tháng sau này.
III. Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Cổng trường mở ra.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra - Mẫu 1
Tác phẩm “Cổng trường mở ra” của Lý Lan được đăng trên báo Yêu trẻ số 166, ra ngày 1 tháng 9 năm 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã khắc họa tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.
Đêm trước ngày khai trường đầu tiên của con, diễn biến tâm trạng của đứa con và người mẹ có sự khác biệt. Đối với đứa con, dù háo hức và mong chờ nhưng đêm nay, giấc ngủ đến với cậu vẫn dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo. Người mẹ mải mê ngắm nhìn con đang say giấc nồng: “Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo”. Mọi thứ như quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng.
Trái với đứa con, người mẹ lại không sao ngủ được. Mọi việc đã xong, người mẹ tự bảo mình cũng nên đi ngủ sớm. Mẹ lên giường nhưng cứ trằn trọc suy nghĩ về con: “Con đã đi học từ ba năm trước, hồi mới ba tuổi vào lớp mẫu giáo, đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập làm quen từ những ngày hè. Tuần lễ trước ngày khai giảng, con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới, đã tập xếp hàng, tập đi, tập đứng, để chuẩn bị cho buổi lễ khai trường long trọng này. Mẹ tin là con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học…”
Người mẹ không ngủ được vì: “Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: Hàng năm, cứ vào cuối thu … mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Thì ra những câu văn du dương và đẹp như thơ trong bài Tôi đi học của Thanh Tịnh mà người mẹ học thuộc lòng cách đây đã mấy chục năm, giờ lại hiển hiện rõ ràng trong kí ức, làm sống dậy những kỉ niệm dấu yêu của tuổi học trò.
Từ quá khứ trở về hiện tại, người mẹ muốn khắc sâu ấn tượng ngày khai trường đầu tiên vào kí ức của đứa con một cách nhẹ nhàng, cẩn thận và tự nhiên. Để rồi bất cứ một ngày nào đó trong đời, khi nhớ lại lòng con lại rạo rực những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Để khẳng định tầm quan trọng của ngày khai trường, mẹ kể chuyện bên nước Nhật xa xôi: “Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự buổi lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ. Bằng hành động đó, họ muốn cam kết rằng, không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai. Các quan chức không chỉ ngồi trên hàng ghế danh dự mà nhân dịp này còn xem xét ngôi trường, gặp gỡ với Ban Giám hiệu, thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh, để điều chỉnh kịp thời những chính sách về giáo dục.”
Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, nhà văn Lý Lan đã đưa chúng ta trở về thế giới êm đềm của tuổi thơ. Qua bài văn, chúng ta cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng và thấy được tầm quan trọng lớn lao của nhà trường đối với tuổi trẻ và toàn xã hội.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra - Mẫu 2
Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước. Những mầm non đó muốn vươn lên mạnh mẽ để trở thành những cây xanh tốt tươi thì không thể thiếu đi nguồn dinh dưỡng - tình yêu thương của cha mẹ và sự giáo dục của nhà trường. Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan, với hình thức như những dòng nhật kí tâm tình đầy sâu lắng, đã giúp người đọc hình dung và hiểu rõ hơn về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cũng như vai trò của nhà trường trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, văn bản cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.
“Cổng trường mở ra” là những dòng suy nghĩ của một người mẹ trong đêm trước ngày con chuẩn bị vào lớp một. Đứa con vừa háo hức, vừa hồi hộp cho ngày khai trường đầu tiên song đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say sưa. Còn người mẹ thì thao thức, vừa suy nghĩ đến đứa con thân yêu, vừa hồi tưởng lại ngày khai trường đầu tiên của mình và lại chợt nghĩ tới ngày khai trường đầy trang trọng, thiêng liêng ở đất nước Nhật Bản xa xôi. Những dòng tâm sự của người mẹ khép lại bằng một tưởng tượng của người mẹ khi dắt tay con bước vào thế giới kì diệu sau cánh cổng trường.
Những chi tiết đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là những chi tiết thể hiện tâm trạng của mẹ và con trong đêm trước ngày khai trường đầu tiên của con. Dưới con mắt trìu mến, yêu thương của người mẹ, đứa con hiện lên với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên khi “Đêm nay con cũng có niềm háo hức”. Nhưng rồi giấc ngủ vẫn đến với con một cách dễ dàng và “gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm”. Đứa trẻ hồn nhiên ấy “không có mối bận tâm nào khác ngoài việc sáng mai thức dậy cho kịp giờ”. Ngược lại với đứa con, người mẹ lại không ngủ được, và “mẹ không tập trung được vào việc gì cả”. Người mẹ ngắm nhìn gương mặt con khi ngủ, xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con sáng mai. Kể cả khi lên giường rồi người mẹ vẫn trằn trọc, và những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên lại ùa về… Sở dĩ những chi tiết này khơi gợi được sự đồng cảm của người đọc, đặc biệt là những bậc phụ huynh, bởi đó là những chi tiết chân thực mà mỗi người khi soi mình vào đều có thể thấy được một chút bóng dáng của người mẹ đang thao thức trước ngày khai trường đầu tiên của con.
Ấn tượng sâu đậm về buổi tựu trường đầu tiên trong tâm hồn người mẹ là chi tiết thứ hai để lại những ấn tượng trong lòng người đọc. Theo dòng hồi tưởng, tâm trạng của người mẹ trong ngày khai trường đầu tiên ấy lại ùa về: “Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hàng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”. Bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh như một dư vang không thể phai mờ trong tâm trí người mẹ dù hàng chục năm đã trôi qua.
Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là hành trang đầu tiên để đứa con nhỏ sẵn sàng bước vào một thế giới mới - thế giới kì diệu khi cánh cổng trường mở ra. Và chi tiết thứ ba đọng mãi trong tâm hồn người đọc khi đọc văn bản chính là câu văn kết thúc tác phẩm: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Câu văn đã kí thác niềm tin tưởng mãnh liệt của người mẹ vào vai trò của nhà trường. Thế giới kì diệu là một thế giới vừa lạ, lại vừa đẹp. Lạ vì ở đó, con sẽ được học bao điều mới lạ, khám phá được bao tri thức bổ ích, thú vị. Và đẹp bởi thế giới ấy là nơi con được chan hòa trong tình yêu của bạn bè, thầy cô, nơi con sẽ học để hoàn thiện nhân cách, bồi đắp thêm tình yêu với mọi sự vật, con người gần gũi xung quanh. “Bước qua cánh cổng trường” như một lời thúc giục, lại như một lời khuyên trìu mến, chân thành mà người mẹ dành cho con.
Bằng những lời tâm sự, vừa như nói với con, vừa như đang đối thoại với chính mình, “Cổng trường mở ra” của Lý Lan là những dòng tâm sự chân thành, sâu sắc và đầy tha thiết của người mẹ nhằm bộc lộ tình yêu thương sâu nặng với con, đồng thời cũng thể hiện được vai trò to lớn của nhà trường với trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Những chi tiết trong văn bản tuy nhỏ nhưng lại góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm và để lại một ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra - Mẫu 3
Ngày khai trường hàng năm đã trở thành ngày hội của toàn dân. Bởi ngày đó bắt đầu một năm học mới với bao mơ ước, bao điều mong đợi trước mắt các em. Đến với văn bản “Cổng trường mở ra”, Lý Lan đã cho thấy tầm quan trọng của ngày khai trường.
Tác phẩm viết về tâm trạng của người mẹ trong đêm không ngủ trước ngày khai trường. Đêm trước ngày khai trường, đứa con và người mẹ đã có tâm trạng khac nhau. Đối với đứa con, dù háo hức và mong chờ nhưng đêm nay, giấc ngủ đến với cậu vẫn dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo. Người mẹ mải mê ngắm nhìn con đang say giấc nồng: “Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo”. Mọi thứ như quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Đứa con chẳng có mối bận tâm nào khác ngoài việc ngày mai thức dậy cho đúng giờ.
Còn người mẹ lại không ngủ được. Mẹ thao thức, suy nghĩ triền miên không phải vì lo lắng cho con. Người mẹ vẫn “tn là con không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học” vì ba năm về trước, hồi mới lên ba, con đã vào lớp mẫu giáo, giờ đây tuần lễ trước ngày khai giảng, “con đã làm quen bạn bè và cô giáo mới, tập xếp hàng, tập đi, tập đứng để chuẩn bị cho buổi lễ khai trường long trọng này”. Người mẹ không ngủ được vì nhớ lại những kỉ niệm ngày tựu trường của mình. Mẹ nhớ đến lời đọc: “ Hằng năm, cứ vào cuối thu…Mẹ tôi âu yếm nắm lấy bàn tay dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Với mẹ, ấn tượng về ngày khai trường đầu tiên ấy “rất sâu đậm”. Mẹ nhớ mãi “sự nôn nao, hồi hộp” khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường, “nỗi chơi vơi hốt hoảng” khi cổng trường đóng lại, mà bà ngoại đứng ngoài cánh cổng… Nhưng mẹ không trực tiếp nói với con hoặc với ai cả mà như đang nói với chính mình, đang tự ôn lại kỷ niệm của riêng mình. Cách viết này làm nổi bật được tâm trạng, khắc họa được tâm tư, tình cảm, những điều sâu thẳm khó nói bằng những lời trực tiếp.
Phần cuối truyện, Lý Lan khẳng định vai trò của nhà trường, của giáo dục qua lời của người mẹ: “Đi đi con… thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”. Qua đây nhà văn muốn nói rằng giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của con người; trường học đem đến cho con người tri thức, tư tưởng, tình cảm, đạo lý, tình bạn, tình thầy trò… Đằng sau cánh cổng trường sẽ là một thế giới kì diệu cho con, bước qua cánh cổng là con đặt chân đến tri thức, với bạn bè, con hòa mình vào cuộc sống cộng đồng. Những điều con rất cần trong hành trang bước vào đời bởi theo quy luật của cuộc sống, con không thể mãi bé bỏng để ở trong lòng mẹ. Đấy là ý nghĩa sâu sắc của văn bản và cũng là điều người mẹ hồi hộp khi con bắt đầu rời xa vòng tay mẹ. Hồi hộp, lo lắng, bởi người mẹ biết rằng "mỗi một sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau". Nghĩ đến chuyện nước Nhật xa xôi là để nghĩ đến mình, nghĩ đến trách nhiệm nặng nề của chính bản thân với sự trưởng thành của con và của thế hệ trẻ trên đất nước mình.
Văn bản khép lại, nhưng dư âm về một thế giới kỳ diệu đằng sau cánh cổng trường, dư âm về tình yêu thương của người mẹ dành cho con vẫn luôn còn mãi trong lòng bạn đọc.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra - Mẫu 4
“Cổng trường mở ra” là một tác phẩm hay gợi nhắc cho con người nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của ngày đầu tiên đến trường.
Đêm trước ngày khai trường, người con “háo hức đến nỗi lên giường mà không sao nằm yên được”, “tranh dọn dẹp đề chơi với mẹ”. Dù vậy, giấc ngủ đến với con vẫn thật dễ dàng. Còn mẹ thì không vậy, khác với những ngày thường, mẹ không còn tất bật với những việc như dọn dẹp nhà cửa, hay thậm chí còn “không định làm việc ấy tối nay”. Người mẹ không thể ngủ được, nhưng không phải vì lo lắng về ngày đầu tiên con đi học. Bởi “con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới... con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học”. Mà nó xuất phát vì “Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng...". Người mẹ đang hồi tưởng về những kí ức đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên của mình. Người mẹ mong rằng ngày mai của con cũng sẽ giống như mẹ, những cảm xúc của ngày khai trường sẽ “nhẹ nhàng, cẩn thận và tự nhiên ghi vào lòng con”.
Sau đó, người mẹ còn nhớ về ngày khai trường ở Nhật Bản: “Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự buổi lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ”. Qua đây, Lý Lan đã khẳng định tầm quan trọng của của giáo dục, sự ảnh hưởng đến một thế hệ mai sau, sai một li có thể đi một dặm. Cuối cùng mẹ thầm nhắn nhủ với con: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Tác phẩm “Cổng trường mở ra” đã khẳng định tầm quan trọng của nhà trường trong cuộc sống.
Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra - Mẫu 5
“Cổng trường mở ra” giống như những dòng nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng. Tác phẩm cho thấy tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.
Vào đêm trước ngày khai trường, con cảm thấy háo hức như trước những chuyến đi chơi xa vì ngày mai vào lớp Một. Dường như con đã ý thức được sự trưởng thành của mình nên còn tranh dọn dẹp đồ chơi với mẹ. Mọi thứ như quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới đã được mẹ chuẩn bị sẵn sàng. Đứa con không có mối bận tâm nào khác ngoài ngày mai thức dậy cho kịp giờ. Và giấc ngủ đến với con thật dễ dàng.
Ngược lại, mẹ lại không tập trung làm được một việc gì cả. Mẹ dặn mình phải đi ngủ sớm nhưng lại trằn trọc không ngủ được. Bỗng nhiên, người mẹ nhớ lại ngày đầu tiên con đi học hồi ba tuổi đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Cả ngôi trường mới cũng đã quen với thầy cô và bạn bè mới. Từ đó, mẹ nhận ra không phải vì lo lắng cho con đến nỗi không ngủ được. Mà chính vì những kỉ niệm đang ùa về. Và rồi mẹ tin tưởng rằng con đã lớn và sự chuẩn bị chu đáo của con trước ngày khai trường. Có thể thấy mẹ luôn yêu thương và dành cho con sự quan tâm, tin tưởng. Sự kiện ngày khai trường đầu tiên khi con vào lớp Một đã gợi lại trong mẹ kỉ niệm về thời thơ ấu của người mẹ. Ngày đầu tiên khai trường với những hồi hộp và rạo rực.
Sau đó, người mẹ nhớ đến ngày khai trường ở Nhật. Ngày khai trường là một ngày lễ trọng đại của toàn xã hội. Người lớn nghỉ làm để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn dẹp sạch sẽ và trang trí tươi vui. Các quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường chia nhau đến dự lễ khai trường ở khắp các trường học không chỉ để thăm hỏi mà còn xem xét để kịp thời điều chỉnh chính sách giáo dục. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của giáo dục: ảnh hưởng đến một thế hệ mai sau, sai một li có thể đi một dặm. Cuối cùng, người mẹ đưa ra lời nhắn nhủ: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Tác phẩm “Cổng trường mở ra” quả là một trang nhật kí đẹp đẽ, lưu lại dấu ấn về một kỉ niệm thật đáng nhớ, sâu nặng.