Văn mẫu lớp 8 (3 bộ sách mới) Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 8 hay nhất
Tài liệu: Văn mẫu lớp 8 (3 bộ sách mới), sẽ tổng hợp những bài văn mẫu của chương trình sách giáo khoa mới, thuộc ba bộ sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Các dạng đề viết văn rất đa dạng như đoạn văn cảm nhận, thuyết minh về một hiện tượng tự nhiên, phân tích tác phẩm văn học,...
Bạn đọc hãy cùng theo dõi nội dung chi tiết sẽ được Eballsviet.com đăng tải ngay sau đây. Hy vọng có thể giúp ích cho quá trình tìm hiểu môn Ngữ văn.
Văn mẫu lớp 8 (3 bộ sách mới)
- Đề 1: Bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
- Bài 2: Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt Đường luật)
- Bài 3: Nghị luận về vấn đề con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước
- Bài 4: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)
- Bài 5: Nghị luận về vấn đề một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại
- Bài 6: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do
- Bài 7: Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
- Bài 7: Nghị luận, bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề môi trường, thiên nhiên
- Bài 8: Bài văn kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia
- Bài 9: Văn bản kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa
- Bài 10: Giới thiệu về hiện tượng núi lửa
- Bài 11: Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích
Đề 1: Bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)
Bác Hồ là một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Vào ngày 2 tháng 9 vừa qua, tôi đã dịp đến viếng lăng Bác cũng với bố mẹ.
Từ hôm trước, mẹ đã chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Sáng sớm, tôi thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Mọi người trong gia đình cùng nhau ăn sáng, thay quần áo. Sau đó, bố gọi xe tắc-xi. Khoảng tám giờ, xe đã xuất phát đến lăng Bác.
Xe đi mất khoảng ba mươi phút là đến lăng Bác. Xuống xe, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự đông đúc. Rất nhiều người đang đứng xếp hàng để vào trong lăng. Tôi và bố mẹ nhanh chóng hòa vào dòng người. Thời tiết khá nóng bức nhưng không làm lung lay quyết tâm được vào lăng viếng Bác của tôi. Sau một tiếng xếp hàng, tôi đã vào được vào trong lăng. Ai cũng đều giữ yên lặng, bước vào trong lăng một cách nghiêm trang. Bên trong lăng khá lạnh. Khi nhìn Bác Hồ, tôi vô cùng xúc động. Thật khó để diễn tả cảm xúc trong tôi lúc này. Khuôn mặt Bác thật hiền từ, rất giống với trong bức ảnh được treo trong lớp học. Chòm râu dài, mái tóc bạc phơ. Vầng trán cao và rộng. Bác nằm đó giống như chỉ đang ngủ vậy.
Sau đó, tôi còn được đến thăm nhà sàn - nơi Bác từng sống và làm việc và bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời của Bác. Tại đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về Bác. Giọng kể của chị hướng dẫn viên khiến câu chuyện càng thêm xúc động hơn. Tôi và bố mẹ còn đến thăm Quảng trường Ba Đình - nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào đúng ngày hôm nay - mùng 2 tháng 9. Gia đình của tôi đã có nhiều bức ảnh đẹp.
Chuyến viếng lăng Bác của gia đình tôi đã kết thúc. Nhưng tôi vẫn còn cảm nhận được không khí trang nghiêm ở lăng Bác. Tôi cũng đã hiểu thêm nhiều về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Bài 2: Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt Đường luật)
Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ gửi gắm tấm lòng yêu nước sâu nặng của nhà thơ.
Mở đầu, tác giả gợi mở về thời gian, không gian cũng như điểm nhìn của bài thơ. Hai từ “bước tới” gợi đến một sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hay tiếp cận đèo Ngang. Đó cũng là thời khắc “bóng xế tà” khi ngày đã sắp tàn và màn đêm đang dần buông xuống. Đứng trước đèo Ngang với rừng núi hoang vu xa lạ, những xúc cảm của lòng người đã trào dâng. Tiếng “tà” với âm bằng xuất hiện trong văn cảnh tạo nên giai điệu buồn thương man mác, trở thành “vần” của ý thơ:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên với sức sống mãnh liệt. Điệp từ “chen”, kết hợp với việc sử dụng vần lưng “đá - lá”, lại vừa sử dụng vần chân “tà - hoa” đã làm cho nhạc điệu thơ du dương và réo rắt. Cảnh đèo hiện lên thật hoang vu và có chút cằn cỗi.
Không chỉ thiên nhiên, con người cũng đã xuất hiện trong bức tranh đó:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Cách sử dụng từ láy “lom khom” và “lác đác” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào sự nhỏ bé, thưa thớt của con người.
Ngoại cảnh đã hòa hợp với râm cảnh người nữ sĩ trong buổi chiều tà nơi đèo hút hút gió. Nữ sĩ đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng và ước lệ của thi pháp cổ (ngư, tiều, canh, mục) kết hợp với cảm hứng đầy thi cảm và sáng tạo.
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Nghệ thuật đối và đảo ngữ được sử dụng ở phần thực đã tiếp tục được phát huy tác dụng một cách triệt để ở phần luận. Đó là tiếng chim cuốc, chim đa trong bóng chiều tà. Đó là “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” đã được đặt trong thế đăng đối và hòa hợp. Ý thơ đã thể hiện người nữ sĩ lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm tình. Đây cũng là một nét đặc sắc và nổi bật trong phong cách sáng tác của bà huyện Thanh Quan. Thơ tả cảnh ngụ tình nên nhạc, nên họa đã diễn tả cảnh đèo Ngang lúc hoàng hôn với nỗi niềm thi sĩ làm ta cảm thương, vương vấn.
“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.”
Hai câu thơ kết cuối bài như dồn lại biết bao nhớ thương sâu lắng và dạt dào của người nữ sĩ trong khung cảnh chiều tà. Đứng một mình nơi đèo cao lộng gió trong buổi hoàng hôn, nữ sĩ thấy mình như sống trong tâm trạng lẻ bóng, cô đơn, giữa một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng bao la của “trời, non, nước”.
Hai chữ “đứng lại” diễn tả một tư thế, một tâm trạng xúc động và bồi hồi. “Ta với ta” là ba chữ đắt giá kết hợp với điệp ngữ láy âm, đặt trong mối tương phản với “trời, non, nước” đã cho thấy cái mênh mang bao la với sự lẻ loi, đơn côi và nhỏ bé của lòng người. Nó gợi lên một sự trống vắng không thể nào kể xiết.
“Qua Đèo Ngang” là bài thơ Nôm kiệt tác được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ đã cho thấy phong cách sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài 3: Nghị luận về vấn đề con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước
Từ xưa đến nay, chủ quyền dân tộc luôn là vấn đề “nóng” của thế giới. Đặc biệt với dân tộc Việt Nam đã từng gánh chịu hàng nghìn năm dưới ách cai trị của phong kiến phương Bắc hay thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì vấn đề này lại càng trở nên quan trọng hơn.
Đầu tiên, chủ quyền dân tộc được hiểu là quyền làm chủ tuyệt đối của một quốc gia trên lãnh thổ của mình. Mỗi nước có toàn quyền quyết định mọi việc từ kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội mà các quốc gia khác không được xâm phạm lãnh thổ và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là bảo vệ quyền làm chủ, quyền độc lập của dân tộc. Mỗi quốc gia có thể sử dụng toàn bộ lực lượng quân đội an ninh, sử dụng mọi biện pháp để chống lại mọi hành vi xâm phạm phá hoại chủ quyền quốc gia; từ đó giữ gìn toàn vẹn chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ quốc gia.
Khi bàn về vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc, có ý kiến cho rằng đó chỉ là vấn đề của Đảng và Nhà nước, có ý kiến lại cho rằng đó là vấn đề của thế hệ trẻ - chủ nhân dựng xây đất nước. Cả hai ý kiến này đều đúng nhưng chưa đủ. Vì việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là trách nhiệm của người dân Việt Nam chứ không phải của riêng Đảng và Nhà nước hay riêng một thế hệ nào. Mỗi công dân đều phải ý thức trách nhiệm gìn giữ chủ quyền dân tộc giống như một điều tất yếu phải làm.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh cho một đất nước Việt Nam với những con người dũng cảm, anh hùng. Hơn bốn nghìn năm Bắc thuộc, đất nước ta chưa kịp chuyển mình đã rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Dù trong giai đoạn nào, toàn thể nhân dân luôn trên dưới một lòng chống lại kẻ thù để giành lại tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích quốc gia. Những kẻ bán nước cầu vinh, những phần tử phản cách mạng… Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nếu không xử lý và kịp thời khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước.
Với học sinh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân. Việc làm quan trọng nhất là cố gắng học tập và rèn luyện tốt để trở thành một chủ nhân giàu tiềm năng kiến thiết đất nước cường thịnh “sáng vai với các cường quốc năm châu”. Đồng thời, mỗi người cũng cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu gia cam. Hay các hoạt động thuyết trình về vấn đề nền bảo vệ hòa bình thế giới, chủ quyền biển đảo, quyền lợi dân tộc…
Như vậy, con người cần ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Hãy cùng chung tay xây dựng một nền hòa bình, tự do và độc lập trên toàn nhân loại.
Bài 4: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)
Nhà thơ Tú Xương có nhiều bài thơ trào phúng hay. Trong đó, Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một tác phẩm khá tiêu biểu. Với bài thơ, tác giả đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương năm 1897 tại Nam Định. Hai câu đề nói về nét mới của khoa thi:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”
Trước đây, việc thi cử do triều đình tổ chức nhằm mục đích kén chọn nhân tài ra làm quan để giúp vua, giúp nước. Trong hoàn cảnh bấy giờ, nước ta đã bị thực dân Pháp thống trị, việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa”. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp của kì thi này: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Trước đây, ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và “trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở đây đã bị bãi bỏ. Nên các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.
Tiếp đến, hai câu thực miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh đặc sắc mà cũng đầy khôi hài:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
“Sĩ tử” vốn là những người thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, theo nghiệp bút nghiên nên mang phong thái nho nhã. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” ở đây lại hiện lên thật lôi thôi, nhếch nhác. Cách sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, đưa từ láy “lôi thôi” lên đầu câu thơ đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ vậy, khung cảnh trường thi lúc này không còn là chốn tôn nghiêm mà trở nên ồn ào, chẳng khác nào cảnh họp chợ nên quan trường mới “ậm oẹ” và “thét loa” - những người coi thi cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có.
Ở hai câu luận tô đậm bức tranh “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm:
“Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”
Hình ảnh “lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ” - lũ cướp nước đầy long trọng. Không chỉ vậy, từ xưa, chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được đến. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” càng làm tăng thêm sự nực cười.
Cuối cùng, hai câu thơ cuối bộc lộ một niềm cay đắng, xót xa cho cảnh ngộ đất nước:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” như một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì. Qua đó, tác giả bộc lộ sự tủi nhục, xót xa trước thực tại đau đớn của nước nhà.
Như vậy, bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước.
Bài 5: Nghị luận về vấn đề một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại
Ông cha ta đã có câu tục ngữ “Ăn gian nói dối” để chỉ những người gian xảo, dối trá. Trong xã hội hiện đại, nói dối đã trở thành một thói xấu, gây ra những tác hại đến mỗi người.
Đầu tiên, nói dối là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với thực tế, để đạt được một mục đích nào đó, thường là không chính đáng. Con người thường dùng lời nói dối để che đậy dã tâm hay muốn lấp liếm lỗi lầm đã gây ra. Chắc hẳn mỗi người đều biết đến câu chuyện về chú bé chăn cừu. Chuyện kể rằng một chú bé nọ đang chăn cừu trên cánh đồng. Vì quá buồn chán, cậu bé đã nói dối dân làng có chó sói đến ăn thịt đàn cừu của cậu. Ban đầu, dân làng tin lời cậu bé, chạy đến để giúp đỡ. Nhưng sau khi phát hiện cậu bé nói dối, còn bị cậu chế giễu khiến họ rất tức giận. Lần thứ nhất, rồi đến lần thứ hai, dân làng vẫn đến giúp đỡ. Nhưng sau nhiều lần bị cậu bé lừa, họ đã không còn tin tưởng vào cậu bé. Cuối cùng, khi chó sói đến thật, cậu bé kêu cứu nhưng chẳng còn ai tin lời, đến giúp đỡ cậu nữa. Kết quả là đàn cừu đã bị chó sói ăn thịt. Trong cuộc sống hằng ngày, việc nói dối có thể xảy ra như con cái nói dối bố mẹ để đi chơi, học sinh nói dối thầy cô để trốn học. Hay một doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm không đảm bảo an toàn, gian dối với người tiêu dùng sẽ gây ra những hậu quả về tính mạng của con người. Nhiều vị lãnh đạo đã dối trên, lừa dưới đã gây ra sự bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Nói dối gây ra những hậu quả lớn. Đầu tiên, một người có thói quen nói dối sẽ đánh mất đi niềm tin của những người xung quanh. Ông cha ta đã có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Để xây dựng uy tín, lấy được lòng tin của mọi người phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng chỉ cần một lời nói dối có thể khiến cho lòng tin hoàn toàn biến mất. Không chỉ vậy, hành vi nói dối lặp lại thường xuyên sẽ trở thành một thói quen xấu, gây ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của con người. Rộng hơn, lời nói dối còn ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Có đôi khi, những lời nói dối thiện chí cũng đem lại ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng không nên nói dối.
Với một học sinh, tôi vẫn luôn ý thức rèn luyện đức tính trung thực trong học tập, nhất là trong thi cử (không quay cóp, chép bài bạn) và trong cuộc sống. Không chỉ vậy, tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định rằng, nói dối là một thói quen xấu xí. Con người cần tôn trọng sự thật, không nên nói dối để cuộc sống của bản thân tốt đẹp hơn.
Bài 6: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do
Bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu đã gợi cho tôi nhiều cảm nhận. Tác giả đã sáng tác bài thơ vào tháng 8 năm 1954 - thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, chính niềm vui chiến thắng lan tỏa đến khắp mọi miền tổ quốc đã gợi nguồn cảm hứng thơ ca cho tác giả. Nhìn lại chặng đường cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ” nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc sung sướng, tự hào khi giành được chiến thắng, lòng căm thù giặc sâu sắc. Hình ảnh trung tâm của bài thơ “ta đi” kết hợp với một loại các địa danh được xuất hiện đã góp phần thể hiện tình cảm của tác giả một cách sinh động hơn, đó là niềm vui chiến thắng đã lan tỏa trên khắp mọi miền của tổ quốc. Khi đọc bài thơ, người đọc dường như cũng vui lây niềm vui của lúc bấy giờ. Tố Hữu giống như một người hướng dẫn viên du lịch, đưa người đọc trở về với miền kí ức xưa. Lịch sử đã ghi dấu dân tộc Việt Nam với lòng kiên trung, bất khuất đã làm tan tác những bóng thù hắc ám, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để đổi lại nền độc lập cho Tổ quốc. Không chỉ vậy, tác giả còn gửi gắm lời nhắc nhở mỗi con người chúng ta dù có đi đâu thì chúng ta vẫn là “con một cha, nhà một nóc”. Dù có như thế nào thì dòng máu con người Việt Nam vẫn chảy trong tim, ta vẫn luôn là “dân Cụ Hồ”, phải sống sao cho xứng đáng với cội nguồn đó.
Bài 7: Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
Thế giới có rất nhiều hiện tượng tự nhiên. Một trong những hiện tượng tự nhiên vô cùng đẹp đẽ và kì thú là sao băng.
Sao băng thực chất là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ lớn (khoảng 100 000 km/h). Lực ma sát của không khí đốt cháy thiên thạch làm nó phát sáng khi di chuyển.
Thiên thạch có nguồn gốc từ bụi vũ trụ, mạnh vụn từ sao chổi hoặc các tiểu hành tinh. Chúng ta có thể nhìn thấy sao băng là vì lượng nhiệt phát sinh do áp suất khi các thiên thạch đi vào khí quyển. Hầu hết các thiên thạch bị đốt cháy trước khi chạm vào mặt đất. Tuy nhiên, nếu có kích thước lớn, chúng có thể rơi xuống và tạo nên những hố lòng chảo sâu trên lục địa. Khi đó, sao băng sẽ không còn đẹp đẽ nữa mà sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Khi nhắc đến sao băng, không thể không nhắc đến mưa sao băng - hiện tượng nhiều sao băng xuất hiện đồng thời hoặc nối tiếp nhau từ chung một điểm xuất phát trên bầu trời. Trên thực tế, nguyên nhân chính gây xuất hiện mưa sao băng. Sao chổi gồm băng, bụi và đá di chuyển quanh Mặt Trời và quỹ đạo hình hypebol hoặc elip dẹt. Khi sao chổi chuyển động đến gần Mặt Trời, nó sẽ bị tan ra tạo thành những dải bụi trên quỹ đạo của mình. Nếu một ngôi sao chổi đi qua gần Trái Đất, các bụi khí của nó sẽ bay vào khí quyển làm xuất hiện rất nhiều sao băng nhỏ, gây ra mưa sao băng.
Hằng năm, bầu trời có thể xuất hiện nhiều sao băng, mưa sao băng. Mỗi trận mưa sao băng có thể kéo dài trong nhiều ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian mà sao băng xuất hiện nhiều nhất lại khá ngắn. Trong khoảng cực điểm đó, số lượng sao băng quan sát được có thể lên đến mười hoặc một trăm, hay nhiều hơn. Đôi lúc, còn có những trận mưa sao băng dày đặc, mật độ có thể lên đến hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sao mỗi giờ. Cơn mưa sao băng như vậy được gọi là bão sao băng.
Việc quan sát được sao băng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trời mây, độ ô nhiễm không khí của nơi đó hay ánh sáng của Mặt Trăng… Để có thể xem được cơn mưa sao băng hoàn hảo, chúng ta cần xác định được định hướng của các chòm sao. Những nơi có thể nhìn được chòm sao thì có thể dễ quan sát mưa sao băng hơn. Những nơi gần xích đạo Trái Đất sẽ dễ nhìn thấy sao băng nhất. Càng dần về hai cực, việc quan sát hiện tượng mưa sao băng sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều.
Từ xưa đến nay, theo quan niệm dân gian, con người luôn tin rằng, khi sao băng xuất hiện, nếu bạn thành tâm ước một điều gì đó, điều ước sẽ trở thành sự thật. Điều này vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều người vẫn tin vào nó.
Sao băng là một hiện tượng tự nhiên ẩn chứa nhiều điều thú vị. Bởi vậy, những người yêu thích thiên văn học rất mong muốn có thể được chiêm ngưỡng.
Bài 7: Nghị luận, bày tỏ ý kiến đồng tình hay phản đối về vấn đề môi trường, thiên nhiên
Con người và thiên nhiên có mối quan hệ vô cùng gắn bó. Bởi vậy mà có ý kiến khẳng định rằng thiên nhiên chính là một người bạn tốt của con người.
Đầu tiên, cần phải trả lời câu hỏi: “Thiên nhiên là gì”. Hiểu một cách đơn giản, thiên nhiên là những vật chất bao quanh con người, không do con người tạo ra mà tự sinh ra. Ví dụ như cây cối, muông thú, sông núi… Ở ý kiến trên, việc so sánh “thiên nhiên giống như người bạn tốt” cho thấy thiên nhiên cũng giống như người bạn tốt, “giúp đỡ” con người trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên với con người. Theo tôi, ý kiến trên là hoàn toàn đúng đắn.
Đầu tiên, thiên nhiên cung cấp cho con những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Đất đai để sinh sống, trồng trọt. Nguồn nước để tắm rửa, sinh hoạt. Không khí để trao đổi chất. Thiên nhiên cung cấp nguồn nguyên liệu, khoáng sản dồi dào phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, ngày càng nhiều khu du lịch sinh thái ra đời, phục vụ cho phát triển du lịch. Vẻ đẹp của nhiên cũng là niềm cảm hứng bất tận trong thơ ca, nhạc họa. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của thiên nhiên.
Một khi môi trường thiên nhiên bị tàn phá sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Trái Đất ngày càng nóng lên, các hình thức thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn hay các dịch bệnh mới xuất hiện. Từ sức khỏe của con người, đến sự phát triển kinh tế đều chịu ảnh hưởng của môi trường. Cuộc sống bình yên của nhân loại đang bị đe dọa từ chính những hành vi của chúng ta.
Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên. Một số việc làm tưởng như đơn giản nhưng rất có giá trị như vứt rác đúng nơi quy định, tích cực trồng rừng, hạn chế sử dụng đồ nhựa, tắt điện khi không sử dụng…
Như vậy, con người với thiên nhiên có một mối quan hệ mật thiết. Hãy trân trọng và bảo vệ thiên nhiên như với chính người bạn của mình, để cùng phát triển tốt đẹp hơn.
Bài 8: Bài văn kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia
Những hoạt động xã hội thường mang đến nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp. Một trong những hoạt động xã hội mà tôi vẫn thường tham gia là ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra do trường học tổ chức.
Mỗi năm, miền Trung thường phải hứng chịu những cơn bão. Dù người dân đã có những biện pháp phòng chống như gia cố nhà cửa, cất trữ lương thực lên cao hay di tản khỏi vùng tâm bão. Nhưng sau mỗi cơn bão, hậu quả ngay ra cho con người vẫn rất nặng nề. Chính vì vậy, nhân dân khắp cả nước đã cùng hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Trong đó, trường học của tôi đã phát động hoạt động: “Vì miền Trung ruột thịt”. Cuối tuần trước, cô tổng phụ trách đã tổ chức một buổi họp với cán bộ lớp. Với vai trò là lớp trưởng, tôi đã đến lắng nghe và ghi chép lại toàn bộ thông tin cần thiết. Sau đó, tôi đã phổ biến với các bạn trong lớp vào giờ sinh hoạt đầu tuần này. Hoạt động sẽ diễn ra trong một tuần, từ thứ hai đến thứ sáu tuần này. Chúng tôi có thể ủng hộ quần áo, thực phẩm, đồ dùng học tập hoặc một số tiền nhỏ... Các lớp trưởng sẽ tiến hành tổng hợp lại rồi đem nộp cho nhà trường vào thứ sáu. Sau đó, các thầy cô sẽ tổ chức một chuyến đi vào miền Trung để đem những món quà này cho người dân ở đó.
Khi nghe tôi phổ biến, các thành viên trong lớp đều rất hưởng ứng. Tôi đã xin mẹ một số tiền nhỏ để ra hiệu sách để mua một số đồ dùng học tập như bút bi, thước kẻ, hộp bút.... Trở về nhà, tôi còn lấy những cuốn sách giáo khoa của năm học trước vẫn còn mới và gói lại cẩn thận. Bố còn cho tôi hai trăm nghìn đồng để mang đến ủng hộ. Trong một tuần, các bạn trong lớp đã đem đến rất nhiều món đồ giá trị.
Sau một tuần nhận ủng hộ, chuyến xe nghĩa tình của trường đã xuất phát để đem vào những món quà cho người dân miền Trung, đặc biệt là các bạn học sinh. Tôi cảm thấy hoạt động này thật ý nghĩa. Tôi sẽ tích cực tham gia nhiều hoạt động như vậy hơn nữa.
Những việc làm tốt sẽ đem đến niềm vui cho con người. Chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội giàu ý nghĩa để biết lan tỏa yêu thương, nhận lại những điều tích cực cho bản thân.
Bài 9: Văn bản kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày… tháng… năm…
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Về việc: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đề tác phẩm văn học
Kính gửi: BGH Trường THCS Hai Bà Trưng
Em tên là: Đỗ Thu Hồng
Học sinh lớp: 8A1
Chức vụ: Lớp trưởng lớp 8A1
Trường: THCS Hai Bà Trưng
Em viết đơn này kính mong BGH giải quyết vấn đề: Tổ chức một buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học.
Nội dung sự việc: Tuần vừa qua, lớp chúng em học môn Ngữ Văn về tác phẩm Người mẹ vườn cau. Tác phẩm viết về một người mẹ Việt Nam anh hùng rất cảm động và sâu sắc.
Lí do viết đơn kiến nghị này: Cùng thời điểm đó, rạp chiếu phim có chiếu bộ phim tài liệu “Hai người mẹ” cũng kể về người mẹ Việt Nam anh hùng. Em nhận thấy nội dung phim có cùng chủ đề và nội dung gần với tác phẩm văn học đang học, có thể giúp chúng em củng cố thêm kiến thức và hiểu sâu được những nội dung mà tác phẩm truyền tải.
Yêu cầu cụ thể: Em thay mặt cả lớp viết đơn kiến nghị này mong muốn BGH xét duyệt ý nguyện tổ chức buổi đi xem phim cho cả lớp chúng em.
Em rất mong BGH sẽ xét duyệt đơn sớm. Em xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật!
Em xin cảm ơn!
Người làm đơn
Hồng
Đỗ Thu Hồng
Bài 10: Giới thiệu về hiện tượng núi lửa
Trong đời sống, chúng ta có thể biết đến rất nhiều hiện tượng tự nhiên thú vị. Một trong số đó có thể kể đến hiện tượng núi lửa.
Núi lửa là một vết đứt gãy của lớp vỏ trái đất, cho phép dung nham, tro núi lửa và khí thoát ra ngoài. Núi lửa khác với núi thông thường là sẽ có miệng ở đỉnh, qua từng thời kỳ, khoáng chất nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao sẽ phun ra ngoài thông qua miệng núi.
Về cơ chế hình thành, núi lửa được hình thành là do nhiệt độ bên dưới bề mặt Trái Đất rất nóng. Khi càng đi sâu về phía tâm Trái Đất, nhiệt độ sẽ càng tăng lên. Ở độ sâu khoảng 20 dặm trong lòng đất, nhiệt độ có thể lên tới 6000 độ C, có thể làm tan chảy mọi thứ, ngay cả các loại đá cứng nhất. Khi đá nóng chảy, chúng giãn nở và cần nhiều không gian hơn. Tại một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng lên. Áp suất ở bên dưới những ngọn núi này không lớn nên một hồ chứa đá nóng chảy hay còn gọi là mắc ma hình thành bên dưới. Đá nóng chảy liên tục được đẩy lên trên và kết quả là những ngọn núi liên tục tăng độ cao. Khi áp lực trong các hồ mắc ma cao hơn áp lực được tạo bởi lớp đá bên trên, mắc ma sẽ phụt lên và tạo thành núi lửa.
Việc phân loại núi lửa dựa vào nhiều tiêu chí. Xét về hình dáng có núi lửa hình chóp, núi lửa hình khiên. Còn xét về dạng thức hoạt động có núi lửa phun trào đang hoạt động (hay núi lửa thức), núi lửa đang phục hồi dung nham (hay núi lửa ngủ, núi lửa không còn khả năng hoạt động nữa (hay núi lửa chết). Theo Chương trình nghiên cứu Núi lửa toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ), hiện nay đang có 47 ngọn núi lửa đang trong tình trạng “tiếp tục phun trào”. Một số quốc gia có núi lửa hoạt động như: Mỹ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Nga…
Lợi ích của núi lửa mang lại một mỏ khoáng sản phong phú, giúp đất đai tươi xốp, màu mỡ và cung cấp năng lượng địa nhiệt hoặc thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy vậy, tác hại của núi lửa gây ra lại lớn hơn. Núi lửa phun trào với dòng dung nham có thể phá hoại mọi vật, thậm chí là tính mạng của con người. Ngoài ra, núi lửa cũng gây ô nhiễm môi trường do số lượng lớn tro bụi sinh ra sau mỗi đợt núi lửa phun trào, gây ra cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái cũng như suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Các ngọn núi lửa thường hoạt động ở dưới biển hoặc hoạt động xung quanh biển. Điều đó dẫn đến việc hình thành các cột sóng, cột nước cao khủng khiếp hay còn được gọi là sóng thần. Chúng tràn qua đại dương và đánh thẳng trực tiếp vào trong đất liền cuốn trôi và phá hủy tất cả.
Như vậy, núi lửa là một hiện tượng tự nhiên, mang đến nhiều lợi ích cũng như tác hại. Con người cần nắm được những kiến thức về hiện tượng này để biết cách phòng tránh và khắc phục.
Bài 11: Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích
Ai cũng đều thích đạt được thành tích tốt, có danh tiếng tốt và nhận được sự khen ngợi của mọi người xung quanh. Thế nhưng hiện nay, xã hội đã xuất hiện hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích đang gây ra nhiều tác hại.
Trước hết, “háo danh” là một hiện tượng tiêu cực, chỉ việc coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh” thành tích là là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được khen ngợi nhưng thực chất bên trong không được như vậy. Hiện tượng háo danh đôi khi chính là nguyên nhân gây ra căn “bệnh” thành tích, bởi chúng ta chỉ quan tâm đến bên ngoài - cốt sao cho danh tiến được tốt đẹp mà không chú trọng đến bên trong.
Xét về hướng tích cực, mọi người đều mong muốn trở một một người có giá trị. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu xuất phát từ năng lực cá nhân, được xã hội công nhận. Danh tiếng đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Nhưng ngược lại, nếu danh tiếng trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. Điều đó sẽ dẫn đến hiện tượng háo danh. Chúng ta có thể kể đến nhiều ví dụ trong cuộc sống, một nam ca sĩ đã trở thành tâm điểm phê phán khi tổ chức sự kiện quảng bá bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình lấy tên là Hào quang rực rỡ - The King. Khán giả cho rằng nam ca sĩ đã ngạo mạn khi tự xưng mình là The King - tạm dịch là vua. Năm 2019, một người đàn ông gây xôn xao dư luận khi nhận mình là một nhà báo quốc tế, Tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh… Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng mọi thứ chỉ là khai man, không được xác thực…
Cũng như vậy, thành tích chính là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của con người. Nhưng khi con người trở nên quá coi trọng thành tích, nó sẽ trở thành một căn bệnh. Và “ bệnh” thành tích đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề. Nhưng đáng báo động nhất là ngành giáo dục - khi đây là ngành đào tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”. Học sinh - những đối tượng chính của hoạt động giáo dục sẽ dần trở nên lười biếng, không chịu cố gắng học tập mà chỉ chạy theo những điểm số không có thật, trong khi kiến thức của bản thân vô cùng hạn hẹp. Thầy cô giáo chỉ biết chạy theo thành tích sẽ dẫn đến đánh mất đi nhiệt huyết với nghề nghiệp, không còn những bài giảng say sưa, tâm huyết. Đó còn là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu trong xã hội.
Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực của bản thân, đánh mất niềm tin của mọi người xung quanh. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải có năng lực thực sự. Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Ngoài ra, con người sẵn sàng lừa dối mọi người xung quanh và dần trở nên thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng háo danh cũng như “bệnh” thành tích. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người .
Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Mỗi người cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân, tránh xa hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích.