Nghị định 29/2017/NĐ-CP Quy định điều kiện cơ sở đào tạo tổ chức tuyển dụng cung ứng thuyền viên

Ngày 20/03/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên; điều kiện tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo huấn luyện thuyền viên và cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN VÀ TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG, CUNG ỨNG THUYỀN VIÊN HÀNG HẢI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên trên tàu biển năm 1978, sửa đổi, bổ sung năm 2010;

Căn cứ Công ước Lao động hàng hải năm 2006;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải, bao gồm: Điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải; tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải và các tổ chức, cá nhân liên quan đến đào tạo, huấn luyện, tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công ước STCW là tên viết tắt của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên trên tàu biển năm 1978, sửa đổi, bổ sung năm 2010 mà Việt Nam là thành viên.

2. Công ước MLC là tên viết tắt của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 mà Việt Nam là thành viên.

3. Cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải (sau đây viết tắt là cơ sở đào tạo, huấn luyện) là cơ sở huấn luyện thuyền viên làm việc trên tàu biển theo các quy định của Công ước STCW, được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo quy định tại Nghị định này.

4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) là văn bản do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp cho cơ sở đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

5. Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải là doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, cung ứng lao động là thuyền viên làm việc trên tàu biển thông qua hình thức cho thuê hoặc cho thuê lại hoặc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

6. Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải (sau đây viết tắt là Giấy xác nhận) là văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải để xác nhận sự phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải theo quy định của Công ước MLC.

7. Tổ chức chứng nhận có thẩm quyền bao gồm Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổ chức của Việt Nam hoặc tổ chức của nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận hợp chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương II

ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN THUYỀN VIÊN HÀNG HẢI

Điều 4. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.

1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đáp ứng mục đích, quy mô đào tạo, huấn luyện của từng chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Có Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001 do tổ chức chứng nhận có thẩm quyền cấp.

3. Có cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền viên hàng hải để tra cứu theo quy định của Công ước STCW.

Điều 5. Điều kiện về giảng viên và huấn luyện viên.

1. Đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

2. Giảng viên dạy lý thuyết phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với môn học hoặc chuyên ngành được phân công giảng dạy, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật.

3. Giảng viên, huấn luyện viên dạy thực hành phải có Giấy chứng nhận Huấn luyện viên chính hoặc chứng chỉ tương đương do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hoặc đơn vị được IMO công nhận cấp theo quy định của Công ước STCW; đã đảm nhiệm chức danh trên tàu biển với mức trách nhiệm sỹ quan quản lý trở lên tùy theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

4. Cơ sở đào tạo, huấn luyện phải có đủ về số lượng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên đáp ứng yêu cầu của từng chương trình, đào tạo huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó phải có tối thiểu 50% giảng viên, huấn luyện viên cơ hữu cho từng chương trình đào tạo, huấn luyện.

5. Tỷ lệ học viên/giảng viên, huấn luyện viên tối đa là 25 học viên/giảng viên, huấn luyện viên.

Điều 6. Điều kiện về chương trình đào tạo, huấn luyện.

Có đủ chương trình đào tạo, huấn luyện, tài liệu giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 7. Cấp Giấy chứng nhận.

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định này.

2. Cơ sở đào tạo, huấn luyện gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, huấn luyện;

c) Báo cáo thuyết minh các điều kiện bảo đảm cho hoạt động đào tạo, huấn luyện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo, huấn luyện hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 8. Cấp lại Giấy chứng nhận.

1. Giấy chứng nhận được cấp lại trong các trường hợp bị mất, bị hư hỏng hoặc có sự thay đổi các thông tin về cơ sở đào tạo, huấn luyện.

2. Cơ sở đào tạo, huấn luyện nộp trực tiếp hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ lý do cấp lại kèm theo các tài liệu chứng minh sự thay đổi thông tin về cơ sở đào tạo (nếu có). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Giao thông vận tải cấp lại Giấy chứng nhận; trường hợp không cấp lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Khi cấp lại Giấy chứng nhận, Bộ Giao thông phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận mới về việc thay thế Giấy chứng nhận cũ và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 9. Đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

1. Cơ sở đào tạo, huấn luyện bị đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải trong các trường hợp sau:

a) Không duy trì một trong các điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện quy định tại Nghị định này;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi nhà giáo, người học và người lao động trong cơ sở đào tạo, huấn luyện và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.

3. Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo, huấn luyện tiếp tục hoạt động đào tạo, huấn luyện.

Điều 10. Thu hồi Giấy chứng nhận.

1. Giấy chứng nhận của cơ sở đào tạo, huấn luyện bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở đào tạo, huấn luyện chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của cơ sở đào tạo, huấn luyện;

b) Cơ sở đào tạo, huấn luyện cố ý làm sai lệch thông tin khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận;

c) Cơ sở đào tạo, huấn luyện không tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải trong thời gian 18 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận;

d) Hết thời hạn đình chỉ mà cơ sở đào tạo, huấn luyện không khắc phục được vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan biết, để phối hợp quản lý.

3. Cơ sở, đào tạo huấn luyện phải chấm dứt ngay hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 11. Đánh giá cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam:

1. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải để đánh giá nội bộ về việc đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

2. Định kỳ 05 năm một lần, tổ chức đánh giá độc lập các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của Công ước STCW.

Chương III

CẤP GIẤY XÁC NHẬN PHÙ HỢP VỀ TUYỂN DỤNG, CUNG ỨNG THUYỀN VIÊN HÀNG HẢI

Điều 12. Các trường hợp cấp Giấy xác nhận.

Giấy xác nhận được cấp cho tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, cung ứng lao động là thuyền viên làm việc trên tàu biển thông qua hình thức cho thuê, cho thuê lại lao động hoặc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Thủ tục cấp Giấy xác nhận.

1. Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu giấy phép đưa thuyền viên đi làm việc ở nước ngoài hoặc giấy phép cho thuê hoặc cho thuê lại thuyền viên làm việc trên tàu biển dưới hình thức cho thuê, cho thuê lại lao động hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Bản sao chụp có chứng thực hoặc bản sao chụp kèm bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và Quy định 1.4 của Công ước MLC về dịch vụ tuyển dụng và cung ứng thuyền viên.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thông báo và hướng dẫn tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo thông tin về tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải được cấp Giấy xác nhận trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 14. Cấp lại Giấy xác nhận.

1. Giấy xác nhận được cấp lại trong các trường hợp Giấy xác nhận hết thời hạn sử dụng, bị mất, bị hư hỏng hoặc có thay đổi thông tin của tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

2. Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải nộp trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị cấp lại Giấy xác nhận, trong đó nêu rõ lý do cấp lại kèm theo các tài liệu chứng minh sự thay đổi thông tin về doanh nghiệp) (nếu có). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy xác nhận; trường hợp không cấp lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Khi cấp lại Giấy xác nhận, Cục Hàng hải Việt Nam phải ghi rõ trong Giấy xác nhận mới về việc thay thế Giấy xác nhận cũ và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 15. Thu hồi Giấy xác nhận.

1. Giấy xác nhận bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải không được cấp lại hoặc gia hạn hoặc bị thu hồi giấy phép thực hiện việc tuyển dụng, cung ứng thuyền viên làm việc trên tàu biển (giấy phép cho thuê, cho thuê lại lao động hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài);

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thu hồi Giấy xác nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện quản lý.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm