Nghị định 137/2013/NĐ-CP Hướng dẫn Luật điện lực và Luật điện lực sửa đổi
Nghị định 137/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực và Luật điện lực sửa đổi
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137/2013/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; quản lý nhu cầu điện; mua bán điện; giá điện; giấy phép hoạt động điện lực; điều tiết hoạt động điện lực; kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Điều 2. Tổ chức điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực
1. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực theo chu kỳ 05 năm hoặc trước thời hạn để đáp ứng kịp thời các yêu cầu thay đổi của phát triển kinh tế - xã hội.
2. Bộ Công Thương tổ chức lập và phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí để thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm cả kinh phí cho nhiệm vụ thẩm định và công bố; đăng ký kế hoạch kinh phí ngân sách nhà nước cho thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện lập và phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí để điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa phương, bao gồm cả kinh phí cho nhiệm vụ thẩm định và công bố; bố trí kế hoạch kinh phí ngân sách địa phương cho điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
Điều 3. Quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực; hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư phát triển điện lực hàng năm trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực được duyệt;
b) Công bố quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm cả quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế, giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trình Thủ tướng Chính phủ;
d) Tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;
đ) Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Công bố quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt;
b) Bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất tại địa phương cho các dự án điện lực trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt;
c) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư cho các dự án điện lực;
d) Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa phương;
đ) Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa phương, báo cáo Bộ Công Thương.
3. Chủ đầu tư các dự án điện lực có trách nhiệm:
a) Cấp đủ, kịp thời kinh phí cho đơn vị thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư dự án điện lực;
b) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các hồ sơ có liên quan đến việc cấp đất cho mặt bằng, hành lang an toàn, khu nhà ở của công nhân viên, khu di dân tái định cư của các dự án điện lực;
c) Phối hợp với đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư để triển khai bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng;
d) Định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực về tình hình triển khai thực hiện dự án.
4. Tổ chức, cá nhân có nhà và tài sản gắn với diện tích đất thuộc phạm vi mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án điện lực có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng thời hạn bàn giao mặt bằng trong quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp đối với diện tích đất dành cho công trình điện lực theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Hợp tác với đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư trong việc di dời, giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án nguồn điện, lưới điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư.
5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 và Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều này.
Điều 4. Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
1. Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật điện lực bao gồm:
a) Nhà máy điện hạt nhân;
b) Một số nhà máy thủy điện.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các nhà máy điện quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 5. Trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện
1. Đơn vị phát điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm cắt, trạm biến áp trong phạm vi quản lý của mình đồng bộ với trang thiết bị công nghệ phát điện để đấu nối với hệ thống điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng trong phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 6. Xây dựng, cải tạo lưới điện
1. Các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện xây dựng mới phải được thiết kế và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam.
2. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân có đường dây, trạm biến áp riêng chịu trách nhiệm đầu tư để cải tạo, nâng cấp đường dây, trạm biến áp của mình khi đơn vị truyền tải điện, phân phối điện xác định đường dây, trạm biến áp riêng đó không bảo đảm tiêu chuẩn vận hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Điều 7. Điều kiện đấu nối công trình điện lực vào lưới điện quốc gia
1. Công trình điện lực đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phải đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và có Thỏa thuận đấu nối với đơn vị quản lý lưới điện.
2. Bộ Công Thương quy định các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, phương pháp xác định chi phí đấu nối ban đầu, chi phí thuê quản lý vận hành hàng năm (nếu có); trình tự thực hiện đấu nối; mẫu Thỏa thuận đấu nối.
Điều 8. Hỗ trợ đầu tư phát triển điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Điều 9. Quản lý nhu cầu điện
Quản lý nhu cầu điện theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 16 Luật điện lực là những hoạt động khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và thấp điểm.
Điều 10. Trách nhiệm quản lý nhu cầu điện
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện và hướng dẫn, tổ chức thực hiện;
b) Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý nhu cầu điện;
c) Hướng dẫn các đơn vị điện lực thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện quản lý nhu cầu điện;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế tài chính để khuyến khích, hỗ trợ thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện; thực hiện nghiên cứu và phát triển liên quan đến quản lý nhu cầu điện.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Xây dựng chương trình và giải pháp để thực hiện quản lý nhu cầu điện, sử dụng điện hiệu quả của các nhóm khách hàng sử dụng điện thuộc phạm vi quản lý; đưa mục tiêu chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sản xuất của địa phương và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; tổ chức, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện quản lý nhu cầu điện, sử dụng điện hiệu quả;
b) Kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, sử dụng điện hiệu quả của các nhóm khách hàng sử dụng điện thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý nhu cầu điện, sử dụng điện hiệu quả.
3. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện;
b) Báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch quản lý nhu cầu điện theo quy định.
4. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm tham gia thực hiện các nội dung trong chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện.
Điều 11. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
1. Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực;
b) Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
2. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc khi có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 05 ngày làm việc trong đó nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện được.
4. Bộ Công Thương ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết