Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 7
Câu tục ngữ "Chết trong còn hơn sống đục" gửi gắm bài học lớn đến mỗi người. Hôm nay, Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục.
Dưới đây sẽ bao gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu lớp 7, mời các bạn học sinh cùng tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.
Giải thích câu tục ngữ Chết trong còn hơn sống đục
Dàn ý giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục
1. Mở bài
Giới thiệu về câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục”.
2. Thân bài
- “Chết trong”: Cái chết vì lý tưởng cao đẹp, chết vì lý tưởng vĩ đại.
- “Sống đục”: Sống một cách nhục nhã, hèn hạ.
- “Còn hơn”: So sánh không ngang bằng
=> Câu tục ngữ đề cao giá trị phẩm chất, nhân cách của con người.
- Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn nhân cách, phẩm chất tốt đẹp.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục”.
Giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục - Mẫu 1
Tục ngữ là kho tàng trí thức của nhân loại, gửi gắm nhiều bài học giá trị. Một trong số đó cần phải kể đến câu “Chết trong còn hơn sống đục”.
“Trong” và “đục” là hai từ trái nghĩa, chỉ trạng thái của sự vật. Nhưng khi đặt trong câu tục ngữ, lại mang ý nghĩa sâu sắc hơn. “Chết trong” là cái chết vinh quang, cao đẹp. Còn “sống đục” là sống hèn hạ, nhục nhã. Từ “còn hơn” ý muốn so sánh “chết trong” với “sống đục”. Chúng ta thà chết trong vinh quang, cao đẹp còn hơn và phải sống mãi trong nhục nhã, hổ thẹn.
Câu tục ngữ là một lời nhắn gửi đầy giá trị. Cuộc sống luôn tồn tại nhiều thử thách, đặt con người vào hoàn cảnh phải lựa chọn. Để giữ mình trong sạch, tránh xa cám dỗ, chúng ta cần phải có được lòng kiên định, ý thức được giá trị của bản thân và giữ gìn được nhân cách cao đẹp.
Có thể kể đến một nhân vật lịch sử là Trần Bình Trọng với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Rõ ràng, ông là một con người có nhân cách cao đẹp, sống hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hay trong ha i cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều người cộng sản yêu nước đã bị kẻ thù bắt giam, tra tấn khủng khiếp để ép khai ra những cơ mật. Đứng trước ranh giới giữa cái chết và sự sống, họ đón nhận lấy cái chết như một lẽ tự nhiên, để bảo toàn danh dự cá nhân. Dù vậy, vẫn còn một bộ phận nhỏ, họ sống một cách hèn nhát, lựa chọn bán nước để cầu vinh. Điều này thật đáng lên án!
Đối với học sinh - thế hệ trẻ cũng là tương lai của đất nước, chúng ta cần tích cực học tập, rèn luyện nhân cách. Dù đứng trước cám dỗ, hãy luôn biết sống sao cho cảm thấy thanh thản, tự hào.
Tóm lại, câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” tuy ngắn gọn nhưng là một lời khuyên vô cùng giá trị. Chúng ta hãy tích cực rèn luyện bản thân, sống ngay thẳng để trở thành những người có ích cho xã hội.
Giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục - Mẫu 2
Lòng tự trọng là điều mà con người cần có. Bởi vậy, ông cha ta đã có câu: “Chết trong còn hơn sống đục”.
Câu tục ngữ mang ý nghĩa to lớn, khuyên ngăn con người nên sống đúng đắn hơn trong cuộc sống. Chúng ta thà chết trong vinh quang, cao đẹp còn hơn phải sống nhục nhã, hèn hạ.
Trong cuộc sống, con người không chỉ cần có học vấn uyên bác, mà phải có đạo đức, nhân cách tốt đẹp. Một trong những phẩm chất tốt đẹp mà con người cần phải có là ngay thẳng, chính trực. Khi làm sai, cần phải biết thừa nhận lỗi lầm để sửa chữa. Chúng ta không nên dùng những lời nói dối để che đậy sai lầm của mình, bởi như vậy sẽ càng làm cho bản thân trở nên xấu hơn. Con người cần phải sống thật với bản thân, với gia đình, với mỗi người xung quanh thì mới cảm thấy hạnh phúc và thanh thản.
Con người quý trọng nhất là ở nhân cách cao đẹp. Để khi gặp phải những lời lẽ xấu xa, hay bị đổ oan sẽ không cảm thấy hổ thẹn. Con người biết giữ gìn phẩm chất trong sạch sẽ nhận được sự kính trọng, yêu mến của mọi người xung quanh. Chúng ta cũng không cảm thấy cuộc sống lãng phí. Ngay cả khi mất đi, người đó cũng sẽ để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” tuy ngắn gọn nhưng thật giàu giá trị đối với mỗi người.
Giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục - Mẫu 3
Cuộc sống luôn là những thử thách, là những khó khăn không thể ngờ trước. Thật vậy, nếu mỗi người không kiên cường vượt qua sẽ dễ dàng bị cuốn vào những cám dỗ của cuộc sống để rồi đánh mất nhân phẩm, nhân cách. Ai cũng có một lần để sống, nhưng sống sao cho đúng, cho đẹp thì không phải là một điều dễ dàng. Và thông điệp về lối sống cao đẹp đã được cha ông ta gửi gắm qua câu tục ngữ: “Chết trong còn hơn sống đục”.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời. Con người đều cần phải sống, lớn lên và trưởng thành. Thế nhưng sống sao cho đúng, sống sao cho đẹp thì không phải là một điều dễ dàng. Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” đã khẳng định một chân lý của cuộc sống. Đó là lối sống cao đẹp, sẵn sàng chết vì lý tưởng của mình, sống hết mình, cố gắng hết sức để đạt được lý tưởng ấy. Khi mình đã đặt ra mục tiêu thì đồng nghĩa với việc phải tự mình vượt qua những thử thách, dẫu con đường phía trước có gian nan, dẫu nhiều khổ đau, nhưng đó là lựa chọn của mình, đã là đam mê thì không thể từ bỏ. “Chết trong” là cách nói ẩn dụ cho lối sống ngay thẳng, trong sạch và nhận thiệt thòi, mất mát về vật chất nhưng quyết không đi ngược lại lẽ phải hay lí tưởng sống mà bản thân theo đuổi. Trái ngược với đó, “sống đục” là sống một cách hèn nhát mà không có một chút cố gắng, sống mà cứ phải sợ hãi đủ thứ, chôn vùi khát vọng của bản thân mình hoặc hèn nhát và chọn con đường tắt đi đến vạch đích của mình để rồi trở thành tội phạm, trở thành kẻ xấu xa, bị tha hóa. Và không chỉ có vậy, kẻ sống đục còn là kẻ vong ân bội nghĩa, không coi trọng danh dự bản thân để rồi lừa lọc buôn gian bán lận nhằm thu lợi nhuận về phía mình.
Lối sống cao cả, xả thân vì nghĩa, thà chết trong chứ không chịu sống đục đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là Lê Lai xả thân cứu chúa, rồi lại đến Trần Bình Trọng với tư tưởng trung quân quyết làm ma nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc. Thời kì chống Pháp khi chúng đổ quân vào Bắc Kì, trong tình thế nguy nan ngàn cân treo sợi tóc hai vị tổng đốc Hà thành là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuần tiết để không rơi vào tay giặc, tự tay kết liễu sinh mạng mình không một chút do dự. Và rồi những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp trong đầy thử thách và cam go, trong chín năm kháng chiến ấy quân dân Hà Nội đã tự nguyện đốt nhà ngăn giặc, hy sinh của cải và tính mạng của mình để phục vụ công cuộc bảo vệ tổ quốc. Băng qua những ngày tháng gian khổ chống Pháp dân tộc ta lại một lần nữa phải đối chọi với đế quốc Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Dù cho giặc có trang thiết bị hiện đại, được trang bị vũ khí tối tân với uy lực mạnh thế nhưng quân và dân ta vẫn cứ thế anh dũng xông lên chiến đấu, bất chấp tất cả dù biết đi là không thể trở về, đi là phải hy sinh. Và một trong những tấm gương anh dũng đó là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Đừng. Họ là những con người bằng da bằng thịt nhưng có tinh thần thép, dũng cảm chiến đấu hết mình mặc cho có phải hy sinh cả tính mạng. Bài ca vang dội về chiến công hiển hách của những vị anh hùng sẽ còn được vang lên mãi, trở thành tấm gương sáng ngời về lối sống cao đẹp " Chết trong còn hơn sống đục" của dân tộc.
Và câu chuyện về lối sống cao đẹp ấy đã được cha ông ta gìn giữ và truyền lại cho đời sau rất tốt. Họ răn dạy con cháu phải sống sao cho đúng, sống sao cho sạch, họ giáo dục con em mình dựa trên những tư tưởng cao đẹp của đạo Nho, đạo Phật. Cứ thế chúng ta lớn lên với sự thấm nhuần những triết lý cao đẹp ấy, biết sống sao cho xứng đáng với công nuôi dạy của cha mẹ, sống có lý tưởng cao đẹp, chết trong còn hơn sống đục. Và cũng chẳng phải bởi vì thấm nhuần đạo đức, lối sống cao đẹp này mà dân tộc ta đã có những bức tượng đài bất diệt về cuộc đời sáng trong như Trần Minh và Nguyễn Trãi với những nỗi oan xé lòng. Cả đời ông sống minh bạch, là một trung thần vừa có tài vừa có đức thế nhưng lại luôn gặp phải những bất công oan ức để rồi ông phải chịu nỗi oan giết vua dẫn đến diệt tộc…
Thời gian qua đi và khi con người tự mình dũng cảm vượt qua sóng gió sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng cáp hơn để tự vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Sống sao cho sạch, cho xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của người khác mới gọi là sống. Và nó cũng là thông điệp được gắm gửi qua câu tục ngữ: “Chết trong còn hơn sống đục”.
Giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục - Mẫu 4
“Chết trong còn hơn sống đục” - câu tục ngữ này mang ý nghĩa to lớn khuyên ngăn con người nên sống đúng đắn hơn trong cuộc sống, chết trong vinh còn hơn sống hèn nhát.
Câu tục ngữ mang ý nghĩa to lớn, khuyên ngăn con người nên sống đúng đắn hơn trong cuộc sống. Chúng ta thà chết trong vinh quang, cao đẹp còn hơn phải sống nhục nhã, hèn hạ.
Trong cuộc sống, con người chúng ta cần phải luôn cố gắng học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện bản thân của mình. Chúng ta không nên vì lợi ích cá nhân mà bán rẻ lương tâm của mình. Thà chết nhưng vinh quang còn hơn phải sống nhục nhã, hèn nhát.
Như chúng ta đều thấy anh hùng Võ Thị Sáu, dám hy sinh cuộc đời của mình, thà chết chứ không chịu bán đứng đất nước. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù nhưng chị vẫn ngẩng cao đầu mình trước lý tưởng của cách mạng, luôn thể hiện đúng đắn được giá trị của cuộc sống, đúng đắn thể hiện mọi lý tưởng, kiên định trên con đường tương lai của mình.
Một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải tự ý thức rèn luyện cho mình những phẩm chất đáng quý, luôn sống đúng đắn. Không chỉ rèn luyện về trí tuệ mà chúng ta cần phải trau dồi và rèn luyện về mặt đạo đức, thà sống chết trong vinh quang, còn hơn sống trong những nỗi tủi nhục, khổ cực.
Mỗi chúng ta cần phải có ý thức nhìn nhận lại chính mình trong cuộc đời của mình, luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phẩm chất của mình trước những vấn đề của cuộc sống, luôn kiên định trên con đường tri thức của mình. Không ngừng cải thiện bản thân, tu dưỡng và phát triển bản thân mình mỗi ngày, không ngừng học hỏi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thà chết vinh còn hơn sống nhục. Câu tục ngữ trên đã khuyên ngăn mỗi chúng ta nên sống đúng đắn hơn trong cuộc đời của mình.
Giải thích câu Chết trong còn hơn sống đục - Mẫu 5
Tự trọng là phẩm chất đạo đức hình thành nên nhân cách tốt đẹp của con người. Những người có lòng tự trọng thường được người xung quanh tôn trọng và tạo nên giá trị riêng cho bản thân mình. Chính vì thế đây cũng là vấn đề mà nhiều người cố gắng hướng đến. “Chết trong còn hơn sống nhục” là một câu tục ngữ tiêu biểu khi nói về tự trọng của con người.
“Trong” và đục” khiến chúng ta liên tưởng đến đặc điểm của nước ở trong một phạm vi nào đó, có thể là nước uống, nước ao hồ, sông suối. “Trong” ý chỉ nước sạch, không có tạp chất, bụi bẩn nào trái ngược với “đục” tức là nhiều tạp chất bụi bẩn. Nước trong thường sẽ được tận dụng làm những việc tốt, yêu cầu đến vệ sinh còn nước bẩn chỉ làm việc xấu, thậm chí còn không thể sử dụng. Qua hai khía cạnh “đục” và “trong” để nói về nhân cách, lối sống của mỗi người trong cuộc sống. “Trong” biểu tượng cho người lối sống thanh sạch, sống đẹp, sống đúng với các chuẩn mực đạo đức và đúng pháp luật. Trái lại “đục” biểu hiện cho lối sống trái với luân thường đạo lý, làm cả những việc trái đạo đức, trái pháp luật chỉ để bản thân hưởng lợi. Câu tục ngữ nhằm khuyên nhủ chúng ta rằng phải sống tốt, trong sạch chứ không luồn cúi, làm trái lương tâm.
Đúng vậy, câu tục ngữ là bài học sâu sắc ở mọi thời đại, trở thành lẽ sống cho nhiều người. Đứng trước cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách, đầy rẫy những cám dỗ của cuộc đời thì không phải ai cũng giữ vững lập trường của mình được. Để luôn giữ mình trong sạch, tránh xa cạm bẫy thì cần ở mỗi người sự kiên định rất lớn. Cũng có nhiều cái bẫy “ngọt ngào” mà nếu chúng ta không có đủ hiểu biết, không nhận xét, đánh giá được đúng sai và không ý thức được việc mình làm có ảnh hưởng như thế nào đến những người khác hay chính bản thân mình thì họ rất dễ vướng vào “bẫy”. Ở đời có khi cái tốt cách cái xấu trong gang tấc, chỉ sai một ly thôi mà có thể đi cả dặm và khó có thể quay đầu. Vậy nên trước khi làm một việc gì đó chúng ta cần suy nghĩ lợi hại và có sự cân nhắc. Bên cạnh đó cũng không ít lần dòng đời đưa đẩy ta đứng trước hai lối rẽ, một bên là con đường gian truân, một bên trái lương tâm, luồn cúi để có được thành công, hay một bên giữ được nhân cách, phong cách riêng cho mình còn một bên là đánh mất bản thân.
Chúng ta hãy cùng nhớ đến những nhà tù trong lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có rất nhiều người cộng sản, những nhà yêu nước bị bắt giam, bị tra tấn khủng khiếp để ép khai ra những cơ mật, hay những người khác. Khi đứng giữa ranh giới của sự sống, cái chết cùng mới sự mua chuộc của kẻ thù cũng có một vài người không chịu được trước những khổ hình mà phải khai ra nhưng hầu hết họ đều cắn chặt răng không khai nửa chữ, thà chết với vị thế là anh hùng, là đứa con của Tổ quốc chứ không làm bè lũ tay sai, bán nước. Đây quả là điều đáng khâm phục và là tấm gương cho chúng ta noi theo. Qua câu tục ngữ cũng đem lại cho chúng ta những giá trị to lớn về phẩm chất đạo đức đối với con người. Sống trên đời chúng ta cần rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, mỗi người cần tìm cho mình lý tưởng sống đúng đắn có như vậy cuộc sống mới ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi mỗi khi ta làm việc gì sai trái ta sẽ cảm thấy lương tâm cắn rứt và chẳng vui vẻ được lâu dài.
Tự trọng là phẩm chất cần có ở mỗi người và nó còn được hình thành ngay từ những việc thường ngày trong cuộc sống và ngay từ khi chúng ta còn nhỏ. “Vô công bất thụ lộc”, tránh xa những cám dỗ của cuộc sống, không vì lợi ích của bản thân mà bán rẻ lương tâm làm những việc trái với luân thường đạo lý, dù “chết” không sờn giống như ông cha ta từng nói: “Chết vinh còn hơn sống nhục”.