Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2025 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Nam Định Đề thi minh họa môn Ngữ văn 2025 (Có đáp án)
Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Nam Định có đáp án kèm theo giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu luyện đề nắm được cấu trúc đề thi.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2025 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng là tài liệu vô cùng hữu ích được biên soạn bám sát nội dung đề minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn học sinh thuận tiện so sánh đối chiếu với bài làm của mình. Ngoài ra các bạn xem thêm: bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2025 môn GDKT&PL, đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2025 trường Trần Nhân Tông.
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2025 trường Lý Tự Trọng
Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ văn
Trường THPT Lý Tự Trọng
|
ĐỀ THAM KHẢO THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề Đề có : 02 trang |
I.PHẦN ĐỌC (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Chữ quốc ngữ
Xưa kia tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, nhưng từ khi phép học đổi mới thì tiếng Việt lại viết bằng một thứ chữ mới gọi là chữ quốc ngữ.
Thứ chữ này nguyên do các nhà truyền giáo Gia Tô đặt ra. Vào khoảng thế kỉ 16, 17, khi họ mới sang nước ta, thì có lẽ mỗi người lấy mẫu tự của nước mình mà đặt ra một lối chữ riêng để dịch tiếng bản xứ cho tiện việc giảng dạy tín đồ. Các lối chữ riêng ấy, sau do hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, rồi sau đến cha cố A. de Rhodes người Pháp tổ chức lại thành một thứ chữ thông dụng chung trong giáo hội, tức là thủy tổ của chữ quốc ngữ ngày nay. Giáo sĩ A. de Rhodes đem thứ chữ ấy biên thành một bộ tự điển và một quyển giáo lí vấn đáp.
Trang đầu “Phép giảng tám ngày” in năm 1651 của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes.
Bên trái là tiếng Latinh, bên phải là tiếng Việt viết bằng chữ Quốc ngữ.
Sau đó non hai trăm năm, giám mục d’Adran sửa sang lại mà thành bộ tự điển Việt ngữ sang La Tinh ngữ, nhưng làm chưa xong thì ông mất. Tiếp đó có giám mục Taberd tiếp tục biên thành bộ tự điển An Nam – La Tinh. Xem chữ quốc ngữ trong bộ tự điển ấy giống hệt như chữ quốc ngữ ngày nay, cho nên ta có thể nói rằng thể thức chữ quốc ngữ ngày nay là do hai giám mục d’Adran và Taberd xác định.
Buổi đầu chỉ có các nhà truyền giáo dùng chữ quốc ngữ để dịch những kinh sách nhật tụng cùng sách giáo lí vấn đáp. Đến sau khi Việt Nam thành thuộc địa (1867), Chính phủ đem chữ quốc ngữ dạy ở trường học, các nhà tân học bấy giờ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng dùng chữ quốc ngữ để viết văn. Ở Trung Việt bấy giờ có ông Nguyễn Trường Tộ xin triều đình thông dụng chữ quốc ngữ, nhưng trong buổi Hán học thịnh hành, lời đề xướng của ông không ai để ý đến. Đến đầu thế kỉ 20 thì các nhà học giả Bắc Việt như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính cũng bắt chước văn sĩ Nam Việt dùng chữ quốc ngữ để viết sách, viết báo.
Năm 1906, chính phủ Bắc Việt đặt Hội đồng cải cách học vụ, sửa lại chương trình và bắt đầu dùng chữ quốc ngữ làm món giáo khoa phụ. Năm 1908 ở Trung Việt đặt bộ Học để thi hành việc ấy. Thế là chữ quốc ngữ được chính phủ thừa nhận đem dùng trong nhà trường. Đến năm 1915 và 1919, ở Bắc Việt và Trung Việt bỏ khoa cử, từ đó chữ quốc ngữ có địa vị trọng yếu trong chương trình học vụ, rồi dần dần thông dụng khắp ba miền.
(Trích Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Văn bản trên viết về vấn đề gì?
Câu 2. Các thông tin trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nào?
Câu 3. Nội dung và nhan đề của văn bản có phù hợp với nhau không? Lí giải?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản?
Câu 5. Từ văn bản trên, anh/chị có suy nghĩ gì về thực trạng viết sai chính tả chữ quốc ngữ của giới trẻ hiện nay.
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về các giải pháp cần có để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu 2. (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh đánh giá hai đoạn trích sau đây:
Đoạn trích 1:
(Bối cảnh đoạn trích: Tường đi bộ đội hơn sáu năm không có tin tức gì. Hòa bình, anh may mắn còn sống trở về làng với gương mặt “đã chết” khó mà nhận ra. Tường về đến cây đa đầu làng Trọng Nhân thì trời đã mãn chiều. Anh tạt vào quán nước dưới gốc đa và hỏi thăm về tình hình gia đình mình sau bao năm xa cách. Cô bé trông coi quán nước kinh ngạc khi nhìn thấy khuôn mặt Tường, rồi cầm quyển sách vào trong rất nhanh.
– Chú bộ đội quê ở đâu ta? – Bà già còng lưng chậm rãi từ trong đi ra. Tường nhận ra bà Còm. Bà già nhiều và yếu, lưng còng hơn ngày anh ở nhà.
– Dạ! Cháu quê tận Nghệ An. Bà ở luôn đây à?
– Ấy! Trước bà ở trong làng, sáng đem ra bán, tối lại dọn về. Từ ngày thằng Cu Theo có giấy báo tử, bà yếu nhiều không dọn đi, dọn về được, nghỉ luôn ở đây. Đứa cháu lúc nãy đấy, tối ra học rồi ngủ chung với bà.
Lòng Tường chợt se lại. …
– Cảm ơn bà! Cháu là bạn anh Tường làng Trọng Nhân đây bà ạ!
– Giời đất ơi! Quý hóa quá! Bom đạn đã ngừng năm sáu năm rồi. Làng này chết sáu, bảy chục. Đứa nào còn sống về cả rồi. Chỉ còn mỗi thằng Tường chẳng biết sống chết ra sao chưa thấy về mà cũng không có giấy báo tử. Chuyến này chú về là ông bà Tân mừng lắm.
– Dạo ni ông bà Tân có khỏe không bà. O Thương vợ anh Tường bây giờ ra răng ạ…? Anh hỏi liên tục.
– Ôi dào ơi! Già cả rồi! ì oặt luôn. Chú này, cái đám cô Thương ấy mà. Có khối đám đến dập dìu đấy. Ông bà Tân chỉ ưng gả con dâu cho anh giáo Mười thôi.
Lòng Tường thắt lại. Anh hoang mang. Tim anh đập loạn xạ. Phải về thôi! Về ngay nhà. Thương ơi! Tất cả hãy dừng lại. Anh đang về với em đây.
Tối chạng vạng.
Tường bước vội trên con đường lát gạch về làng Trọng Nhân. Hơn sáu năm đi xa, chắc bây giờ mẹ anh già lắm. Có già như bà Còm không. Anh đổi khác, mẹ anh có nhận ra không. Còn bố anh có còn đi làm thợ thùng đào, thùng đấu nữa không. Cái nghề ấy khổ lắm bố ơi. Và Thương nữa! Tường nhớ lại cây đa hai trăm tuổi đã nhiều lần chứng kiến tình yêu của anh. Ôi! Những giọt trăng lọt qua kẽ lá rơi xuống tóc, vai Thương. Mùi hương bưởi thoảng bay ra từ suối tóc mây.
[…] Lòng anh rạo rực […]
– Chị Thương! Có tắm thì ào đi còn ăn cơm. Bà ấy không về đâu.
Tường bừng tỉnh. Đúng là tiếng bố rồi.
– Thầy cứ uống rượu trước đi. U cũng bảo con vài hôm u mới về.
Tiếng nói của Thương vẫn như xưa, dịu dàng và đằm thắm.
– Bố rất quý cái nết anh giáo Mười. Anh giáo với con ở đây bố mẹ yên tâm lúc tuổi già. Anh giáo cũng giản dị, đã đi lính rồi nên dễ thông cảm.
Tai Tường ù đi. Chiến tranh. Xa cách. Mất mát. Chia ly và chiến thắng. Anh rùng mình nhớ lại: ánh mắt trố ra kinh ngạc của cô gái, lời bà Còm, tiếng kêu kinh ngạc của thằng bé, cái mặt ông ác, tiếng nói của cha. Lòng anh quặn lại. Ngôi nhà bỗng trở nên xa lạ…
Tường quay đầu, khoác ba lô đi ra đường. Tường vấp ngã. Anh luống cuống ngồi dậy. Nước mắt tự nhiên ứa ra. Anh cứ đi, bước thấp, bước cao, hẫng hụt.
(Trích Đêm làng Trọng Nhân, Sương Nguyệt Minh, NXB Quân đội nhân dân, 1998)
Chú thích: Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình. Ông là nhà văn quân đội, đến với nghiệp văn chương khá muộn màng, năm 1992, lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước khi đến với nghiệp văn, ông từng làm nhiều nghề sinh nhai. Hiện tại, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang công tác tại Ban Sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Đoạn trích 2:
(Bối cảnh đoạn trích: Nhân vật “tôi” là một nhà báo, đang trên hành trình tìm đề tài để viết. “Tôi” đã được gặp và trò chuyện với ông Quải - một người cựu chiến binh trở về sau chiến tranh và phải vật lộn với muôn vàn khó khăn thời hậu chiến. Ông Quải đã kể cho “tôi” nghe về cuộc sống của ông và gia đình ông. Cuộc trò chuyện diễn ra ở nhà ông Quải).
Ông Quải như chả chú ý tới những nghi ngờ của vợ về một ông khách mới quen lại quá tò mò. Ông vẫn tiếp tục kể cho tôi nghe những năm tháng đầu tiên ông trở về nhà sống với một người bố đã già đã yếu và hai đứa con còn nhỏ dại. Về được hai năm thì bố chết, đưa bố ra đồng xong về nhà vét vội không được vài ống gạo. Trời mưa trong nhà như ngoài sân mới vay tiền mua trăm ngói, mà mua cũng khó khăn lắm, trèo lên cào mùn gianh rồi úp tạm ngói lên chống dột. Năm sau thì cưới vợ là bà nhà tôi bây giờ. Nhà đã khó nay lại đẻ thêm con đỏ nên càng khó. Bằng tuổi tôi người ta thì bồng cháu, mình tóc đã muối tiêu còn bồng con nhỏ là rất nghịch cảnh. Cũng may bà nhà tôi tháo vát, lại rất thương chồng và con chồng, khó đến mấy cũng chỉ cười. Mấy đứa con tôi cũng học được cái tính của bà ấy nên cái nhà này không vì túng thiếu mà to tiếng với nhau. Chỉ có tôi là hay to tiếng thôi, quát tháo ầm ỹ một lúc không có ai đối lời lại, tự mình cũng ngượng với mình rồi câm miệng luôn. Cả làng này biết tính tôi nên chả ai nỡ giận. "Mình làm khổ mình đã đủ còn ai nỡ giận mình nữa." Nói rồi lại cười, từ lúc ngồi trò chuyện với tôi ông cũng hay cười. Cười được cũng vơi nhẹ cái buồn cái tức đi nhiều lắm. Mươi năm trở lại đây nhà ông không phải lo đến miếng ăn nữa. Nhưng ông vẫn chỉ ăn cơm với dưa với mắm, đụng đũa vào cá rán, cá nấu, thịt gà, trứng vịt là nôn ói liền. Cái "không bằng người" ấy chả quy lỗi cho ai được, chỉ tại cái trò chơi khăm của ông giời đó thôi. Nhưng nhìn quanh thì vẫn không bằng người, người ta làm được nhà gác thì ông mới chuẩn bị làm lại cái nhà đang ở, người ta đi xe máy thì bố con ông mới có cái xe đạp Trung Quốc. Vẫn là thua người, tính toán trí lực hơn người mà thua mưu cả đứa trẻ nên càng tức. Ông kể: "Mấy năm nọ cả xã này đổ xô đi buôn long nhãn, nhiều người xây được nhà gác là nhờ cái đận ấy đấy. Tôi cũng buôn. Long nhãn của nhà được vài tạ, mua vào gần hai tấn nữa. Lúc mua có 100, 105 ngàn một ký. Giá lên 110, 115 ngàn vẫn không bán vì đám buôn đồ chừng phải lên đến 120, 125. Nào ngờ nó lại tụt dần xuống, tụt xuống rồi lại lên, cái trò cung cầu của cơ chế thị trường nó ưỡn ẹo đồng bóng lắm, gan thì được, nhát thì thua. Thi gan thì nhất tôi rồi. Đánh nhau mười năm với Mỹ không gan có mà chết sớm. Cái sống chết ở chiến trường có thể gan tới cùng, với lại chỉ có một mình mình đối mặt với cái chết, đòm một phát, coi như xong, chả bận bịu tới ai cả. Đằng này là cái no cái đói; sau lưng mình còn một bầy thê tử họ lại không muốn bị đói mãi nên chỉ dám gan đến cái mức nào đó thôi, rồi đành thở dài chịu thua vậy.
(Trích “Giận ông giời”, Nguyễn Khải, https://nhandan.vn/gian-ong-gioi-truyen-ngan-cua-nguyen-khai-post408195.html).
Chú thích: Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Quê nội ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi. Đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng Tám. Trong Kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Khải gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962)…
-----HẾT-----
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2025
Xem đầy đủ đáp án đề thi trong file tải về
Chọn file cần tải:
Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:
