Công văn 4763/BYT-KH-TC Hướng dẫn triển khai Thông tư về giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Ngày 16/08/2019, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4363/BYT-KH-TC về việc triển khai Thông tư 13/2019/TT-BYTThông tư 14/2019/TT-BYT quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Sau đây là nội dung chi tiết Công văn, mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4763/BYT-KH-TC
V/v triển khai Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT quy định về giá dịch vụ KB, CB.

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2019

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Thực hiện quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật giá, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ; Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 là 1,49 triệu đồng/tháng; Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 04/7/2019 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 03/7/2019. Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã ban hành 2 Thông tư gồm:

- Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp (sau đây gọi là Thông tư số 13/2019/TT-BYT);

- Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp (sau đây gọi là Thông tư số 14/2019/TT-BYT).

So với Thông tư số 37/2018/TT-BYT và Thông tư số 39/2018/TT-BYT nêu trên, mức giá tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng/tháng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018) sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019). Mức giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, mức giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng bình quân 1,1%.

Để triển khai các Thông tư đúng quy định, đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW (sau đây gọi là UBND tỉnh) chỉ đạo Sở Y tế và Sở Tài chính phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện 2 Thông tư nêu trên, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

1. Đối với việc triển khai Thông tư số 13/2019/TT-BYT:

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/8/2019, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng mức giá và các quy định tại Thông tư này đúng ngày Thông tư có hiệu lực thi hành là ngày 20/8/2019.

2. Đối với việc triển khai Thông tư số 14/2019/TT-BYT:

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật giá, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT nêu trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (HĐND tỉnh) quyết định mức giá cụ thể và thời điểm thực hiện tại các cơ sở y tế của Nhà nước thuộc địa phương quản lý. Bộ Y tế đề nghị:

2.1. Về mức giá:

Mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT bằng mức giá quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT. Để thống nhất mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa người không có BHYT và người có BHYT trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ nguyên tắc định giá quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật giá, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu để UBND trình HĐND tỉnh quyết định mức giá cụ thể áp dụng tại các cơ sở y tế của Nhà nước thuộc địa phương quản lý bằng mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT. (Khi áp dụng mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT thì không cần thiết xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, phương án giá dịch vụ).

Trường hợp các địa phương chưa có Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện mức giá theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT nêu trên thì đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thực hiện mức giá quy định tại Thông tư 14/2019/TT-BYT.

2.2. Về thời điểm thực hiện:

Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT cả nước đã đạt trên 89% dân số, nhiều địa phương đã đạt gần 100% nên việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB không thanh toán từ quỹ BHYT theo Thông tư số 14/2019/TT-BYT sẽ tác động không nhiều đến người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét áp dụng mức giá cho đối tượng không thanh toán từ quỹ BHYT theo quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT trong năm 2019.

3. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và nắm được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo các Thông tư nêu trên là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước. Chuyển dần ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

4. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục bảo đảm các chi phí còn thiếu do giá dịch vụ chưa tính đủ chi phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ phân loại và giao đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên đối với các đơn vị có số thu lớn hơn hoặc bằng số chi theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Các đơn vị cung ứng được ít dịch vụ, có khó khăn về nguồn thu như các bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện phong, tâm thần, y học cổ truyền... cần phải rà soát, nếu thu không đủ chi thì phải tiếp tục phân loại và giao tự chủ theo loại đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Ngân sách địa phương phải tiếp tục bảo đảm phần còn thiếu, đặc biệt là tiền lương để các đơn vị có nguồn chi trả tiền lương theo chế độ do Nhà nước quy định và một số khoản chi ngoài thường xuyên như mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở... để nâng cao chất lượng dịch vụ.

5. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:

- Công khai bảng giá dịch vụ bằng bảng mica hoặc bảng điện tử tại Khoa khám bệnh, nơi đón tiếp, nơi thanh toán viện phí, trên Website của đơn vị để người bệnh biết, thuận lợi cho việc thực hiện.

- Chủ động sử dụng ngân sách được giao và nguồn thu, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để: sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, trang thiết bị, dụng cụ khám bệnh, tăng cường và hợp đồng thêm nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám không để người bệnh chờ lâu; mua sắm bổ sung bàn, ghế, giường, tủ, các trang thiết bị của các buồng bệnh, thay thế các trang thiết bị cũ, hư hỏng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh (phải mua và trang bị chăn, ga, gối, đệm, quần áo bệnh nhân...).

- Cải tiến khâu thu và thanh toán viện phí, áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cải tiến khâu cấp phát thuốc BHYT để giảm thời gian chờ thanh toán viện phí cũng như lấy thuốc của người bệnh. Cải tiến khu vực đón tiếp, bố trí nhân viên hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh khi làm các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh.

- Thực hiện các giải pháp để giảm dần tình trạng nằm ghép, xây dựng và triển khai các Đề án bệnh viện vệ tinh, kết hợp trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân giữa các bệnh viện trên địa bàn. Tổ chức tập huấn, thực hiện theo đúng quy trình chẩn đoán và điều trị; bảo đảm đủ thuốc theo danh mục thuốc được BHYT thanh toán.

- Các đơn vị phải triển khai tập huấn, phổ biến nội dung của Thông tư đến tất cả các cán bộ liên quan để thu đúng theo giá dịch vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong giá dịch vụ (trừ các chi phí vật tư, hóa chất, chưa tính vào giá đã được ghi chú cụ thể, phần đồng chi trả theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu). Không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân (do giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm các chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân).

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các nội dung nêu trên để việc triển khai các Thông tư nêu trên có hiệu quả đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn./.

Nơi nhận:
- Như trên;

- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- HĐND các tỉnh/ thành phố (để chỉ đạo);
- Bộ Tài chính; BHXH Việt Nam;
- Sở Y tế, Sở Tài chính các tỉnh/TP thuộc TW;
- Cục QL KCB, Vụ BHYT; Vụ PC;
- Lưu: VT, KHTC(4).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm