Cảm nghĩ về một bài ca dao hoặc bài thơ nói về cảnh đẹp quê hương, đất nước Trao đổi Vẻ đẹp cuộc sống - Tiếng Việt 5 Cánh diều
Phát biểu cảm nghĩ của em về một bài ca dao (hoặc bài thơ) đã học (hoặc đã đọc) nói về cảnh đẹp quê hương đất nước gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em dễ dàng nói lên suy nghĩ của mình về vẻ đẹp quê hương, đất nước.
Qua đó, các em học sinh lớp 5 sẽ có thêm nhiều vốn kiến thức, nhanh chóng trả lời các câu hỏi tiết Nói và nghe: Trao đổi Vẻ đẹp cuộc sống - SGK Tiếng Việt 5 tập 2 Cánh diều trang 8, 9. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về một bài ca dao (hoặc bài thơ) đã học (hoặc đã đọc) nói về cảnh đẹp quê hương đất nước.
Cảm nghĩ về một bài ca dao hoặc bài thơ nói về cảnh đẹp quê hương, đất nước
Cảm nghĩ về bài thơ Việt Nam Quê Hương Ta
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
(Trích “Việt Nam quê hương ta” – Nguyễn Đình Thi)
Đoạn thơ trên thuộc khổ đầu bài thơ Việt Nam Quê Hương Ta của tác giả Nguyễn Đình Thi, bộc lộ cảm xúc tự hào của tác giả trước vẻ trù phú, giàu đẹp của đất nước ta. Sự giàu đẹp và đáng yêu đó được gợi ra từ biện pháp tu từ càng làm tăng vẻ đẹp thiêng liêng của đất nước, làm nổi bật tình cảm yêu mến, tự hào, tôn trọng, ngợi ca về vẻ đẹp trù phú, nên thơ của đất nước mình. Bởi đất nước mình đáng ngợi ca lắm với biển lúa tươi tốt dài rộng, bát ngát, mênh mông hứa hẹn một mùa no ấm, bội thu.
Cảm nghĩ về một bài ca dao nói về cảnh đẹp quê hương, đất nước
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Bài ca dao mang màu sắc một bài thơ cổ điển, miêu tả cảnh Hà Nội (Thăng Long xưa) đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Mỗi lần đọc bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà", em đều thêm yêu quê hương, đất nước mình. Điều khiến em đặc biệt yêu thích ở bài ca dao chính là bức tranh thiên nhiên thơ mộng: "Gió đưa cành trúc la đà", "Mịt mù khói tỏa ngàn sương". Động từ "đưa" và "la đà" đã diễn tả được hình ảnh cành trúc đưa đi, đưa lại một cách nhẹ nhàng trước gió. Cảnh vật bị bao trùm trong tấm màn mờ ảo của khói sương càng làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên trữ tình. Không những vậy, âm thanh đời sống càng nhấn mạnh vẻ đẹp thanh bình, yên ả của vùng đất ngàn năm văn hiến. Đó là tiếng chuông chùa Trấn Vũ, tiếng gà báo canh ở huyện Thọ Xương, tiếng nhịp chày làm giấy ở làng Yên Thái. Tất cả tạo nên bức tranh tươi đẹp, lay động lòng người. Để làm nên sức hấp dẫn của bài ca dao, ta không thể không nhắc tới thể thơ lục bát truyền thống với cách ngắt nhịp 2/2/2, 4/4 cùng ngôn từ giản dị, mang đậm màu sắc dân gian. Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã miêu tả bức tranh Thăng Long xưa với những đường nét hài hòa, tinh tế. Từ đó, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Đọc bài ca dao, em càng thêm yêu, tự hào về đất nước mình.