Bộ đề đọc hiểu Truyện truyền kì Văn 9 10 đề đọc hiểu Văn 9 - Thể loại Truyện Truyền kì

Bộ đề đọc hiểu Truyện truyền kì Văn 9 gồm 10 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 9 trả lời thật thành thạo các câu hỏi đọc hiểu xoay quanh thể loại truyện truyền kì học trong chương trình Văn 9 sách Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạoCánh diều.

Với 10 đề đọc hiểu Truyện truyền kì lớp 9, các em sẽ hiểu hơn về thể loại truyện truyền kì, ôn tập và học thật tốt môn Văn 9. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

Luyện đề đọc hiểu thể loại Truyện truyền kì lớp 9

ĐỀ 1

Đọc văn bản sau:

(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ cô cha, nhà nghèo nên học hành dang dở, chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mối manh đến hỏi. Nguyễn sinh nhờ mẹ bảo người mối manh đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)

Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:

- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?

Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.

Nguyễn sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.

(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424-426)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên?

Câu 2. Nêu chủ đề của văn bản.

Câu 3. Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh nào?

Câu 4. Nêu cảm nhận của em về chi tiết “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

Câu 5. Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1: Truyện truyền kỳ.

Câu 2: Chủ đề của truyện: Qua câu chuyện tình yêu bi kịch của chàng trai và cô gái ở Thanh Trì, tác giả Vũ Trinh muốn thể hiện khát vọng tình yêu tự do của lứa đôi thời phong kiến và phê phán sự ngăn cản của gia đình đại diện cho sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa.

Câu 3: Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh: Sau vài năm chàng trai đi xa, nay có đủ vàng về lo chuyện cưới xin, đến nhà cô gái mới hay cô đã chết vì nỗi oan tình. Chàng đến viếng nàng và được bố cô đem cho xem chiếc hộp con chứa khối đỏ mà thể xác con gái sau khi chết đã để lại.

Câu 4: Trình bày cảm nhận của em về chi tiết “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

- Chi tiết kì ảo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

- Chi tiết cho thấy nỗi đau đớn của chàng trai trước sự ra đi của cô gái. Giọt nước mắt của chàng trai là giọt nước mắt của sự thấu hiểu, của yêu thương và đau xót vô hạn khi người mình yêu vĩnh viễn ra đi.

- Khối đỏ kia tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng đem đến liên tưởng cho người đọc về sự hóa giải oan tình, để người ra đi được thanh thản.

Câu 5: Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ về khát vọng tình yêu thời phong kiến:

- Câu chuyện tình ở Thành Trì là mối tình giữa chàng trai nghèo làm nghề chèo đò với cô gái con nhà giàu. Cô gái chủ động mong muốn kết duyên với chàng trai, chàng trai cũng mong kết duyên cùng nàng, điều đó thể hiện khát vọng tình yêu tự do vượt lên trên những hà khắc của lễ giáo phong kiến, định kiến phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Kết thúc của mối tình là kết thúc bi kịch.

- Suy nghĩ về khát vọng tình yêu trong xã hội phong kiến:

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,...

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ.

ĐỀ 2

Đọc văn bản sau:

"Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.

Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói: - Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên. Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:

- Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng. Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên…"

(Trích chuyện Phạm Tử Hử lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ, 2016, Tr.142)

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên

Câu 2. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng?

Câu 3. Từ Hán Việt "kiềm thúc" được hiểu nghĩa như thế nào?

Câu 4: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 5. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, em có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. Thể loại của đoạn trích trên: Truyền kì.

Câu 2. Điều khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng là: Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi

Câu 3. Từ Hán Việt "kiềm thúc" được hiểu là: Kiềm chế bó buộc trong hoạt động.

Câu 4: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích:

- Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư.

- Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

- Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tố.

Câu 5. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, em có suy nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta như sau: Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của nhân dân ta. Truyền thống nhằm để tôn vinh, kính trọng và sự biết ơn của mỗi cá nhân đối với người thầy của mình.

Những biểu hiện của người học khi phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong thực tế:

- Tôn trọng, lễ phép với các thầy cô giáo, chăm chỉ học tập rèn đức luyện tài.

- Luôn nghĩ về công lao thầy cô, mong muốn được đền đáp. …

...

>> Tải file để tham khảo trọn bộ!

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Ngữ văn 9
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm