Bài tập Tết môn Ngữ văn 7 sách Chân trời sáng tạo Phiếu khai bút đầu xuân năm 2025

Bài tập Tết môn Ngữ văn 7 sách Chân trời sáng tạo gồm 2 phiếu bài tập là tài liệu cực hay dành cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng nhằm củng cố kiến thức đã học trong học kỳ 1 đồng thời rèn luyện kỹ năng giải các bài tập cho các em. Mặt khác phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 là cơ sở để đánh giá tính cần cù siêng năng, ham học hỏi, ham hiểu biết, sự cố gắng phấn đấu của mỗi học sinh. Vậy sau đây là mẫu phiếu bài tập Tết Văn 7 Chân trời sáng tạo mời các bạn cùng tham khảo nhé. Ngoài ra các bạn xem thêm: bài tập Tết môn Toán 7, bài tập Tết môn Tiếng Anh 7.

Lưu ý: Các con trình bày bài ra giấy kiểm tra theo các đề, nộp lại cho giáo viên bộ môn sau khi đi học trở lại.

Bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 1

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:

QUẢ SẤU NON TRÊN CAO

Chót trên cành cao vót
Mấy quả sấu con con
Như mấy chiếc khuy lục
Trên áo trời xanh non.

Trời rộng lớn muôn trùng
Đóng khung vào cửa sổ
Làm mấy quả sấu tơ
Càng nhỏ xinh hơn nữa.

Trái con chưa đủ nặng
Để đeo oằn nhánh cong.
Nhánh hãy giơ lên thẳng
Trông ngây thơ lạ lùng.

Cứ như thế trên trời
Giữa vô biên sáng nắng
Mấy chú quả sấu non
Giỡn cả cùng mây trắng

Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt,
Thoáng như một nghi ngờ,
Trái đã liền có thật.

Ôi! từ không đến có
Xảy ra như thế nào?
Nay má hây hây gió
Trên lá xanh rào rào.

Một ngày một lớn hơn
Nấn từng vòng nhựa một
Một sắc nhựa chua giòn
Ôm đọng tròn quanh hột…

Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu!

Chao! cái quả sâu non
Chưa ăn mà đã giòn,
Nó lớn như trời vậy,
Và sẽ thành ngọt ngon.

(Trích trong tập“Tôi giàu đôi mắt” (1970), trong “Những tác phẩm thơ tiêu biểu và nổi tiếng”, Xuân Diệu)

Câu 1 (0,5 điểm) : Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2 (0,5 điểm) :Trong bốn khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả hình ảnh những quả sấu non như thế nào?

Câu 3 (1 điểm): Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau và cho biết tác dụng của các biện pháp tu từ ấy?

Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu,
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu!

Câu 4 (1 điểm): Qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc điều gì?

Câu 5 (2 điểm): Trình bày cảm nhận của anh, chị về sự kì diệu của thiên nhiên.

Phần 2: Tạo lập văn bản 

Em hãy viết một bài văn thuyết minh về luật lệ trong trò chơi ô ăn quan

Bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 2

Phần 1: ĐỌC HIỂU 

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

TRĂNG ƠI TỪ ĐÂU ĐẾN

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Đứa nào đá lên trời

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ!

Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân

Trăng ơi… từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em…

(Trần Đăng Khoa Tập thơ Góc sân và khoảng trời - 1 968 )

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Xác định cách gieo vần trong bài thơ trên? (1.0 điểm)

Câu 2

a. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong 3 khổ thơ đầu và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó? (1.0 điểm)

b, Hãy xác định công dụng của dấu chấm lửng trong bài thơ trên? (1.0 điểm)

Câu 3. Qua bài thơ trên, tác giả gửi đến người đọc thông điệp gì? (1.0 điểm)

Câu 4. Từ cảm xúc với trăng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, em hãy viết đoạn văn (6 đến 8 câu) nêu cảm xúc của em giành cho vầng trăng quê hương em. (2.0 điểm)

Phần 2: VIẾT 

Dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm văn hiến. Để có được hòa bình và ấm no như hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã anh dũng, bất khuất đứng lên chống lại kẻ thù. Để minh chứng cho những tấm gương sáng ngời ấy, biết bao di tích, bao cái tên làm rạng danh dân tộc vẫn còn tồn tại đến bây giờ... Em hãy viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em đã tìm hiểu.

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 3

I. PHẦN I. ĐỌC HIỂU 

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

“Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhảy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều”.

Câu 1  Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Thuộc thể loại gì?

Câu 2 Ghi lại các động từ chỉ hành động của con hổ trong đoạn văn trên?

Câu 3. Đoạn văn trên đã sử dụng phép tu từ nào? Tác dụng của phép tu từ đó?

Câu 4 Qua đoạn văn, tác giả muốn gửi gắm bài học đạo lí nào cho con người

PHẦN II. VIẾT (6 ĐIỂM)

Hãy viết bài văn nghị luận thể hiện rõ ý kiến của em về vấn đề : Sách là để đọc, không phải để trưng bày

Phiếu bài tập Tết Ngữ văn 7 - Đề 2

I. PHẦN I – TRẮC NGHIỆM

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiên tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cxung luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đờii.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục, 2015, tr.70-71)

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Miêu tả
D. Nghị luận

Câu 2. Văn bản bàn luận về vấn đề gì?

A. Đức tính khiêm tốn
B. Sự tự ti
C. Đức tính trung thực
D. Sự thành công

Câu 3. Câu văn sau sử dụng biện pháp tu từ gì?

Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa.

A. Điệp ngữ
B. Liệt kê
C. Nhân hóa
D. So sánh

Câu 4. Cách diễn đạt của tác giả “luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi” gần gũi với câu danh ngôn nào sau đây?

A. Học, học nữa, học mãi (Lê-nin)
B. Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (Hồ Chí Minh)
C. Bác học không có nghĩa là ngừng học (Đác-uyn)
D. Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo (Danh ngôn Trung Quốc)

Câu 5. Em có đồng ý với ý kiến của tác giả bài viết:

Con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

A. Đồng ý
B. Không đồng ý

Câu 6. Vì sao tác giả lại cho rằng: Dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi?

Câu 7. Khiêm tốn có vai trò như thế nào đối với con người trong cuộc sống?

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN 

Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Bài tập Tết
Sắp xếp theo
👨
    Đóng
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm